Sắc áo mới ở vùng đất phía Tây sông Hậu

Huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cách thành phố Rạch Giá 35km, có diện tích tự nhiên 63.936ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 57.262ha, chiếm 89,97%. Do nằm ở phía Tây sông Hậu, huyện Giồng Riềng tận dụng nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm để phát triển nông nghiệp, với nhiều mô hình nông sản đa dạng. Giồng Riềng hôm nay đang khoác lên mình sắc áo mới với những miệt vườn cây trái ngọt lành, những xóm nghề, làng nghề truyền thống đặc trưng đang ngày càng vươn mình khởi sắc, với những đặc sản khó quên của vùng sông nước Nam Bộ.

Trồng riềng lấy ngó không tốn nhiều diện tích, ít công chăm sóc và đầu tư, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Ái Vân

Trồng riềng lấy ngó không tốn nhiều diện tích, ít công chăm sóc và đầu tư, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Ái Vân

Nguồn gốc tên gọi Giồng Riềng là do trước đây, vùng đất này có nhiều cây riềng mọc hoang trên những gò đất cao. Đến nay, đồng bào Khmer ở xã vùng sâu như Bàn Thạch, Bàn Tân Định vẫn trồng riềng lấy ngó để bán làm kế sinh nhai. Riềng là một loại cây phổ biến để làm gia vị, làm tăng thêm hương vị cho các món ăn miền quê, phần thân cây riềng tách vỏ lấy ngó ăn kèm với các món mắm kho, lẩu kho, cá kho, thịt kho... Thời gian sinh trưởng của riềng khoảng 8 tháng, trồng cũng dễ dàng, cây riềng chỉ cần tách củ, cắm vào đất là có thể phát triển, riềng thích nghi với các loại đất, ít bị sâu bệnh. Cứ 10 đến 15 ngày, người dân lại thu hoạch riềng một lần, riềng bán ngó phải tách phần vỏ bên ngoài, chính vì thế, việc tách vỏ riềng cũng tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ, việc này đòi hỏi phải thật khéo léo tách vỏ để ngó không bị gãy, trung bình mỗi người tách được 5 - 6kg ngó/ngày.

Chị Thị Mỳ Diễm Hạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bàn Thạch cho biết: Ngó riềng là món ăn mới, cũng là đặc sản của địa phương, món ăn này đang được lãnh đạo UBND xã quan tâm đưa ngó riềng thành đặc sản, đặc trưng của xã và huyện. Xã cũng khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng riềng lấy ngó, tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để trồng riềng, không đầu tư vốn nhiều mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Các bác già, lớn tuổi cũng có thể làm được. Vừa qua, sản phẩm này được xã lựa chọn là đại diện của xã để đề nghị là sản phẩm OCOP và 20 hộ dân của xã đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lựa chọn để triển khai dự án liên kết chuỗi các sản phẩm của xã. Dự án được hỗ trợ máy hút chân không, bao bì, phân bón hữu cơ..., tạo điều kiện cho bà con trồng riềng nâng cao năng suất.

Món ngó riềng ngoài ăn với các món lẩu, món kho, còn được mang về luộc, xào, nấu canh, ngon nhất vẫn là xào với tép đồng. Cũng từ hương vị thơm ngon đó, từ chỗ chỉ dùng cho bữa ăn gia đình, mà ngó riềng đã xuất hiện trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng ở Giồng Riềng. Từ việc bán ngó riềng, nhiều gia đình có thu nhập ổn định, đủ chi phí cho sinh hoạt hàng ngày.

Kinh tế huyện Giồng Riềng phát triển mạnh về nghề nông nghiệp và các nghề truyền thống, trong đó, có nghề mắm cá đồng ở xã Ngọc Thuận. Mắm cá đồng là đặc sản của huyện Giồng Riềng. Mỗi năm đến mùa nước nổi, xóm làm nghề mắm cá đồng lại thu hoạch nguồn cá đồng tươi ngon để làm ra món mắm cá, một món ăn quen thuộc của người dân xứ sở miền sông nước. Để mắm có vị thơm ngon đặc trưng, cá đồng phải còn tươi, làm sạch, sau đó đem muối trong lu, chum đậy kín. Khoảng 45 ngày mang ra trộn thính là ra thành phẩm mắm cá đồng đặc trưng. Mắm cá đồng có vị ngọt tự nhiên từ thịt cá, có mùi thơm đặc trưng của mắm đồng.

Ông Lê Hoàng Mỹ, chủ cơ sở sản xuất mắm cá đồng truyền thống ở xã Ngọc Thuận cho biết: "Đây là nghề truyền thống của gia đình, tôi cố gắng giữ gìn, phát triển, coi như kỷ niệm còn lại của người cha quá cố. Tôi rất muốn giới thiệu cho nhiều người biết đến sản phẩm của mình, để mọi người khi đến với Giồng Riềng ai cũng được thưởng thức món mắm cá đồng thơm ngon, đặc trưng của vùng quê sông nước".

Ông Lê Hoàng Mỹ, chủ cơ sở sản xuất mắm cá đồng truyền thống ở xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ái Vân

Ông Lê Hoàng Mỹ, chủ cơ sở sản xuất mắm cá đồng truyền thống ở xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ái Vân

Mắm cá đồng trở thành đặc sản của huyện Giồng Riềng, ăn được cùng với nhiều món ăn mang đậm hồn quê sông nước miền Tây. Sản phẩm mắm cá đồng truyền thống mang những nét bí quyết riêng, chất chứa công sức, tâm huyết của người làm nghề đã vang danh gần xa khắp trong và ngoài huyện. Nghề làm mắm cá đồng là mô hình kinh doanh khởi nghiệp mà nhiều gia đình tại huyện Giồng Riềng đã phát triển thành cơ sở sản xuất, nghiên cứu ra nhiều loại mắm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hơn 20 năm hình thành và phát triển, mắm cá đồng đã trở thành đặc sản đặc trưng của Giồng Riềng, có thương hiệu, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng.

Vót đũa tre ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh cũng là một nghề truyền thống của huyện Giồng Riềng, nhờ lấy công làm lãi nên 20 hộ đồng bào Khmer có thu nhập khá tốt từ vót đũa tre. Nghề vót đũa tre có từ thời cha ông, thế hệ sau cũng theo nghề rồi giữ nghề đến tận bây giờ. Để làm ra được một đôi đũa tốt, chất lượng, người làm đũa phải chọn cây tre thật già, trải qua nhiều công đoạn như: Đốn tre, cắt, chẻ, vót, làm bóng mới được đôi đũa hoàn chỉnh, lượng đũa làm ra tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn trước nên nghề làm đũa có thu nhập ổn định, nhiều hộ nhờ làm đũa truyền thống mà vươn lên thoát nghèo

Đũa tre Vĩnh Lợi từng được chọn để trưng bày triển lãm tại các hội chợ, sự kiện nhằm giới thiệu cho người tiêu dùng sản phẩm đặc trưng truyền thống địa phương. Đến nay, xóm đũa vẫn hoạt động nhộn nhịp đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc Khmer tại đây. Nếu được chính quyền địa phương quan tâm, xây dựng sản phẩm thành thương hiệu đũa tre truyền thống thì làng nghề vót đũa tre ở ấp Vĩnh Lợi sẽ ngày càng sung túc và phát triển.

Ông Cao Quốc Điện, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng nói: "Để tạo sự bứt phá đối với ngành nông nghiệp mũi nhọn của huyện, trước hết phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch, đầu tư những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Mở rộng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Các cơ sở, làng nghề truyền thống cần đạt chuẩn về chất lượng, quy mô, ổn định nguồn cung đối với thị trường và nâng cao chất lượng các hợp tác xã để các nghề truyền thống của địa phương phát triển bền vững".

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sac-ao-moi-o-vung-dat-phia-tay-song-hau-post471243.html