Sách giáo khoa trong chương trình giáo dục tổng thể: Cần dồn hết tâm, trí cho giáo dục

Sau khi Báo Lao Động có loạt bài đề cập đến nguy cơ “thiệt hại về tiền, lo chất lượng chương trình và SGK mới” nếu chương trình giáo dục tổng thể chậm trễ, đã có nhiều ý kiến đóng góp được gửi tới. Theo đề xuất của nhiều chuyên gia tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục, để không đánh mất niềm tin, Bộ GDĐT cần công khai, minh bạch về chuyên môn và tài chính trong quá trình làm chương trình giáo dục tổng thể.

Học sinh lựa chọn mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: SƠN TÙNG

Minh bạch về chuyên môn

Chương trình giáo dục tổng thể được thông qua vào cuối tháng 7 vừa qua chưa đạt được như kỳ vọng của nhiều chuyên gia và nhiều tầng lớp nhân dân. PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh - cho rằng: Từ khi có Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục thì Bộ GDĐT lại làm rất chậm, rất ỳ ạch. Sau 3 lần hô hào đổi mới, nền giáo dục vẫn bộc lộ nhiều bất cập, chất lượng giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và có thể coi như đều đã thất bại.

Vì thế, thêm một lần đổi mới, ra quân rất rầm rộ mà thất bại nữa thì sẽ hết sạch niềm tin của nhân dân. Vì vậy, Bộ GDĐT cần giữ được niềm tin, làm cho thật tốt, thật cẩn thận và làm một lần cho thật chắc chắn. Trong đó, khâu quan trọng nhất Bộ cần thực hiện tốt hiện nay đó là việc hoàn thành chương trình cụ thể từng môn học và công việc viết SGK.

Theo PGS Văn Như Cương: “Một chương trình nhiều SGK” là một chủ trương rất hay, rất đúng đắn, tuy nhiên rất khó thực hiện và trong chương trình giáo dục tổng thể lại chưa thể hiện rõ. Cùng quan điểm, lãnh đạo một trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho rằng: Để thực hiện cho tốt các công việc còn lại để đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như niềm tin của công chúng thì việc rất cần làm của Bộ GDĐT lúc này là tuyển chọn thêm những nhân tài, những người có đủ tài, đủ đức, đủ tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Ban soạn thảo, những người viết chương trình, viết SGK cũng cần được công khai danh sách để nhân dân và các chuyên gia theo dõi, đồng thời góp ý xây dựng cho chương trình thành công.

Vị lãnh đạo này cho hay: “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã công khai danh sách 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hành động này được xã hội rất hưởng ứng và tán thành. Vì vậy, việc công khai danh sách những thành viên tham gia xây dựng kiến thức cho nền giáo dục của nước nhà cũng là một việc làm hết sức cần thiết”.

Không thể “vừa đánh trống vừa thổi còi”

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11.2014, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã có những nghi ngại về tính minh bạch trước việc Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK với mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Những nghi ngại này một lần nữa được nêu lên khi với tiến độ thực hiện chương trình như hiện nay, liệu có NXB nào có thể “chạy đua” với đơn vị được bộ giao chủ trì xây dựng SGK?

Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến cho rằng: Tôi hoàn toàn tán thành một chương trình nhiều bộ SGK, nhưng nếu bộ đứng ra tự tổ chức viết một bộ sách rồi tự thẩm định, như vậy chẳng khác nào vừa đánh trống vừa thổi còi. Trong khi, các nhóm viết sách khác lại phải tự đầu tư và chưa biết trước kết quả sẽ ra sao thì mấy ai dám đứng ra làm?

TS Lê Viết Khuyến cũng thẳng thắn nhìn nhận: Như vậy là không công bằng với các nhóm viết sách và các NXB khác. Bởi vì nhóm của Bộ GDĐT chủ trì dùng tiền của Nhà nước, nhóm khác không có. Chúng ta cần phải cân nhắc vấn đề này nhưng tính toán theo hướng là để tất cả các nhóm biên soạn SGK có điều kiện thuận lợi tương đương trong hoạt động chuyên môn, đều có trách nhiệm như nhau bao gồm cả trách nhiệm về pháp lý và đạo đức khi sử dụng tiền của nhân dân, tiền ngân sách.

Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương cho rằng: Vấn đề đã được chỉ ra lâu nhưng chưa có lời giải đáp hợp lý. PGS Văn Như Cương cho rằng không phải cấp tiền cho viết sách. NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị đã được độc quyền về SGK bấy nhiêu năm qua, cùng cần chủ động tiền để làm sách, cũng như các tác giả khác không được ai cấp cả, tác giả có thể đi vay trước để viết sách. Nếu tác giả làm không tốt thì tác giả bị mất tiền, có đi vay tiền để viết sách thì mới có trách nhiệm với sản phẩm của mình hơn là việc Nhà nước bỏ tiền ra để viết sách.

Cũng theo PGS Văn Như Cương, với mỗi bộ sách được in ra và được thẩm định, lúc đó họ in ra và bán thì họ được hưởng nhuận bút.

Các chuyên gia đều cho rằng: Với thực tế hiện tại, rất có thể, chỉ có một bộ SGK do bộ chủ trì biên soạn có thể kịp tiến độ triển khai chương trình và như vậy chủ trương “một chương trình nhiều SGK” dễ bị “phá sản”. Nếu chỉ có một bộ SGK trong một điều kiện không có đối chứng, không có cạnh tranh, không có sự lựa chọn thứ hai thì dư luận băn khoăn về chất lượng, đặc biệt là giá thành, lợi nhuận trong phát hành sách.

“Nếu như không làm như vậy thì có lẽ chỉ có đại gia nào hảo tâm bỏ tiền xây dựng sách để bán mới chấp nhận cuộc chơi. Các NXB cần kinh doanh để sống và họ không thể chấp nhận chơi một cuộc chơi mà biết chắc mình sẽ thua bởi không hề công bằng” - PGS Văn Như Cương nói.

“Dư luận vẫn luôn đặt câu hỏi về lợi nhuận từ việc phát hành sách vốn lâu nay được NXB Giáo dục Việt Nam độc quyền. Vì thế, việc công khai và minh bạch trong cả chuyên môn và tài chính chính là con đường ngắn nhất để lấy lại niềm tin của nhân dân” - lãnh đạo một trường THPT trên địa bàn Hà Nội nói.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-trong-chuong-trinh-giao-duc-tong-the-can-don-het-tam-tri-cho-giao-duc-549331.ldo