Sắc Xuân trên những con đường

Giao thông là một trong những lợi thế để phát triển, mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng giao thông nông thôn (GTNT) với tổng độ dài hàng nghìn km; kết nối địa bàn vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi với các tuyến quốc lộ, cao tốc... tạo nên bức tranh Xuân đường quê Đất Tổ với nhiều gam màu tươi sáng.

Đường giao thông, cảnh quan xã NTM nâng cao Dân Quyền, huyện Tam Nông được đầu tư xây dựng, chỉnh trang sạch, đẹp.

Những ngày gần Tết Nguyên đán, dòng người, dòng xe hối hả trên những con đường mới được đầu tư nâng cấp, mở rộng tại các huyện, thị; tạo nên nhịp điệu giao thương nhộn nhịp và sức sống mới trên từng con đường, ở từng xóm thôn, trong mỗi ngôi nhà... Trò chuyện với những người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, bà con hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về việc chung tay cùng chính quyền địa phương vận động đóng góp sức người, sức của, hiến đất để mở rộng, nối dài những tuyến đường giao thông, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh.

Còn nhớ thời gian trước năm 2010, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chưa có sự kết nối liên hoàn với quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn nhiều nơi chỉ có một làn xe, tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, chưa tạo thuận tiện cho đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Để có mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, cùng với lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương, mỗi nơi có đặc thù địa hình riêng nên có cách làm khác nhau nhưng điểm chung thành quả mà các địa phương đạt được chính là sự giao thương thuận tiện, kinh tế phát triển, cuộc sống no ấm hơn.

Là địa bàn miền núi, trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, huyện Thanh Sơn đã huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để các dự án trọng điểm đảm bảo đúng tiến độ, đặc biệt là dự án đường giao thông liên huyện Thanh Thủy - Thanh Sơn; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện, liên xã. Đồng chí Vũ Trọng Đức, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Sơn cho biết: Việc chú trọng đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo chuyển biến tích cực toàn diện, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện rõ rệt. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tỉ lệ đường GTNT cứng hóa đạt 78%.

Các tuyến đường liên xã tại huyện Thanh Ba được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông vùng.

Không chỉ ở Thanh Sơn, tại huyện Phù Ninh, để đầu tư cho các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT), huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất; nhân rộng mô hình Nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, nhân dân đóng góp công sức; phát huy mô hình tự quản đường GTNT như các tổ, khu, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia tự quản. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì đường GTNT, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng NTM nên công tác phát triển GTNT đã đạt được hiệu quả tối ưu. Đến nay, huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM, huyện phấn đấu năm 2023 có hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Phong Châu đạt đô thị văn minh vào năm 2024.

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, với vai trò là cơ quan tham mưu Ban chỉ đạo NTM của tỉnh, hàng năm, Sở đã chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch kiên cố hóa đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở để các địa phương thực hiện. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 10.910km đường GTNT, tỉ lệ đường GTNT được kiên cố hóa đạt 78,0% (tăng 7,3%, tăng 796,5km so với năm 2020), phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ đường GTNT được kiên cố hóa đạt 80%. Đặc biệt, những định hướng đề xuất phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại, tạo sự kết nối vùng, liên vùng giữa huyện và các huyện khác trong tỉnh, ngoại tỉnh nhanh, bền vững.

Tuyến đường giao thông sáng - xanh - sạch - đẹp xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.

Hệ thống giao thông thuận tiện tạo sức bật xây dựng NTM, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi, đồng bằng, thu hút nhiều nhà đầu tư, các ngành kinh tế có quy mô mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân khu vực nông thôn một cách toàn diện.

Năm 2023 với bao khó khăn đi qua, Xuân 2024 đong đầy ước mơ và hy vọng đang tới. Tiếp tục đầu tư phát triển, quản lý hệ thống đường GTNT đảm bảo thông suốt, đồng bộ, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển GTNT trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Cùng với hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, các thành phần kinh tế theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tạo điều kiện để người dân được sử dụng cơ sở hạ tầng tốt hơn, trở thành cầu nối, động lực giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong hành trình đi tới tương lai, mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ có thêm nhiều thành tựu đột phá mới, tiếp thêm động lực để Phú Thọ vươn lên là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/sac-xuan-tren-nhung-con-duong/206694.htm