Samsung thu hồi Note 7, Việt Nam ''thiệt thòi'': Xuất khẩu hộ?

Các DN cần phải tự vươn lên, cung cấp các phụ kiện, các nguyên vật liệu cũng như các linh kiện cho DN FDI, để tăng giá trị gia tăng cho VN.

Sự sụt giảm và bài học đau xót

Sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy Note 7 lắp ráp ở Việt Nam tiêu thụ khắp thế giới đã được hãng này quyết định ngừng sản xuất và thu hồi toàn bộ sản phẩm mà Samsung đang triển khai.

Trong khi, hiện nay mặt hàng điện thoại và linh kiện này hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp chính yếu cho thành quả này là từ hai tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Chính vì thế, các nhà dự báo cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi các chuyên gia dự báo người dùng có thể chuyển sang Apple.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 14/10, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho biết: "Trước hết, khi nói về Samsung Việt Nam thì đây là một doanh nghiệp đầu tư FDI, là một DN sản xuất và kinh doanh các mặt hàng về điện tử trên quốc tế.

Và đây cũng là một công ty tạo ra kim ngạch xuất nhập khẩu lớn cho nền kinh tế VN. Hơn nữa, Samsung cũng là một DN giải quyết được lượng lao động lớn với thu nhập tương đối cao, ổn định tại VN, nếu so với các DN FDI khác, họ cũng có mặt được của mình.

Samsung dự định tiêu hủy toàn bộ Galaxy Note 7

Thế nhưng, phần lớn họ nhập khẩu linh kiện của các nước khác lên tới 80-90%, nên phần giá trị gia tăng của VN có được không nhiều, cái VN có được chỉ là tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Nên khi họ gặp khó khăn thì đương nhiên chúng ta cũng bị ảnh hưởng là chắc chắn, nhưng không quá phải lo lắng. Nếu như Samsung Galaxy Note 7 ra đời một cách êm xuôi, có thể chúng ta tăng được kim ngạch xuất khẩu lên vài chục tỷ USD".

Về phía các nhà quản trị, theo ông Thịnh, đây là việc rất đáng tiếc đối với Samsung, nhưng người chịu thiệt hại trực tiếp là các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, những người có vốn trong Samsung, sau đó là công nhân sản xuất trực tiếp tại nhà máy.

Còn nền sản xuất kinh tế VN chịu thiệt thòi là mất đi phần giá trị gia tăng mà đáng ra chúng ta có thể thu được từ hoạt động sản xuất cũng như xuất nhập khẩu của Samsung. Từ đó, nó ảnh hưởng đến các hoạt động phụ trợ của xã hội, của nền kinh tế VN.

Còn về phương diện người quản trị, những người bỏ vốn cho Samsung làm trực tiếp, sẽ có được bài học đau xót. Rõ ràng khi phải dừng sản xuất sản phẩm thì các chi phí bỏ ra tự nhiên bị mất, khi đó phải tái cơ cấu, xem xét lại hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh, làm cho mức thiệt hại từ việc không sản xuất được Samsung Galaxy Note 7 ở mức thấp nhất. Từ đó, mới có thể sản xuất các mặt hàng, sản phẩm khác bù đắp lại thiệt hại đó.

Nhắc lại sự việc trước đó, Samsung có xin miễn thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng với dòng sản phẩm Samsung Galaxy Note 7 bị lỗi, ông Thịnh phân tích: "Về mặt nguyên tắc DN sai thì phải chịu trách nhiệm, nhưng dù Samsung có nhiều ưu đãi, thì về phương diện nhà quản lý, chúng ta vẫn phải làm sao để cho đúng, góp phần giúp DN vượt qua khó khăn, cho xã hội tiến bộ lên.

Rõ ràng, không may sản xuất sản phẩm bị hỏng, họ thu hồi lại, nhập về thì tại sao lại đánh thuế, không thể thu 2 lần thuế cho 1 sản phẩm.

Vì thế về mặt cơ sở pháp lý, việc Samsung đề nghị là hoàn toàn chính xác, nên Tổng cục Hải quan VN phải tạo điều kiện giúp đỡ để họ khắc phục hậu quả trong sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, từ đó làm cho DN phát triển, thúc đẩy nền kinh tế VN phát triển.

Còn nếu nói về cơ sở khoa học, họ mang hàng hóa đó đi ra, rồi mang đúng hàng hóa đó về mà đánh thuế là không được".

Làm sao để hết phụ thuộc vào DN FDI

Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, việc chúng ta lo lắng kim ngạch xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do Samsung thu hồi dòng Galaxy Note 7, về mặt nguyên tắc rõ ràng đây là sự phụ thuộc của VN vào hoạt động của DN FDI.

Galaxy Note 7 - bom tấn có vòng đời ngắn nhất trong lịch sử.

Lý do, bởi vì có đến 70-80% sản phẩm xuất khẩu công nghiệp ở VN đều do DN FDI tiến hành, còn sản phẩm công nghiệp VN xuất khẩu đi mang tính chất thuần túy nội địa cực kỳ ít, không đáng kể, cho nên chúng ta phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu của FDI vào VN.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/samsung-thu-hoi-note-7-viet-nam-thiet-thoi-xuat-khau-ho-3320821/