Sách văn học cho thiếu nhi - thừa & thiếu

(Cadn.com.vn) - “Văn học thiếu nhi đang chững lại”, “Văn học thiếu nhi thừa bề rộng thiếu bề sâu”... Điểm lại một số vấn đề của các diễn đàn văn học gần đây không khó để ta có thể bắt gặp những tựa đề như vậy. Mảng văn học dành cho thiếu nhi đang bị thiếu hụt một cách trầm trọng. Dạo một vòng quanh các nhà sách lớn tại Đà Nẵng như Bạch Đằng, Fahasa... không còn thấy những cuốn truyện giàu tính nhân văn như Dế mèn phiêu lưu ký, Quê Nội, Tuổi thơ dữ dội trên kệ sách nữa, thay vào đó là những cuốn truyện dịch từ nước ngoài với màu sắc và hình ảnh bắt mắt. Những tác phẩm của các tác giả trẻ như Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thái Hải, Hồ Việt Khuê...cũng chỉ chiếm một gian nhỏ. Phần còn lại của khu sách văn học thiếu nhi chủ yếu là các tập truyện tranh nổi tiếng như Conan, Đô-rê-mon và các loại truyện tranh chuyển thể từ sách kinh điển.

Điều này cho thấy tình trạng mất cân đối của mảng văn học này. Một thực trạng nữa là hầu như các sách truyện thiếu nhi trong nước rất ít khi nhận được sự quan tâm của độc giả nhí bởi hầu hết những cuốn sách này không được phổ biến rộng rãi trên kệ hàng. Đến đây vào giờ tan tầm thấy rất đông học sinh đứng đọc sách tại chỗ, nhưng hầu hết đều chú tâm vào những truyện tranh nước ngoài. Một nhân viên bán hàng tại Nhà sách Phương Nam cho biết: “Hầu hết các em học sinh tiểu học đến đây cũng chỉ mua truyện tranh là chủ yếu. Bán chạy nhất vẫn là truyện trinh thám Nhật Bản. Truyện ngắn Việt Nam thỉnh thoảng mới bán được”.

Văn học thiếu nhi là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây chỉ có một vài tác phẩm Việt Nam dành cho thiếu nhi được phổ biến rộng rãi. Trong đó nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có thể được xem là cây bút trung thành nhất với thiếu nhi với loạt truyện Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ... Trong số hơn 300 nhà văn chủ chốt của Hội nhà văn Việt Nam chỉ có khoảng 20 tác giả trung thành với con đường viết văn cho thiếu nhi. Tuy nhiên, hầu hết những nhà văn này đều đã bước vào tuổi trung niên trong khi đó những cây bút trẻ không mấy mặn mà với đề tài này.

Nhà văn Trần Hoài Dương – người đã dành cả cuộc đời mình tâm huyết với sự nghiệp văn học dành cho thiếu nhi tâm sự: “Một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam hiện nay người ta vẫn cho rằng văn viết cho thiếu nhi là văn loại 2, loại 3. Những năm gần đây có rất ít những sáng tác thiếu nhi được trao giải thưởng của Hội Nhà văn. Lớp trẻ thiếu cá tính riêng, những cây bút lâu năm thì dường như hết vốn, mệt mỏi và khó bắt kịp thời đại”.

Theo nhà văn thì thời của những cây bút lớn như Tô Hoài, Võ Quảng đã qua rồi. Những câu chuyện văn học gắn với những vùng quê, những bài học đạo đức bổ ích không còn nữa mà thay vào đó là những truyện tranh trinh thám, những câu chuyện học đường. Để viết được những cuốn sách dài hơi yêu cầu người viết phải đầu tư nghiêm túc và bền bỉ trong việc khám phá thế giới trẻ thơ, đây là điều mà những cuốn truyện thiếu nhi gần đây vẫn chưa chạm tới được. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến thế giới quan cũng như khả năng tiếp nhận tri thức của các em.

Truyện tranh nước ngoài chiếm đa số trong gian hàng sách thiếu nhi.

Nhiều người cho rằng vấn đề thiếu hụt sách văn học thiếu nhi không chỉ là trách nhiệm của nhà văn mà còn có nguyên nhân từ phía nhà xuất bản và Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là việc chúng ta vẫn chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về tầm quan trọng của những tác phẩm này với đời sống thiếu nhi. Những tác phẩm mới thực sự rất khó cạnh tranh khi tiêu chí đề ra phải đáp ứng như đối với các thể loại văn học khác.

Vấn đề là cần phải có những tiêu chí riêng để có thể xem xét, đánh giá văn học thiếu nhi ở một bình diện đúng nhất từ đó tìm ra hướng đi mới cho thể loại này. Thứ hai, để sách văn học thiếu nhi chính thống đến gần hơn với độc giả cần có một chiến lược quảng bá, kết hợp giữa nhà sách học đường để các em có dịp được biết đến những tác phẩm mới. Nhìn ra thế giới, cách tổ chức giải thưởng văn học thiếu nhi của nhiều nước cũng rất năng động, có bề dày uy tín và lịch sử.

Ví dụ: ở Mỹ có giải Newbery thành lập từ 1922, trao tặng hằng năm cho những tác giả có đóng góp xuất sắc cho dòng văn học thiếu nhi Mỹ. Giải Caldecott thành lập từ năm 1938 trao tặng hằng năm cho những người vẽ minh họa truyện tranh thiếu nhi xuất sắc. Hay ở Canada có CLA book of the year (giải thưởng văn học Canada dành cho sách văn học thiếu nhi trong năm) thành lập năm 1947 trao tặng cho những tác giả có tác phẩm xuất sắc. Những giải thưởng như thế không chỉ do một tổ chức là Hội nhà văn đứng ra thực hiện mà cần phải có sự liên kết của các Hiệp hội, thư viện và không chỉ có sự thẩm định của giáo viên mà còn của cả phụ huynh và bạn đọc nhí cũng vào cuộc.

Với những cách thức làm việc như vậy không những tạo sự hứng thú cho những cây bút muốn khẳng định mình mà còn là cách để người đọc tiếp cận với tác phẩm mới. Đà Nẵng là một thành phố trẻ và năng động nhưng có lẽ về mảng văn học nghệ thuật chúng ta vẫn chưa thể bắt nhịp vào không khí sáng tác sôi nổi trên cả nước. Chính điều này cũng làm cho tình hình in ấn, xuất bản sách gặp nhiều trở ngại và bất cập. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến con em mình đã và đang học tập tiếp cận với những gì để thế hệ trẻ của thành phố sẽ được tiếp cận với những cuốn sách bổ ích, những câu chuyện nhân văn tưới tắp cho tâm hồn trẻ thơ thêm sinh động.

Hà Dung

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_109797_sa-ch-van-ho-c-cho-thie-u-nhi-thu-a-thie-u.aspx