S&P hạ bậc tín dụng của một loạt ngân hàng khu vực ở Mỹ

Giá cổ phiếu của ngành ngân hàng ở Phố Wall lao dốc sau khi hãng xếp hạng tín dụng quốc tế S&P Global hạ bậc tín dụng và triển vọng tín dụng của nhiều ngân hàng khu vực của Mỹ. Lý do là chi phí huy động vốn cao hơn và khó khăn của lĩnh vực bất động sản thương mại có khả năng sẽ thử thách sức mạnh tín dụng của họ.

S&P hạ bậc tín dụng của một loạt ngân hàng khu vực ở Mỹ với lý môi trường kinh doanh của họ đang gặp khó khăn khi bao gồm chi phí huy động vốn đắt đỏ hơn cũng như các khoản vay rủi ro trong lĩnh vực bất động sản thương mại. Ảnh: tylerpaper.com

Trong thông báo cuối ngày 21-8, S&P Global hạ xếp hạng tín dụng đối với hai ngân hàng Associated Banc-Corp và Valley National Bancorp do rủi ro huy động vốn và sự phụ thuộc cao hơn vào lượng tiền gửi thông qua môi giới. Trong khi đó, ba ngân hàng UMB Financial Corp, Comerica Bank và KeyCorp bị hạ bậc tín dụng do dòng tiền gửi chảy ra lớn và lãi suất huy động vốn cao hơn.

S&P Global cũng cắt giảm triển vọng tín dụng của S&T Bank và River City Bank từ “ổn định” xuống “tiêu cực” do mức độ tiếp xúc với cho vay cao hơn trong lĩnh vực bất động sản thương mại.

Báo cáo của S&P giải thích việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh làm dấy lên lo ngại về thanh khoản khi chi phí để huy động tiền gửi tăng vọt. Tổ chức này cảnh báo, lượng tiền gửi ở các ngân hàng khu vực sẽ tiếp tục giảm chừng nào Fed còn thắt chặt định lượng.

Một loạt các đợt tăng lãi suất của Fed đang gây áp lực cho nhiều ngân hàng vừa và nhỏ ở Mỹ sau nhiều năm trả lãi rất thấp để huy động tiền gửi của khách hàng nhằm tài trợ cho các khoản vay và các tài sản khác trên bảng cân đối kế toán của họ. Người tiêu dùng và doanh nghiệp hiện có nhiều cơ hội hơn để kiếm được lợi nhuận cao hơn ở những nơi khác. Điều đó đã khiến lượng khoản tiền gửi không chịu lãi suất của các ngân hàng Mỹ giảm 23% trong 5 quí vừa qua, theo S&P.

Hành động của S&P sẽ khiến chi phí vay trở nên tốn kém hơn đối với lĩnh vực ngân hàng đang suy yếu và đang tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hồi đầu năm nay sau khi cú sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin và tình trạng rút tiền ồ ạt ở một số ngân hàng khu vực.

Khi tiền mặt bị khách hàng rút, các ngân hàng có thể thay thế bằng các hình thức huy động vốn tốn kém tiền hơn, chẳng hạn như tiền gửi được môi giới, hoặc thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ bằng cách bán tài sản được mua trong môi trường lãi suất thấp hơn, tức chốt lỗ đối với những tài sản đã giảm giá trị. Hình thức nào cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

S&P cho biết, tính đến giữa năm nay, các ngân hàng có bảo hiểm liên bang đang gánh khoản lỗ chưa thực hiện lên tới hơn 550 tỉ đô la đối với các chứng khoán thu nhập cố định sẵn sàng để bán và giữ đến ngày đáo hạn.

Chi phí đi vay trên toàn cầu cũng tăng mạnh, với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong 16 năm hôm 21-8 khi giới đầu tư lo ngại lạm phát cao còn kéo dài dai dẳng. Điều này làm dấy lên hoài nghi về kịch bản Fed sớm cắt giảm lãi suất. Cơn biến động mạnh trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đã bước sang tuần thứ sáu.

Đầu tháng này, Moody’s cũng hạ xếp hạng tín dụng của 10 ngân hàng của Mỹ xuống một bậc và đưa 6 ngân hàng khác, bao gồm Bank of New York Mellon, US Bancorp, State Street, Truist Financial vào danh sách xem xét khả năng bị hạ bậc.

Kể từ đó, chỉ số ngân hàng KBW theo dõi cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Mỹ giảm gần 7%, hướng tới hiệu suất hàng tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3.

Tuần trước, một nhà phân tích của Fitch, tổ chức cuối cùng trong số ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất toàn cầu, cũng cảnh báo một số ngân hàng của Mỹ, bao gồm ngân hàng lớn nhất nước, JPMorgan Chase, có thể bị hạ bậc tín dụng nếu “môi trường hoạt động” của ngành tiếp tục xấu đi.

Sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào đầu năm nay, nhiều ngân hàng khu vực đã phải nâng lãi suất tiền gửi để ngăn khách hàng rút tiền. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của họ. Và thậm chí, nhiều ngân hàng khu vực vẫn đang phải vật lộn để ngăn chặn dòng tiền gửi bị rút.

Chẳng hạn, S&P cho biết ngân hàng Comerica Bank chứng kiến tiền gửi suy giảm 14 tỉ đô la tiền từ quý 2 năm ngoái đến năm nay. Đây là một trong những lý do khiến ngân hàng này bị hạ bậc tín dụng.

S&P cho biết khách gửi tiền đã chuyển tiền của họ sang các tài khoản có lãi suất cao hơn, làm tăng chi phí huy động của các ngân hàng khu vực.

“Sự sụt giảm tiền gửi đã siết chặt thanh khoản đối với nhiều ngân hàng trong khi giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn chiếm một phần lớn thanh khoản của họ, đang giảm mạnh”, S&P cho biết.

Quyết định hạ bậc của S&P đã khiến cổ phiếu ngành ngân hàng chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm 22-8. Cổ phiếu của các ngân hàng KeyCorp, Comerica và Associated Banc-Corp giảm giá hơn 4 %. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn, dù chúng không được S&P đề cập, cũng giảm giá. Cổ phiếu của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ giảm giá hơn 3%. Cổ phiếu của Citgroup, Wells Fargo, Goldman Sachs và Morgan Stanley giảm giá với tỷ lệ thấp hơn.

Theo Reuters, Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sp-ha-bac-tin-dung-cua-mot-loat-ngan-hang-khu-vuc-o-my/