Sài Gòn "hậu metro"

Cuộc sống không thể bất biến. Sài Gòn với những giải pháp như hệ thống metro đang bắt đầu làm từ tháng 8 này để giảm áp lực giao thông càng ngày càng giống như một cơn ác mộng đeo đẳng cả khi ta không ngủ. Ai yêu Sài Gòn, yêu không gian trung tâm với nét kiến trúc hoàn hảo của thời Đông Dương thuộc địa nên học lấy bài học tìm biện pháp "chống sốc" nếu khó thích ứng với thay đổi.

Cuộc sống không thể bất biến. Sài Gòn với những giải pháp như hệ thống metro đang bắt đầu làm từ tháng 8 này để giảm áp lực giao thông càng ngày càng giống như một cơn ác mộng đeo đẳng cả khi ta không ngủ. Ai yêu Sài Gòn, yêu không gian trung tâm với nét kiến trúc hoàn hảo của thời Đông Dương thuộc địa nên học lấy bài học tìm biện pháp "chống sốc" nếu khó thích ứng với thay đổi.

Đọc E-paper

Thành phố cần những con đường mới cho người sống trong trung tâm có cách thoát ra ngoài, nên sẽ còn có những metro tiếp theo. Xu hướng này là không thể thay đổi và sẽ may mắn vô cùng cho người Sài Gòn nếu nó diễn ra thật nhanh, đủ quyết liệt để trong vòng năm, mười năm tới, lưu lượng người ra vào trung tâm vẫn tăng lên mà thời gian di chuyển ngắn lại chỉ còn một nửa.

Hiện đã có khoảng 180 cao ốc đã và đang xây dựng, dồn ép khu trung tâm Sài Gòn. Hàng loạt dự án cũng đang tiếp tục triển khai, như dự án SJC Tower (diện tích 4.000m2, cao 58 tầng, chiếm bốn mặt đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực), dự án Sài Gòn Center giai đoạn 2 cũng vừa được chủ đầu tư làm lễ khởi công, và Thương xá Tax sẽ trở thành tòa nhà 40 tầng.

Còn nhiều dự án cao ốc bốn, năm chục tầng nữa mọc sát trung tâm quận 1, không điểm danh xuể. "Công và tội" của những tòa cao ốc này không thể phán xét ngay một sớm một chiều, bởi quy hoạch đô thị phải có một độ lùi về thời gian để thẩm định sự phát triển mới có song hành hài hòa và bền vững với cái cũ, hay nó đang tâm phản bội lại con đường lịch sử và văn hóa đô thị chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế.

Chúng ta vẫn muốn chìm đắm mãi trong không gian quy hoạch mà người Pháp đã thiết kế cho Sài Gòn hơn trăm năm trước, và lo sợ trước nguy cơ mất đi các công trình kiến trúc tuyệt vời ở quận 1 như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố và nhiều công trình kiến trúc công sở, nhà ở cũ khác.

Thái độ đó đúng, nhưng rồi chúng ta cũng phải đối diện với sự thật là người Pháp quy hoạch phát triển Sài Gòn chỉ cho 400 ngàn dân thôi. Còn hiện nay thành phố đang phát triển với tốc độ trên 9%/năm, làm thế nào giải quyết lượng người nhập cư và làm sao ngăn được những cơn sốt đầu tư trên mảnh đất vàng khu trung tâm?

Thực tế đáng lo nhất là trung tâm thành phố đang hiện đại lên từng ngày, không gian giao thông nhìn có vẻ khá lên nhiều khi mở rộng con đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hoàn thành đại lộ Đông Tây, hay phân luồng giao thông cho hợp lý hơn với vài triệu chiếc xe máy và ô tô, nhưng vẫn chưa thấy hình hài của một đô thị có bản sắc riêng ngoài sự lộn xộn cố hữu về văn hóa mặt tiền và văn hóa xe máy.

Tôi không muốn nhắc lại lý thuyết việc bảo tồn di sản kiến trúc văn hóa sẽ đem lại cái lợi thế nào trong phát triển kinh tế, tăng mức độ hấp dẫn cho khu vực trung tâm này ra sao, bởi đó là nguyên lý, ai muốn hiểu thì bằng cách này hay cách khác rồi sẽ hiểu được thôi.

Tuy nhiên, một thành phố phát triển dữ dội như Sài Gòn cần rất nhiều công trình nghiên cứu cụ thể mới thuyết phục được các nhà quản lý vĩ mô và nhà đầu tư. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhiều lần phát biểu về bài toán quản lý di sản cần được khởi đầu bằng việc thống kê lại danh sách và cập nhật chi tiết các công trình có giá trị lịch sử cũng như xác định khu vực lõi trung tâm lịch sử cần bảo vệ di sản.

Khu trung tâm lịch sử có phần lõi trung tâm, đánh dấu 300 năm phát triển của Sài Gòn xưa và tồn tại đến ngày nay, cần được đặc biệt quan tâm trong quy hoạch khu trung tâm là khu vực giới hạn bởi các con đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Du - Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm - bờ sông Sài Gòn - Tôn Đức Thắng - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa - Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần - Phạm Ngọc Thạch - Lê Duẩn.

Việc bảo tồn bản sắc Sài Gòn xưa rất quan trọng, trong khi bản sắc hiện đại và độc đáo của một thành phố mới trong thế kỷ XXI còn chưa được định hình. Nếu nhìn ở khía cạnh này, từng công trình cao ốc một sẽ được định "công và tội" ngay.

Chúng ta không cưỡng lại ham muốn xây dựng cao ốc trong thành phố, đến một tương lai mới thì phải dồn sức tạo cho khu vực này một bản sắc văn hóa khả dĩ hòa hợp với vốn liếng văn hóa kiến trúc mang phong cách "Đông Dương thuộc địa" đã phai nhạt đi nhiều.

Từng có một khách sạn Caravelle lấn át không gian kiến trúc của Nhà hát Thành phố, nhưng cũng có cao ốc Petro Tower gần Nhà thờ Đức Bà không gây ảnh hưởng là một ví dụ để không gian Sài Gòn có thể sống chung với cao ốc, có thể phát triển nhanh, hiện đại mà vẫn không bị ngạt thở.

Chưa thấy nhắc nhở những công trình văn hóa phụ trợ nhằm điều hòa sự hiện đại của thời kỳ "hậu metro", hậu cao ốc năm, bảy chục tầng.

Ví dụ, nhà ga metro ở Nhà hát Thành phố tuy ngầm dưới đất nhưng có thể là một công trình có kiến trúc nghệ thuật mới, nhanh chóng tiếp cận một số khu công cộng thân thiện và thêm vài công năng hoạt động nghệ thuật đặc sắc, để an ủi những người hoài cổ vốn bi quan với sự xuất hiện quá nhiều cao ốc và các công trình giao thông hiện đại ở khu trung tâm.

Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (Đông Tây cũ) đã định danh chức năng "con đường di sản" vì đi qua 4 khu đô thị của thành phố, đặc biệt đi qua khu Chợ Lớn và khu trung tâm quận 1.

Con đường di sản này có hạ tầng cứng rồi, còn quyền lực mềm của nó thì đang đợi những dự án văn hóa, những kiến trúc, những khu công cộng, để đại lộ này trở thành nổi tiếng như đại lộ Champs Elyseés thời kỳ Paris quyết định rũ bỏ kiến trúc trung cổ. Trong một vài thập niên tới, cần nỗ lực cho "đường dẫn văn hóa" tiếp cận và hòa giải cái cũ và cái mới!

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2014/08/1083310/sai-gon-hau-metro/