Sa Pa: Thời tiết bất thường, người nuôi cá nước lạnh lao đao

Sa Pa là 'trung tâm' nuôi những loại cá nước lạnh vùng Tây Bắc. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến bất thường khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ. Vấn đề quy hoạch vùng nuôi, phương án bảo vệ nguồn nước và phòng, chống dịch bệnh vì thế đặt ra rất cấp thiết.

Nền nhiệt trung bình thấp nên thị xã Sa Pa có nhiều địa điểm phù hợp để nuôi cá nước lạnh.

Các loại cá nước lạnh, đặc biệt là cá hồi luôn cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Cá nước lạnh ưa thời tiết mát (dưới 20 độ C), nguồn nước phải dồi dào, sạch và đủ ôxy. Chỉ cần một vài yếu tố bất lợi nhỏ liên quan đến nhiệt độ, chất lượng nguồn nước, người nuôi cá nước lạnh có thể mất trắng sản lượng.

Người nuôi cá nước lạnh thiệt hại lớn do nắng hạn.

Người nuôi cá nước lạnh thiệt hại lớn do nắng hạn.

Từ đầu năm đến nay, tại Lào Cai có nhiều đợt nắng nóng kéo dài xen kẽ các đợt lạnh đột ngột, chênh lệch nhiệt độ lớn. Cùng với đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa những tháng đầu năm rất thấp, nước từ đầu nguồn cạn kiệt, trong khi người nuôi cá nước lạnh đều lấy nước từ các khe, suối tự nhiên chảy từ dãy Hoàng Liên Sơn xuống, khiến lưu lượng nước về các bể nuôi cá nước lạnh không đủ và chất lượng không đảm bảo.

Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, nắng nóng cục bộ xảy ra tại nhiều địa phương, nền nhiệt tại Sa Pa tăng mạnh. Nhiệt độ cao hoặc dao động biên độ lớn thường gây sốc, giảm sức đề kháng của các loại cá, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh như vi-rút, vi khuẩn, nấm. Các mầm bệnh phát triển đã ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cá hoặc gây chết cá. Đầu tháng 5, tại xã Ngũ Chỉ Sơn ghi nhận ảnh hưởng của nắng nóng khiến cá hồi, cá tầm đến kỳ thu hoạch ở nhiều ao, bể nuôi bị chết với tổng trọng lượng hơn 1,5 tấn.

 Thời tiết bất thường khiến cá tầm giống mẫn cảm với các loại bệnh hại, chết rải rác.

Thời tiết bất thường khiến cá tầm giống mẫn cảm với các loại bệnh hại, chết rải rác.

Cơ sở nuôi cá nước lạnh của ông Trần Đức Sỹ là cơ sở nuôi cá có hồi, cá tầm có quy mô lớn tại xã Ngũ Chỉ Sơn. Cơ sở này khai thác nguồn nước từ suối Can Hồ Mông để nuôi cá. Đây cũng là nguồn chung cung cấp nước cho 29 cơ sở nuôi cá khác (không tính các hộ nuôi quy mô nhỏ).

Tôi nuôi cá ở Ngũ Chỉ Sơn gần 10 năm nhưng chưa năm nào nắng nóng và hạn hán kéo dài như năm nay. Nước từ đầu nguồn về ít, không đủ cung cấp cho các ao cá nên tôi phải dồn ao và sử dụng nước quay vòng, vì vậy ao nuôi bị ô nhiễm khiến cá chết rải rác.

Ông Trần Đức Sỹ, xã Ngũ Chỉ Sơn

 Vào mùa khô của Sa Pa (từ tháng 10 đến tháng 5 hằng năm), tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra, nhiều cơ sở không lấy đủ nước để nuôi cá.

Vào mùa khô của Sa Pa (từ tháng 10 đến tháng 5 hằng năm), tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra, nhiều cơ sở không lấy đủ nước để nuôi cá.

Những năm trước, thời tiết thuận lợi, nếu thả 10.000 cá giống sẽ thu về từ 7.000 - 8.000 con cá thương phẩm. Nhưng năm nay, mỗi vạn cá giống thả xuống thì đến khi thu hoạch chỉ còn gần 3.000 con, chết hơn 70%, trong khi chi phí điện chạy máy bơm nước và máy sục khí tăng 3 lần. “Chỉ tính từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Nếu vẫn hạn hán và nắng nóng bất thường kéo dài thì nguy cơ trắng tay vụ cá này là không tránh khỏi”, ông Sỹ ngậm ngùi.

Không chỉ xã Ngũ Chỉ Sơn, các địa phương khác trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít khiến nhiều cơ sở nuôi không thể duy trì số lượng cá nuôi. Dù chưa đến thời điểm khai thác, nhiều hộ buộc phải xuất bán. Bởi thế, giá cá nước lạnh cũng thấp, chỉ khoảng 170.000 - 180.000 đồng/kg.

 Nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh cùng khai thác chung từ một nguồn nước đang mùa cạn kiệt.

Nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh cùng khai thác chung từ một nguồn nước đang mùa cạn kiệt.

Cơ sở ươm nuôi giống cá nước lạnh của ông Trần Chung Hưng ở phường Ô Quý Hồ cũng gặp khó khăn. Năm nay, nguồn nước trên đầu nguồn Thác Bạc ít và có nhiều tạp chất, ảnh hưởng rất lớn đến việc ấp nở, chăm sóc cá giống. Tỷ lệ ấp nở chỉ bằng 1/3 năm trước, trong khi chi phí vận hành máy bơm và máy sục tăng gấp đôi. Từ đầu năm đến nay, cơ sở nuôi cá của ông Hưng đã thiệt hại vài vạn cá giống.

 Các bể nuôi cá nước lạnh cần có hệ thống lọc, sục khí...

Các bể nuôi cá nước lạnh cần có hệ thống lọc, sục khí...

Trao đổi với phóng viên, hầu hết các chủ cơ sở nuôi cá có chung nhận định: Nếu không quy hoạch điểm nuôi khoa học và có giải pháp xử lý nước cũng như điều hòa nhiệt độ cho các ao thì nguy cơ thiệt hại rất lớn, tuy nhiên, để làm được là việc vô cùng khó!

Theo ông Trần Đức Sỹ, để xây dựng cơ sở nuôi cá nước lạnh như hiện nay, ông đã phải vay vốn đầu tư cả chục tỷ đồng. Nếu cải tạo theo công nghệ nuôi tuần hoàn và có mái che thì chắc chắn tốn thêm hơn 10 tỷ đồng nữa. Với điều kiện hiện nay thì ông chưa thể thực hiện.

Trên địa bàn thị xã Sa Pa hiện có 307 cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi. Cá được nuôi nhiều nhất tại xã Ngũ Chỉ Sơn (108 cơ sở) và xã Tả Van (107 cơ sở). Năm 2022, sản lượng cá nước lạnh đạt 655 tấn. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá bán cá nước lạnh nuôi tại Sa Pa tăng mạnh do thị trường du lịch trên đà phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm 2022, có những thời điểm giá cá hồi đạt 400.000 - 460.000 đồng/kg, cá tầm khoảng 200.000 - 280.000 đồng/kg.

Giá bán cá ở mức cao đã tiếp thêm động lực cho người nuôi cá nước lạnh Sa Pa tiếp tục đầu tư vào ngành nghề này. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” các cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong khi các ao nuôi đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên thì rủi ro là rất lớn.

Một trong những điểm yếu của việc phát triển nghề nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa là các cơ sở nuôi vẫn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên chảy từ trên núi về mà chưa đầu tư hệ thống lọc, tuần hoàn hoặc có nguồn nước dự phòng để ứng phó khi hạn hán. Cùng với đó, các cơ sở sử dụng chung nguồn nước nên khi xảy ra ô nhiễm hoặc dịch bệnh thì đồng loạt các ao trong hệ thống bị ảnh hưởng.

Ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa -

Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với chính quyền địa phương, khuyến cáo người dân tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cá. Đồng thời, thường xuyên theo dõi để có phương án xử lý hoặc thu hoạch ngay khi thấy cá nuôi có biểu hiện lạ, nguy cơ xảy ra chết hàng loạt (hiện nay trên địa bàn thị xã đã có cơ sở thu mua và chế biến cá với công suất 1,5 - 2 tấn cá mỗi ngày). Về lâu dài, các cơ sở nuôi cá nước lạnh cần đầu tư công nghệ nuôi hiện đại với hệ thống sục ôxy, lọc, tuần hoàn nước, làm mát để giảm sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/sa-pa-thoi-tiet-bat-thuong-nguoi-nuoi-ca-nuoc-lanh-lao-dao-post368544.html