'Sàm sỡ' nơi công sở: Nhiều nhưng ít biết

Hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục tại chốn công sở không hề hiếm gặp nhưng người lao động là nạn nhân thường chỉ biết im lặng…

Nạn nhân thường im lặng

Theo quy định của pháp luật, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay cũng chính là hành vi quấy rối tại nơi công sở được quy định tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019.

Theo đó, “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”

Trước vấn đề này, Chính phủ cũng có quy định chi tiết về quấy rối tình dục dưới các hình thức như: trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích liên quan đến công việc…

Hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối cũng được xác định là quấy rối tình dục. (theo Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Trao đổi với phóng viên Tòa soạn Pháp luật plus, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, quấy rối tình dục nơi làm việc hay nơi công sở thực chất là một hình thức phân biệt đối xử liên quan đến giới tính, gây ảnh hưởng xấu tiêu cực tới môi trường công sở, phá vỡ sự bình đẳng giữa người lao động nam và lao động nữ.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nó dẫn đến những tác động xấu về tâm lý, thậm chí gây lo lắng, căng thẳng và tổn thương sâu sắc về cả thể xác lẫn tinh thần cho người bị hại. Hậu quả là làm cho môi trường công sở trở nên thiếu sự an toàn, hiệu suất cũng như năng suất làm việc bị giảm sút.

Vì vậy, các hành vi quấy rối, xâm phạm tình dục nơi làm việc cần được đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn và loại bỏ, tạo điều kiện cho tất cả mọi lao động phát huy tối đa khả năng để cống hiến hết mình cho nơi mà họ đã lựa chọn gắn bó.

Cùng với đó, dù pháp luật đã có quy định cụ thể, chi tiết nhưng vì quấy rối thường là những hành vi rất khó chứng minh và dễ bị chối bỏ. Nguyên nhân là vì hành vi quấy rối tình dục thường ít có thương tổn rõ ràng trên cơ thể nạn nhân và người thực hiện cho rằng đó chỉ là vui đùa, trêu ghẹo. Điều này trái ngược với những hệ lụy lâu dài mà nạn nhân phải gánh chịu, đặc biệt là sự ám ảnh đè nặng lên tâm lý, Tiến sĩ Nga chia sẻ thêm.

Chế tài chưa thích đáng?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà nhận định, hiện nay, hành vi quấy rối tình dục đã xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả ở nông thôn và thành phố, đặc biệt là tại nơi làm việc. Đã có không ít các vụ quấy rối tạo những làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có những hình phạt xử lý thích đáng những đối tượng này.

Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà.

Tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy; Phòng ngừa và kiểm soát bạo lực gia đình.

Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 5, Nghị định này quy định những người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ở đây, cử chỉ thô bạo, trêu ghẹo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đều được xem là tội quấy rối tình dục.

Ngoài ra, trường hợp hành vi quấy rối xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Người phạm tội có thể bị xử lý các khung hình phạt cao hơn nếu có các yếu tố tăng nặng.

Không chỉ vậy, để xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước khi bị quấy rối và người lao động sẽ bị sa thải nếu có hành vi quấy rối người khác tại nơi làm việc.

Lời khuyên từ chuyên gia

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, công sở là nơi làm việc, vì vậy, lao động nữ nên lựa chọn cho mình những bộ trang phục nhã nhặn, không nên quá gợi cảm, sexy. Điều này sẽ tránh được việc gây thu hút, lòng ham muốn của người khác giới.

Bên cạnh đó, khi nghe thấy những lời chọc ghẹo, tán tỉnh hay những hình ảnh khiêu dâm, hãy thờ ơ với nó, không quan tâm tới những chuyện xung quanh, tập trung vào công việc và tránh tiếp xúc với đối tượng để làm giảm sự hứng thú của “hắn” đối với mình.

Luật sư Nguyệt Tú cũng cho biết, trường hợp nếu những lời nói hay hành vi quấy rối không có dấu hiệu dừng lại và vượt quá tầm kiểm soát của bản thân thì người lao động nên khiếu nại tới cấp trên, người có thẩm quyền giải quyết trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình để xử lý kẻ có hành vi quấy rối.

Việc khiếu nại có thể thực hiện trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn. Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP với thời hạn giải quyết khiếu nại là không quá 30 ngày hoặc 45 ngày đối với vụ việc phức tạp, kể từ ngày thụ lý.

Người lao động có hành vi quấy rối tình dục sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật lao động. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người này sẽ bị xử lý theo các hình thức khác nhau. Nếu chưa đến mức độ nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc cách chức.

Nặng nhất, người quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn có thể bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động.

Trường hợp vụ việc quấy rối nơi công sở có tính chất quá phức tạp hoặc người có hành vi quấy rối lại chính là người sử dụng lao động thì lao động nữ nên thu thập bằng chứng, chứng cứ, từ những tin nhắn, lời nói, hình ảnh,… cho đến những hành vi để tố cáo tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Người lao động có quyền gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ngoài ra, nếu như quá mệt mỏi và sợ hãi khi mọi cách đều không thể giải quyết được vấn đề thì người lao động để tự bảo vệ mình cũng có thể thôi việc và tìm một công việc khác có môi trường lành mạnh, an toàn hơn. Trong trường hợp này, căn cứ điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.

Gia Hải

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/sam-so-noi-cong-so-nhieu-nhung-it-biet-d176060.html