Sách giáo khoa tăng giá: 'Không được tận dụng sách cũ học là vô cùng lãng phí'

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, đời sống của người dân chịu nhiều ảnh hưởng, việc giá sách giáo khoa mới của lớp 3, 7, 10 tăng giá chóng mặt là không phù hợp, chưa kể sách liên tục được cải tiến khiến các con không được tận dụng sách cũ học là lãng phí.

Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 3, 7, 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo", áp dụng từ năm học 2022-2023. So với giá bộ sách giáo khoa hiện hành thì các bộ sách giáo khoa mới này có giá cao hơn từ hai đến ba lần.

Trước thông tin sách giáo khoa tăng giá chóng mặt, nhiều phụ huynh tỏ ra rất băn khoăn, lo lắng. Vì trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, việc giá sách giáo khoa tăng cao cùng với nhiều khoản chi phí phát sinh sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo chị Nguyễn Quỳnh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Đầu năm học mới bao khoản phải lo, nào quần áo, đồ dùng học tập cho con. Không chỉ sách giáo khoa, để mua trọn bộ sách gồm cả sách tham khảo của con ngót nghét cũng gần 1 triệu đồng/bộ. Tính sơ sơ, một đứa đầu năm học cũng tốn cả 3-4 triệu đồng. Trong khi, nhà tôi có tận 3 con. Việc sách tăng giá cũng khiến những phụ huynh như chúng tôi băn khoăn không biết chất lượng tới đâu, chưa kể việc sách liên tục cải tiến khiến các con không được tận dụng sách cũ học là vô cùng lãng phí, không chỉ cho các gia đình mà toàn xã hội".

Việc sách tăng giá khiến nhiều phụ huynh băn khoăn về chất lượng và việc sách liên tục cải tiến liên tục khiến các con không được tận dụng sách cũ học sẽ vô cùng lãng phí cho các gia đình và toàn xã hội

Đồng quan điểm, chị Đỗ Thúy Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Trường con tôi bán sách theo combo, học sinh bắt buộc phải mua tất cả, bao gồm sách giáo khoa, nhiều loại sách tham khảo. Nếu tính tổng cũng hết khoảng 800-900.000 đồng cho một combo sách. Sách đổi liên tục, loại nào cũng nghe nhà xuất bản khen là hay hơn, tốt hơn. Không biết sách cải tiến tốt hơn được bao nhiêu, chưa kể, lại có nhiều bộ sách khác nhau, cũng khiến các phụ huynh không biết con học bộ nào thì tốt hơn".

Chia sẻ thêm, chị Phạm Thị Vinh, có con học lớp 3 tại Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Nhà tôi có mấy đứa cháu họ hàng cách con trai tôi 1 tuổi, cứ tưởng có thể tận dụng được sách học của nhau cho đỡ tốn kém, cuối cùng vẫn dính vào công cuộc cải cách sách. Ngày xưa, một bộ sách hết anh chị rồi đến em học, vừa tiết kiệm được chi phí cho các gia đình, các anh chị cũng có thể truyền dạy lại kiến thức cho các em. Việc cải cách liên tục như này sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho các con vì kiến thức hoàn toàn mới, các bố mẹ cũng sẽ phải mất nhiều thời gian tìm hiểu nhiều để hỗ trợ con trong quá trình học tập.

Nói về việc sách tăng giá, theo lý giải của nhà xuất bản, sách tăng giá vì được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường hình ảnh với cách trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn; khổ sách lớn hơn; số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn (chủ yếu phục vụ các môn như Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp).

Tính chung, một bộ sách giáo khoa, chưa bao gồm sách tham khảo, có thể việc tăng vài trăm nghìn là không nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là việc sử dụng sách giáo khoa hiện nay không có tính tiết kiệm, bị lãng phí rất lớn trong vì học xong là bỏ nguyên bộ sách. Trong khi, với những gia đình có điều kiện thì không có gì đáng nói, song với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì cũng là nỗi băn khoăn lo lắng của các bậc cha mẹ. Đặc biệt là với những trẻ em miền núi, vùng sâu vùng xa, sẽ rất khó khăn trong việc các em có thể tiếp cận sách mới.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Hồ Thị Hà (Long Biên, Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình: "Giá sách giáo khoa mới lớp 3, 7 và lớp 10 tăng cao, phụ huynh lăn tăn là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn nhận thực tế, về mẫu mã, chất liệu in ấn, mức độ đầu tư thì bộ sách giáo khoa mới có phần đẹp hơn so với sách hiện hành. Trong khi, giá 1 bộ sách giáo khoa (không bao gồm các loại sách tham khảo) không hề cao so với các loại sách khác, thậm chí còn chưa bằng giá 1 cuốn sách tham khảo.

Dù vậy, chị Hà thừa nhận: “Với gia đình khó khăn thì giá sách tăng là vấn đề lớn đáng lo. Bởi ngoài sách, phụ huynh còn phải chi thêm đủ các khoản phí như đồ dùng học tập, quần áo… Tôi nghĩ, các cơ quan quản lí, nhà xuất bản cần có thêm chính sách hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em ở vùng xa vùng xa để đảm bảo quyền được tiếp cận sách giáo khoa mới, phục vụ mục đích học tập của các em học sinh”.

Ghi nhận thêm, một số ý kiến phụ huynh cho rằng, hiện nay, các loại sách giáo khoa dành cho các lứa tuổi học sinh quá nhiều. Chị Đỗ Thị Hòa, có con học tại Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Đối với các bạn học sinh cấp 1, đặc biệt là lớp 1, ở lứa tuổi các con chỉ tập trung học chữ và cộng số đã là vất vả, trong khi con lại phải học quá nhiều sách. "Ví dụ như sách Giáo dục thể chất theo tôi không cần thiết. Ngày xưa chúng tôi đi học làm gì có loại sách này. Chỉ học theo hướng dẫn của thầy cô là đủ. Đây là một điều rất lãng phí và khiến các con phải áp lực hơn trong học tập" - chị Hòa bức xúc.

Bên cạnh đó, một số bất cập được nhiều phụ huynh chia sẻ trong các sách giáo khoa hiện nay như các sách bài tập quá nhiều, học sinh không có thời gian để học hết. Bên cạnh đó, mỗi nơi lại có danh sách sách tự chọn khác nhau thiếu sự nhất quán. Chỉ những bất cập phổ biến này của sách giáo khoa cải cách cũng đủ khiến nhiều phụ huynh đau đầu.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sach-giao-khoa-tang-gia-khong-duoc-tan-dung-sach-cu-hoc-la-vo-cung-lang-phi-176597.html