Sách hay chào mừng Đại hội Đoàn XII

Những cuốn sách như 'Sống như những đóa hoa', 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ'... kể về những nhân vật truyền cảm hứng, phù hợp để đọc dịp Đại hội Đoàn XII.

Bộ sách Sống như những đóa hoa thuộc thể loại bút kí, khắc họa những nhân vật người thật việc thật đang sống cùng chúng ta, với những việc làm truyền cảm hứng. Họ là những người bình dị, nhưng nghị lực, hướng thiện. "Làm sao kể hết được những việc tử tế mà những con người bình dị quanh chúng ta vẫn đang thực hiện giữa dòng chảy sôi động, bộn bề của cuộc đời? Chỉ biết rằng, họ luôn hiện hữu, đông đảo, thật giống những đóa hoa đẹp đẽ, thầm lặng tỏa hương sắc điểm tô cho cuộc sống, vươn lên kiêu hãnh dưới ánh mặt trời", trích lời giới thiệu sách. Ảnh: NXB KĐ.

Chị Sáu ở Côn Đảo kể câu chuyện về nữ anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu. Ở tuổi 15, chị Võ Thị Sáu tham gia cách mạng và lập được nhiều chiến công. Đến một ngày, Võ Thị Sáu sa vào tay giặc… Cuốn sách của Lê Quang Vịnh giúp độc giả hiểu hơn về quãng thời gian Võ Thị Sáu bị kẻ thù giam cầm, đày đọa tại Côn Đảo. Qua đó, bạn đọc nhỏ không chỉ biết đến lòng yêu nước mà còn hiểu hơn sự hiên ngang, anh dũng của chị Sáu. Ảnh: NXB KĐ.

Lý Tự Trọng - Sống mãi tên Anh là cuốn sách tái hiện hình ảnh và chí khí của người thanh niên Lý Tự Trọng trong cuộc sống đời thường và khi hoạt động cách mạng. Lý Tự Trọng không ngại khó khăn gian khổ, hiểm nguy lao vào các nhiệm vụ cách mạng. Không may bị sa vào tay giặc, bị tra tấn khủng khiếp nhưng Lý Tự Trọng vẫn giữ vững niềm tin, trung thành với cách mạng. Câu nói bất hủ của anh - “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” - đã trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động của thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Ảnh: NXB KĐ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ thuật lại quãng thời gian trong cuộc đời Đại tướng từ khi chào đời cho tới khi ra khỏi nhà lao Thừa Phủ. Được biết, Đại tướng đã xem lại bản thảo trước khi cuốn sách được xuất bản nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài các tư liệu lịch sử, cuốn sách sử dụng nhiều tài liệu riêng như thư từ - những kỉ vật được gia đình lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua. Ảnh: NXB KĐ.

Truyện kể về người tổng phụ trách đội đầu tiên là cuốn sách về Đàm Minh Viễn - một thiếu niên người Tày yêu nước. Sinh thời, Đàm Minh Viễn được sống và hoạt động cách mạng cạnh Bác Hồ từ khi Bác về Pác Bó, Cao Bằng để gây dựng căn cứ địa. Tại đây, Đàm Minh Viễn được Bác giao trọng trách tìm kiếm và bồi dưỡng những thiếu niên dân tộc yêu nước. Minh Viễn đã dìu dắt 5 thành viên thuộc Đội Nhi đồng Cứu quốc mà Nông Văn Dền (Kim Đồng) làm đội trưởng. Ảnh: NXB KĐ.

Trường Sa - Kì vĩ và gian lao là cuốn sách tôn vinh chủ quyền biển đảo cùng tình yêu, tinh thần bảo vệ biển đảo. Tập sách của đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh gồm 22 bút ký ghi lại những cảm xúc của tác giả trên hành trình đến Trường Sa. Ảnh: NXB KĐ.

Nguyễn Văn Trỗi là cuốn sách tranh màu kể cuộc đời của người Đoàn viên kiên trung Nguyễn Văn Trỗi. Năm 15 tuổi, anh Trỗi rời khỏi quê nhà ở Quảng Nam ra Đà Nẵng rồi lên Sài Gòn lập nghiệp và được Đảng giác ngộ, kết nạp vào Đoàn Thanh niên, tham gia hoạt động trong đơn vị biệt động của Sài Gòn. Trong lần nhận nhiệm vụ quan trọng đặt mìn ở cầu Công Lý, anh Trỗi bị địch bắt, bị nhục hình tra khảo nhưng anh vẫn không khuất phục. Ảnh: NXB KĐ.

Lê Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sach-hay-chao-mung-dai-hoi-doan-xii-post1385027.html