Sân chơi bị “đánh cắp”

Trẻ em TP đang thiếu sân chơi nghiêm trọng, thế nhưng nhiều nhà thiếu nhi lại bị sử dụng sai chức năng, cho thuê hoạt động phục vụ người lớn, có cả loại hình cấm trẻ em. Các sân chơi tư nhân tự phát lại thiếu đầu tư, không an toàn.

Mùa hè, nhiều trẻ bị bệnh tâm thần vì phải học thêm nhưng muốn tìm chỗ cho trẻ vui chơi giải trí cũng không phải dễ. Trẻ em TP đang thiếu sân chơi trầm trọng, trong khi đó nhà thiếu nhi các quận đã thiếu lại còn bị sử dụng sai mục đích. Nhà thiếu nhi “cấm” trẻ dưới 16 tuổi Trước cổng Nhà văn hóa Thiếu nhi quận 10 không thấy các chương trình hấp dẫn cho thanh thiếu niên mà trương lớn tấm biển ghi lịch khai giảng các lớp dạy thể dục thẩm mỹ và các khóa học về Yoga dành cho người lớn. Nhân viên ghi danh cho biết nhà thiếu nhi dành ra hai phòng cho đối tác bên ngoài thuê. Một phần Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Phú Nhuận lại được dùng làm cơ sở 2 để luyện thi đại học với lời mời chào rất kêu: “Luyện thi từ 1998 tỉ lệ đỗ cao hàng đầu tại TP.HCM đỗ thủ khoa, á khoa kỳ thi vừa qua do các giảng viên đại học Kiến Trúc, Mỹ Thuật Công Nghiệp, Trang trí nội ngoại thất hướng dẫn”. Án ngữ ngay trước mặt tiền của Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức là khoảng 200 m2 đất cho thuê bán các mặt hàng gốm sứ… Nhà thiếu nhi TP và Nhà thiếu nhi quận 1 lại cho các đơn vị kinh doanh sân khấu kịch thuê mặt bằng để biểu diễn. Ngay trước quầy bán vé xem kịch (khu vực cổng ra vào) của Nhà thiếu nhi quận 1 có để tấm bảng với nội dung: “Chúng tôi không giải quyết các trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi vào xem các vở kịch sau: Sát thủ hai mảnh, Lùng người trong mộng…”. Đại diện ban giám đốc nhà thiếu nhi này cho biết hoạt động chính của nhà thiếu nhi là phục vụ các em thiếu nhi trong quận. Tuy nhiên, việc hợp tác với Sân khấu kịch IDÉCAF cũng là một nhiệm vụ tuyên truyền văn hóa cho thanh niên trên địa bàn quận và không nhằm vào mục đích kinh doanh. Nhưng ngay sau đó cũng chính vị đại diện này nói: “Nói đi thì cũng phải nói lại, chúng tôi là đơn vị hạch toán hoàn toàn độc lập nên phải tự xoay xở tìm nguồn kinh phí để phục vụ cho hoạt động của nhà thiếu nhi cũng như tái đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị” (?!). Ông Phạm Ngọc Tuyền, Giám đốc Nhà thiếu nhi TP, giải thích về việc cho Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh thuê mặt bằng biểu diễn kịch là sự hợp tác giữa hai bên. Theo đó, sân khấu kịch này vừa diễn kịch (cả người lớn và trẻ em), vừa giúp đào tạo đội kịch của Nhà thiếu nhi TP. Gian hàng gốm sứ án ngữ ngay trước cổng Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức. Trao đổi về các trường hợp trên, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Bí thư, Trưởng Ban Thiếu nhi Thành đoàn TP.HCM, tỏ ra khá ngạc nhiên. Bà Thúy cũng cho biết Thành đoàn sẽ trực tiếp kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những vi phạm. “Vì hiện nay TP đang có chủ trương tận dụng hết tất cả địa điểm như trường học, nhà văn hóa các khu phố, phường, thậm chí là các khu đất trống phù hợp để tổ chức cho thanh thiếu niên vui chơi, sinh hoạt hè” - bà Thúy nói. Cũng theo bà Thúy, hiện TP có hơn 1 triệu thiếu nhi và không thể nào đủ sân chơi để đáp ứng hết nhu cầu của các em. Vì vậy, ngoài các điểm vui chơi thuộc quản lý của nhà nước, TP đang phát huy hết các nguồn lực từ các khu phố, các dịch vụ tư nhân để tạo thành một mạng lưới các điểm sinh hoạt vui chơi cho thanh thiếu niên trong mùa hè. Bà Thúy cho biết: “Mạng lưới này nếu làm tốt thì có thể đảm bảo thu hút được khoảng 70%-80% các em thiếu nhi trong toàn thành tham gia”. Sân chơi tự phát: Đơn điệu, thiếu an toàn! Theo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2010 có 100% số xã, phường tổ chức được cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em, trong đó có 50% số cơ sở đủ tiêu chuẩn, 100% quận, huyện tổ chức và quản lý được cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Nắm bắt được nhu cầu của trẻ em, các khu vui chơi dành cho trẻ em tự phát cũng mọc lên nhan nhản. Chỉ với dăm ba con thú nhún, đu quay, ngựa gỗ hoặc canô chạy bằng điện trên mấy chục mét vuông đất là đã có thể hình thành nên một điểm vui chơi giải trí cho trẻ em. Tại khu chung cư Ngô Tất Tố, phường 22, Bình Thạnh, khoảng đất trống là vỉa hè tiếp giáp với đường Ngô Tất Tố được cho thuê để làm điểm vui chơi cho trẻ em. Chỉ với ba hạng mục là đu quay, xe lửa và canô điện nhưng mỗi buổi chiều rất đông phụ huynh đưa con tới tham gia các trò chơi ở đây. Nhiều cha mẹ để con ngồi rất lỏng lẻo trên những chiếc đu quay mà không hề có phương tiện khác bảo vệ, trẻ rất dễ lăn xuống đất. “Nguy hiểm nhất là khi các cháu ngồi không đúng tư thế. Tôi đã từng chứng kiến cảnh cháu bé bị rơi từ trên đu quay xuống đất do hiếu động ngồi nghiêng một bên, trò chơi lại không có dây bảo vệ, cha mẹ thì khó thể cưỡng lại trước đòi hỏi của con nên cũng chiều theo” - ông Nguyễn Văn Việt, một cán bộ hưu trí tại phường 21, quận Bình Thạnh cho biết. Biết rõ những sân chơi tự phát không thật an toàn nhưng nhiều cha mẹ không biết kiếm đâu ra chỗ cho con chơi nên cũng đành chấp nhận. Còn chủ nhân của những điểm vui chơi này thì suy nghĩ hết sức đơn giản, chỉ bỏ ra vài chục triệu đồng là có thể tạo ra được doanh thu đều đều từ những lượt khách nhí mỗi ngày. Tôi còn nhớ hồi tôi còn rất nhỏ, ba mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn hay dẫn tôi đến nhà thiếu nhi chơi. Hồi đó với tôi nhà thiếu nhi là một nơi rất hấp dẫn và thú vị. Tuy nhiên chỉ đến năm lớp bảy, khi mà tôi đi học ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (chỉ cách nhà thiếu nhi độ vài trăm mét) thì tôi mới cơ hội tham gia các hoạt động ở Nhà thiếu nhi một cách chính thức. Tôi vẫn còn nhớ rõ lần đầu tiên tôi đến nhà thiếu nhi để hỏi về việc tham gia các lớp năng khiếu tin học với tâm trạng còn nhiều bỡ ngỡ của tuổi học sinh. Nhưng rất may lúc đó tôi gặp ngay cô Tuyết phụ trách lớp tin học hồi đó (và bây giờ vẫn còn làm) đã khiến tôi có một cảm giác thân quen ngay từ đầu và rồi tôi đã gắn bó với lớp năng khiếu tin học của nhà thiếu nhi từ đó. Bây giờ đôi lúc ngồi nghĩ lại tôi mới nhận thấy rằng suốt khoảng thời gian học ở nhà thiếu nhi đã trở thành là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của tôi. Hồi đó tuổi học trò thật vô tư, tôi chỉ đến nhà thiếu nhi học và chơi chứ không cần phải thi cử như trên trường, thật là thích. Rồi sau mỗi giờ học thỉnh thoảng tôi hay ra thư viện đọc truyện thư giãn hay nằm chơi ở khu hồ cá vào những giờ nghỉ trưa. Có lẽ chính môi trường với nhiều kỷ niệm và sự yêu thích như vậy đã góp phần tạo nên trong tôi một sự say mê và yêu thích môn tin học một cách mãnh liệt để rồi sau đó tôi đã quyết định gắn bó cho sự nghiệp tương lai của mình. Trích blog Phạm Hữu Ngôn cựu học sinh nhà thiếu nhi Đồng Nai 1996-1999 VIỆT HOA

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100626124015818p0c1019/san-choi-bi-danh-cap.htm