Rút trên 50% vốn trái phiếu Chính phủ để giữ an ninh tài chính

Nếu tính theo nhu cầu công trình, dự án đã phê duyệt từ nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP), tổng vốn phải bố trí là 405 nghìn tỷ đồng, tính cả trượt giá sẽ vượt 500 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quá lớn, vượt khả năng chi trả, Chính phủ đề nghị Quốc hội rút hơn 50%, còn 225 nghìn tỷ đồng.

“Bánh ngọt”, ai cũng muốn giành phần

Nguồn vốn từ TPCP để đầu tư cho các công trình, dự án phục vụ lợi ích cộng đồng được ví như “bánh ngọt”, ngành, địa phương nào cũng muốn thêm phần. Danh mục công trình, dự án đề xuất theo đó cũng liên tiếp tăng, muốn “kéo” vốn, dự án về phía mình, càng nhiều càng tốt. Thừa nhận đây là kênh đầu tư cần thiết trong điều kiện kinh tế – xã hội ở nước ta, nhưng Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cảnh báo phải được chấn chỉnh. Việc phân bổ, giao kế hoạch chưa sát với thực tiễn, bố trí vốn không đủ, điều chuyển vốn không kịp thời. Nhiều công trình, dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư vẫn được đưa vào danh mục bố trí vốn, trong khi nhiều dự án có khả năng bảo đảm tiến độ hoàn thành cao nhưng vốn lại bố trí thấp. Quá trình thi công, dự án kiểu “rùa bò”, gây lãng phí và các hệ lụy xã hội.

Giai đoạn 2011 – 2015, chỉ những công trình thực sự cần thiết mới đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ.

Thực tế, việc giao quyền cho các bộ, ngành, địa phương tự quyết trong điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư dự án khiến sự lạm quyền và thất thoát trong chi tiêu, sử dụng. Trong khi các công trình, dự án đã được phê duyệt lâm cảnh đầu đã xuôi mà đuôi không thể lọt, đắp chiếu, ngổn ngang nên hàng năm, các địa phương lại liên tục đệ trình bổ sung dự án mới.

Theo tính toán, năm 2003, khi cân đối nguồn vốn cho các dự án từ TPCP là 63.064 tỷ đồng thì 8 năm sau, đến cuối 2011, mức dự toán đã tăng hơn 10 lần, lên 641.770 tỷ đồng. Với đà tăng như vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu vốn như đã phê duyệt, tổng mức đầu tư 4 năm tiếp theo (2012-2015) cần phải bố trí 405 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả trượt giá sẽ vượt 500 nghìn tỷ đồng. Đó chỉ là mức ước tính, còn nếu hàng năm các ngành, địa phương cứ dồn danh sách đòi tăng thêm dự án như lâu nay thì nguồn vốn còn vượt dự toán nhiều lần. “Đây là nguồn vốn đòi hỏi quá lớn, không thể đáp ứng bằng vốn TPCP, theo đó do không đủ nguồn lực tài chính nên nhiều dự án đã, đang và sẽ bị kéo dài, gây lãng phí, kém hiệu quả” – Ủy ban này cảnh báo.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc đăng ký nhu cầu vốn, lập kế hoạch vốn TPCP xét duyệt vừa qua thiếu chặt chẽ, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án có nhiều sai sót, xác định tổng mức vốn đầu tư, tổng dự toán sơ sài, khi thực hiện phải điều chỉnh, làm vỡ kế hoạch vốn. Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn còn nhiều hạn chế, thiếu sót, bố trí vốn còn dàn trải, ngoài danh mục dự án, hầu hết ngành, địa phương có tư tưởng trông chờ vào vốn TPCP. Tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm, sử dụng sai mục đích, nội dung, thanh toán khi chưa có khối lượng, nghiệm thu thanh toán không theo thực tế thi công. Chính sách, chế độ và cơ chế quản lý nguồn vốn còn bất cập, làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng vốn. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 462,7 tỷ đồng.

Phải siết chặt, tránh nguy cơ nợ công, lạm phát

Ngành nào, địa phương nào cũng muốn kéo dự án về phía mình, trong khi “quả ngọt” trái phiếu lại rất khó khăn về nguồn vốn. Trái phiếu phát hành có giới hạn, số tiền thu được là ấn định, việc “chia bánh” như thế nào xem ra còn căng thẳng hơn cả tính thu.

Chúng tôi cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay nền kinh tế đang đối mặt là giải quyết bài toán vốn cho đầu tư công. Đầu tư dàn trải, chẳng những gây thất thoát, lãng phí, dù là nguồn vốn trái phiếu, ngân sách hay huy động từ nguồn khác, đẩy tình trạng nợ công vốn đang được “cảnh báo đỏ” rơi vào thế nguy hiểm hơn. Đầu tư dàn trải, tài chính tung ra nhiều cũng đồng nghĩa nguy cơ lạm phát tiếp tục có sức đẩy. Kinh tế khó khăn, đầu tư cái gì và thế nào trong giai đoạn này phải tính toán hết sức thận trọng. Do đó, không thể dựa theo báo cáo, đề xuất của ngành, địa phương theo kiểu có càng nhiều dự án càng tốt.

Năm 2011, việc rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư từ nguồn TPCP như đánh giá trong báo cáo giám sát là chưa nghiêm túc do thiếu các tiêu chí cụ thể. Thực chất mới chỉ giãn tiến độ dự án ngắn hạn, chưa loại khỏi danh mục các dự án yếu kém. Còn nhiều dự án khởi công mới không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu cũng được “chen” vào. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 333 dự án chen vào dạng này nhưng hiện chưa thấy biện pháp xử lý ra sao? Trong khi đó, tình trạng điều chỉnh mục tiêu, tăng quy mô và tổng mức đầu tư của nhiều dự án có xu hướng nở rộ. Có dự án muốn tăng gấp cả chục lần so dự toán ban đầu!

Điểm nữa, lâu nay dư luận bàn tán chuyện “chạy” dự án. Đó là để có dự án, nhiều ngành, địa phương tìm “cửa” để xin. Chuyện này thực hư ra sao, chưa thấy văn bản nào đánh giá, kết luận.

Với thực trạng như vậy, nếu chúng ta không mạnh tay với dạng dự án, công trình này sẽ gây nhiều hệ lụy: lãng phí, tốn kém và các tiêu cực phát sinh; đe dọa nợ công và lạm phát ở mức cao; gây bất ổn kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, việc thắt chặt nguồn vốn từ TPCP phải được thực hiện cấp bách, như đề nghị của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, chỉ ở mức 225 nghìn tỷ đồng cho cả giai đoạn 4 năm tới. Theo đó, cương quyết không tăng danh mục mới đối với dự án từ nguồn vốn này, không chấp nhận hỗ trợ phần tăng vốn trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt. Đồng thời, cần xây dựng nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng, cụ thể để tiến hành rà soát lại danh mục dự án, công trình.

Những dự án nào được ưu tiên bố trí vốn trái phiếu?

Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị các dự án có tiêu chí sau:

- Các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vốn nhưng chưa bố trí đủ vốn.

- Các dự án đã có khối lượng hoàn thành trên 70% tổng mức đầu tư tính đến thời điểm hiện tại và có khả năng hoàn thành, sử dụng trong năm 2011, 2012.

- Các dự án đã khởi công thuộc lĩnh vực thủy lợi, miền núi, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án đường giao thông đến trung tâm xã đã khởi công.

- Các dự án đã khởi công thuộc dự án bệnh viện tuyến huyện, kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên (không kể ký túc xá sinh viên), dự án nhà tái định cư thủy điện Sơn La, Lai Châu.

- Một số tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng quốc gia đã khởi công như: tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai, luồng sông Hậu, kênh chợ Gạo…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2011/11/159034.cand