Sách giáo khoa không dạy chữ P, chuyên gia ngôn ngữ nói gì?

Cho rằng chưa dạy chữ P vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm là quan niệm thiếu tính khoa học, xa rời thực tiễn phát triển của ngôn ngữ. Thầy Hiệu trưởng trường một trường Tiểu học ở Hà Nội đã làm đơn kiến nghị đưa chữ P trở lại mục lục cuốn sách.

Sự việc trên đã nhận được nhiều quan tâm của dư luận cũng như của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm học tiếng Việt từ cuối thế kỷ trước, âm p được coi là âm mượn từ nước ngoài. Nói cách khác, người ta quan niệm đó là âm không có trong tiếng Việt. Về bản chất, nó là phụ âm môi – môi, khi phát âm hơi bật ra nên gọi là phụ âm bật hơi, tắc vô thanh. Nhưng đó là nhìn nhận P với tính chất là phụ âm đầu. Trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt, P còn tham gia với tư cách là phụ âm cuối. Nó có mặt trong rất nhiều từ như: khiếp (khiếp đảm, khiếp vía, khiếp hãi), tiếp (tiếp nhận, tiếp theo, tiếp tục). Đặc biệt là nó có mặt trong nhiều từ láy: chiêm chiếp, thiêm thiếp …

Sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam) và chữ P không có trong mục lục

Trên phương diện từ vựng, vào thời điểm đó, các kết quả nghiên cứu cho thấy, các từ có âm P mở đầu tồn tại rất ít. Đó là các từ như: pinh pông (bóng bàn), pô pô lin, pê ni xi lin… Nhưng đến nay, số lượng các từ có âm p từ nước ngoài vào Việt Nam ngày một tăng lên. Việc không dạy âm P trong Sách Tiếng Việt 1 của bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" (NXB Giáo dục Việt Nam) là chủ trương không đúng và lạc hậu với tình hình. Việc chỉ giới thiệu các từ có âm P là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu.

Cùng nhận định như trên PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, đây là quan niệm thiếu tính khoa học, xa rời thực tiễn phát triển của ngôn ngữ cũng như của xã hội. "Chủ trương dạy tiếng Việt như vậy theo tôi là chưa đáp ứng được chuyên môn cũng như thực tế. Nó rất bất lợi cho khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em", TS Đạt nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông

P là một phụ âm vẫn được sử dụng hàng ngày trong ngôn ngữ các dân tộc. Dù quan niệm P là một âm mượn từ tiếng nước ngoài nhưng nó đi vào tiếng Việt đã khá lâu và tham gia vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt như một yếu tố không thể thiếu của hệ thống. Do vậy, việc dạy chữ p phải được quan tâm một cách bình đẳng với các âm khác khi dạy tiếng Việt cho học sinh.

Một cán bộ Viện Ngôn ngữ học cho rằng, việc không dạy chữ p một cách độc lập mà kết hợp với các chữ cái khác chỉ là vấn đề hình thức, không ảnh hưởng đến chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh. Phản biện điều này, TS Đạt nhấn mạnh nếu chỉ trên lý thuyết thì đúng thế, nhưng qua thực tiễn giảng dạy, nắm bắt sự phát triển của ngôn từ trong đời sống thì quan điểm này là sai.

Việc bỏ qua chữ P khi dạy tiếng Việt cho học sinh là sai sót rất lớn. Trong khi chữ p vốn khó phát âm so với các chữ cái khác, chữ này cũng có nhiều liên quan đến tiếng nước ngoài. Nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ đều khẳng định chữ P có vai trò rất quan trọng trong việc học một ngôn ngữ nào đó. Do vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, cần phải dành nhiều thời gian hơn, dạy một cách công phu hơn chứ không phải loại chữ p ra khỏi danh sách chữ cái cần dạy.

Việc thiếu phương pháp cũng như có chủ trương không đúng về môn này sẽ có tác hại lớn vì nó sẽ tạo ra khó khăn không cần và không nên có đối với trẻ em. Để khắc phục điều này, NXB Giáo dục Việt Nam cần phải tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung chữ P như một chữ cái độc lập. Việc chỉnh sửa này là rất cần thiết để không tạo ra thế hệ học sinh hổng kiến thức về ngôn ngữ, khó khăn trong tiếp cận và học ngoại ngữ.

Còn PGS TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cho rằng người biên soạn không tách P độc lập vì rất ít từ Tiếng Việt có P trước nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai.

Trước đó, ngày 24/2 ông Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Tiểu học Tô Hiến Thành - Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, trong một lần qua nhà người thân chơi và thấy cuốn Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, ông phát hiện sách này không dạy chữ P một cách độc lập như các chữ cái khác, mà chỉ dạy Ph. Lúc đó, ông đã thắc mắc "Nếu gặp những từ có P trước một nguyên âm, học sinh biết đọc thế nào"?

Cũng theo vị hiệu trưởng này, rất nhiều từ có P đứng trước. Ông dẫn chứng hàng chục từ là địa danh, tên người có chữ P, chẳng hạn ở Lai Châu có các xã Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Pa Tần, Pu Sam Cáp, Pa Khóa, Pắc Ta, Pú Đao, Nậm Pì... Nếu sách không dạy chữ P độc lập, trẻ sẽ bối rối khi gặp tên các địa danh trên. Ông Vịnh nhấn mạnh việc học đủ 29 chữ cái, trong đó có P, là yêu cầu bắt buộc, không được bớt.

Do đó ông Vịnh đề nghị Bộ Giáo dục và các cơ quan hữu trách yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cụ thể là Tổng chủ biên bộ sách phải bổ sung ngay, đưa chữ P trở lại mục lục cuốn sách, ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//sach-giao-khoa-khong-day-chu-p-chuyen-gia-ngon-ngu-noi-gi-169220225120853448.htm