Sàn giao dịch khoa học công nghệ: Làm gì để phổ biến?

(VTV Online) - Theo các chuyên gia về khoa học công nghệ, để phát triển thị trường khoa học công nghệ, yếu tố không thể thiếu là phải tạo lập sàn giao dịch.

Hình minh họa

Nếu sàn giao dịch bất động sản, giao dịch chứng khoán đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người, khái niệm sàn giao dịch khoa học công nghệ lại khá mới mẻ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập vào thị trường thế giới, chỉ tính riêng 70% doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu đổi mới về công nghệ đã cho thấy tiềm năng của sàn giao dịch công nghệ là hết sức lớn. Đây không chỉ là nơi các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà khoa học gặp gỡ mà còn phản ánh sự tương thích giữa thị trường công nghệ và nhu cầu thay đổi của thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Thành lập từ năm 2008, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng được đánh giá là một trong những nơi hiểu địa phương và hoạt động thành công hơn mong đợi. Sau 5 năm hoạt động, sàn đã thu hút gần 40.000 lượt người trao đổi, tìm kiếm các sản phẩm khoa học và công nghệ, gần 4.300 thông tin công nghệ thiết bị chào bán tại sàn, số lượng hợp đồng lên đến gần 300 với tổng trị giá đạt trên 380 tỷ đồng.

Ngay trong thời kỳ kinh tế khó khăn, 2 trang thương mại điện tử đăng ký tại sàn là alibaba.com và vatgia.com vẫn ăn nên làm ra.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng cho biết: “Kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra được là việc kết nối với các doanh nghiệp. Qua những tư vấn chuyển giao như vậy, chính doanh nghiệp khẳng định được giá trị dịch vụ chúng tôi mang lại cho họ, từ đó tuyên truyền lan tỏa cho doanh nghiệp khác”.

TP HCM, cùng với Hà Nội và Đà Nẵng được mong đợi là sẽ làm nên chuyện khi mà hàng ngày, khối lượng giao dịch về khoa học công nghệ chiếm nhiều nhất cả nước, phạm vi hoạt động sâu rộng với 21 tỉnh thành khu vực phía Nam, kết nối với các nước trong khu vực và quốc tế.

Tiềm năng lớn, trách nhiệm cao đã khiến sàn giao dịch ở đây được kỳ vọng là nơi xác lập xu thế, định hướng hoạt động khoa học. Đồng thời, đây phải là nơi giúp các nhà khoa học, nhà sáng chế nhìn nhận rõ, đâu mới là sản phẩm thật sự cần thiết, đáp ứng đúng nhu cầu thực tế.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Phó Trưởng ban Khoa học và Công nghệ Đại học Quốc gia TP.HCM nói: “Thay vì chúng ta ngồi trong tháp ngà, chúng ta tự nghĩ chúng ta thích thú và làm nghiên cứu, chúng ta phải thay đổi nó, phải xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn và cùng với doanh nghiệp giải quyết những vấn đề đó. Như vậy, sự kết nối cung cầu phải bắt đầu sớm hơn thay vì là đợi đến khi thực sự có nhu cầu tôi mới đi tìm”.

Theo số liệu tổng hợp từ 4 sàn giao dịch và sàn giao dịch ảo của Cục thông tin, trong 3 năm qua, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An và một số sàn giao dịch khác, lượng giao dịch công nghệ là gần 4.600 lượt với tổng trị giá là gần 5.700 tỷ đồng. Số lượng giao dịch công nghệ mỗi năm tăng gần 30%.

Vì đặc thù là những sản phẩm trí tuệ nên sàn giao dịch có những điểm riêng biệt: sản phẩm tạo ra không phải ai cũng có thể hiểu được công nghệ, phát hiện ra trong công nghệ đó có những yếu tố như thế nào và phục vụ cho sản xuất của mình như thế nào. Theo các chuyên gia về khoa học công nghệ, cần phải có một đội ngũ nhân lực lành nghề thì mới có thể khai thác được tiềm năng.

Ông Phạm Văn Diễn, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ nói: “Các nhân lực làm sàn ở đây đòi hỏi không chỉ là những nhà khoa học, những người giỏi về công nghệ mà còn biết được những kỹ năng, những phương pháp định giá, đánh giá, giới thiệu, phát hiện công nghệ, kết nối giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp, các nhà sáng chế”.

Thực tế cho thấy, ngay cả Nga, một cường quốc về khoa học công nghệ cũng thừa nhận, hàng năm có khoảng 1 triệu sáng chế nhưng có không quá 20% trong số này đem ra ứng dụng. Điều này cho thấy, tiềm năng của Việt Nam tuy lớn, nhưng ngay từ khi bắt đầu, những sản phẩm đầu vào phải được chọn lọc kỹ càng, tránh lãng phí.

Đề án phát triển thị trường 1015 của Thủ tướng chính phủ trong thời gian tới sẽ tập trung vào xây dựng 3 sàn giao dịch cấp quốc gia là sàn Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để tạo nên những giao dịch công nghệ minh bạch, theo cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng, không chỉ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời giúp TP.HCM và thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020, hoạt động công nghệ đóng góp 35% tăng trưởng kinh tế.

Hạnh Vân

Nguồn VTV: http://vtv.vn/cong-nghe/san-giao-dich-khoa-hoc-cong-nghe-lam-gi-de-pho-bien/101309.vtv