Sắc phong quý về lại chốn xưa

Một ngày đầu năm năm 2024, khi 'thỉnh' bức sắc phong sau bao nhiêu năm lưu lạc về lại phủ Vĩnh Quốc Công (thờ dòng tộc Nguyễn Hữu) - anh Nguyễn Hữu Hồng Quân - thủ từ ngôi phủ này đã rưng rưng cảm xúc, bởi không ngờ có ngày tìm lại được tư liệu quý từng thuộc về những bậc tiền nhân trong dòng tộc.

Những năm qua, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (bìa phải) đã sưu tập và tặng lại nhiều sắc phong quý bị thất lạc cho các làng xã, phủ đệ

Cuộc “hội ngộ” cảm xúc

Và người ít nhiều góp công cho những cuộc “châu về hợp phố” ấy chính là nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng (TP. Huế).

Trong quá trình sưu tầm cổ vật, anh Hoàng đã sở hữu được khá nhiều sắc phong, trong đó có khá nhiều sắc phong liên quan đến các làng xã, đình chùa, phủ đệ… vì nhiều lý do mà thất lạc, tản mác ra bên ngoài. Mỗi lần sở hữu được sắc phong quý, anh Hoàng nuôi hy vọng tặng lại cho chính những đình làng, phủ đệ vốn thuộc sở hữu. “Những bức sắc phong ấy phải đặt đúng vị trí, đúng không gian mới thiêng liêng và phát huy được giá trị. Vì thế mình quyết định giữ lại và chờ cơ duyên tìm được nơi sở hữu ban đầu để tặng lại. Với họ đó là những báu vật vô giá”, anh Hoàng chia sẻ.

Thông qua ThS. Mai Văn Được (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế), anh Nguyễn Hữu Hồng Quân biết được nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đang sở hữu một bức sắc phong quý từng thuộc phủ của dòng tộc. Khi nghe đề nghị xin “thỉnh” bức sắc phong quý của phủ Vĩnh Quốc Công về lại phủ sau bao nhiêu năm thất lạc từ anh Quân, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng ngay lập tức vui vẻ đồng ý.

Trải qua hơn 150 năm tồn tại và vài chục năm thất lạc, bức sắc phong vẫn còn khá nguyên vẹn, có màu vàng đậm, với hình rồng ẩn mình trong đám mây tuyệt đẹp. Từng hàng chữ trên ấy cũng khiến người xem trầm trồ bởi nét chữ to, rõ nét, cân đối. Được đặt trong khung lớn, bức sắc phong như một lần nữa khẳng định được giá trị tinh thần mà còn cho thấy sự bề thế của nhân vật, dòng họ được vua ban sắc phong lúc bấy giờ.

Theo ThS. Được, đó là bức sắc phong vua Đồng Khánh truy phong cho ông Nguyễn Hữu Nghị là tằng tổ (ông cố) của Bảo Quốc huân thần Thái Sư Cần Chánh điện Đại học sĩ lãnh Binh bộ Thượng thư sung Cơ Mật viện đại thần, Khâm sai Bắc Kỳ Kinh lược đại sứ Vĩnh Lại bá Nguyễn Hữu Độ.

Lặng lẽ sưu tầm sắc phong quý để tặng lại

Hôm rước bức sắc phong về ngôi phủ nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên hướng ra bờ sông Hương thơ mộng, những người chứng kiến đã không khỏi xúc động. Vừa bước qua chiếc cổng tam quan cổ kính, anh Quân nâng niu bức sắc phong từ từ tiến vào từ đường, thắp nén hương để báo với ông bà tổ tiên khi đã tìm được bức sắc phong thất lạc, đưa về lại từ đường dòng tộc.

Trước đó vài năm, cũng chính nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã trao tặng cho làng Quý Lộc (huyện Phú Lộc) 5 sắc phong thần, trong đó có 1 sắc phong do vua Duy Tân ban cho ngài tiền khai canh họ Lê của làng vào năm 1913. Đại diện dân làng hôm ấy đã rất xúc động, bởi không nghĩ những bức sắc phong thất lạc ấy nay lại được một nhà sưu tập sở hữu và tặng lại.

Theo dân làng, cả làng có cả thảy 28 sắc phong nhưng đã bị mất trộm cách đây hơn 20 năm. Trong số đó có những sắc phong có tuổi đời hơn 200 năm. Năm nào cũng tổ chức cúng bái ngài khai canh tại đình làng, nhưng bản thân các cụ vẫn thấy vô cùng thiếu sót vì để sắc phong của ngài thất lạc. “Nay sắc phong của ngài khai canh đã về lại với đình làng, với con cháu làng Quý Lộc rồi. Còn gì hạnh phúc bằng nữa” - đại diện dân làng khi ấy chia sẻ.

Chia sẻ với mọi người, anh Hoàng cho biết trong một lần trở về quê ở làng Dương Nổ (xã Phú Dương, TP. Huế), anh thấy những cụ già trong làng rất nâng niu, trân quý các sắc phong mà làng được các vua triều Nguyễn ban tặng. “Tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều cổ vật, đặc biệt là những sắc phong như vậy nên tôi hiểu niềm đau đáu của con cháu những làng bị thất lạc sắc phong. Chính vì thế, tôi quyết định sẽ tìm và tặng lại những sắc phong mà mình sưu tập được cho những làng quê như vậy” - anh Hoàng chia sẻ.

Lo lắng khi sắc phong lưu lạc lên sàn cổ vật Trung Quốc

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng nhớ lại nhiều năm về trước, từng có người Trung Quốc tìm đến tận nhà hỏi mua sắc phong với giá rất cao. Thấy có điều gì đó hoài nghi, anh Hoàng không bán. Đến sau này mới biết những người Trung Quốc ấy đã âm thầm gom rất nhiều đạo sắc phong có dấu triện đỏ dưới triều vua Nguyễn. Kể từ đó, anh Hoàng dừng hẳn việc mua bán sắc phong và chỉ sưu tập những sắc phong quý, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa để rồi tặng lại cho các phủ đệ, làng xã bị mất cắp.

Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/sac-phong-quy-ve-lai-chon-xua-137833.html