Sàn diễn hắt hui và đang đi vào ngõ cụt?

Những diễn viên trẻ vừa có chút tên tuổi trên sàn diễn lập tức chuyển sang làm MC cho các game show trên truyền hình như Đại Nghĩa, Thanh Vân, Đình Toàn…

Vụ kiện của diễn viên Ngọc Trinh với Nhà hát kịch TPHCM xem ra vẫn chưa đến hồi kết thúc. Sau khi diễn viên Ngọc Trinh được tuyên thắng kiện tại phiên xử đầu tháng 7-2017, thì Nhà hát kịch TPHCM không hài lòng với phán quyết ấy và kháng cao. Vụ kiện không biết sẽ có màu sắc lâm ly thế nào, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy sân khấu tư nhân đang đi vào ngõ cụt!

Sân khấu tư nhân đang đi vào ngõ cụt! (Ảnh minh họa)

Những diễn viên trẻ vừa có chút tên tuổi trên sàn diễn lập tức chuyển sang làm MC cho các game show trên truyền hình như Đại Nghĩa, Thanh Vân, Đình Toàn… Sự chọn lựa ấy, thật khó trách họ, vì thù lao từ game show gấp năm, gấp mười mỗi vở diễn. Đến thời game show thì hết thời sân khấu chăng? Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc bày tỏ: “Vở diễn sân khấu muốn có giấy phép công diễn phải tiến hành phúc khảo trình duyệt, mỗi đêm diễn hiệu ứng chỉ cho một khán phòng vài trăm người xem. Một gameshow hài hước lên sóng cho mấy chục triệu người xem. Tôi cảm giác dường như quản lý ngành văn hóa đã bất lực với chất lượng thẩm mỹ của những “đại gia” này. Tôi không đòi dẹp bỏ vì đó là nồi cơm của nhiều người. Tôi chỉ kêu gọi là nghệ sĩ thì phải biết trọng nghề và trọng chính mình!”.

Đạo diễn Trần Minh Ngọc ở tuổi 80 vẫn tràn trề ưu tư: “Khi có một đời sống sân khấu thực sự năng động và khỏe mạnh thì mới có được những người tài năng thực sự tham gia vào hoạt động sáng tạo, tạo nên những vở diễn có tính nghệ thuật cao. Sân khấu cần có những đội ngũ sáng tác mạnh và phải thừa nhận hiện tại, đội ngũ sáng tác ở mảng kịch nói hiện nay vẫn chưa mạnh, còn né tránh nhiều vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Do đó, tôi nghĩ rằng khởi nguồn của một sân khấu mạnh phải là đội ngũ sáng tác mạnh, họ chứ không ai khác sẽ cung cấp những chất liệu tốt cho sân khấu. Tôi đau lòng khi nhìn những rạp hát hoành tráng nhưng im lìm, đèn đóm tắt hết vào ban đêm, thỉnh thoảng mới sáng một hôm thì loe hoe khách. Sân khấu tư nhân, điều tôi lo lắng là đang đến thời kỳ bão hòa sau một thời gian chạy theo các đề tài xã hội: đồng tính, ma cỏ, tiền bạc…!”.

Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân từng xây dựng cả hai tụ điểm sân khấu tư nhân, bây giờ đã muốn buông tay: “Nhiều lúc tôi mệt mỏi, sức khỏe cũng không còn được như thời xưa năng động. Giờ tôi duy trì hoạt động được đến bao lâu thì sẽ cố gắng. Điều làm tôi vui là vẫn có nghệ sĩ trụ lại với nghề. Họ có thể là nghệ sĩ thành danh nhưng thủy chung với sàn diễn, hoặc đó là các học sinh ngành sân khấu do tôi và đồng nghiệp mình đào tạo. Một lần trong tuần, họ tự nguyện giảm phần lương để chia sẻ với tôi. Họ đều muốn cố gắng để làm sao để sân khấu của tôi sáng đèn, vì nếu tôi cứ phải bù lỗ hoài tôi sẽ "chết".

Nếu xem thị phần nhu cầu giải trí của người dân TP HCM là một "miếng bánh" thì "miếng bánh" đó đang ngày càng nhỏ đi so với sự phát triển của quá nhiều loại hình. Bây giờ người người làm phim, làm sân khấu, băng đĩa, giải trí trên mạng Internet "bùng nổ", chưa kể rất nhiều loại hình giải trí tự phát khiến giá trị thực ảo lẫn lộn... Sân khấu phải gồng mình trước rất nhiều cạnh tranh. Ngoài sự nỗ lực, tự thân vận động vươn lên của mỗi đơn vị, để giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay, loại hình này rất cần một sự hỗ trợ mang tính thiết thực, tổng thể và có trọng điểm hơn từ cơ quan chức năng ngành văn hóa…”.

PHẠM TUẤN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/san-dien-hat-hui-va-dang-di-vao-ngo-cut-post199961.html