Rước bệnh vì kiêng cữ sau sinh quá mức

Sau sinh, cả 3 bữa trong ngày của chị Hiền chỉ cơm trắng, thịt kho, ruốc và rau ngót luộc.

Nhớ lại những ngày ở cữ hồi sinh bé Min, chị Hà Hiền (Hà Đông, Hà Nội) không khỏi rùng mình vì phải kiêng khem quá mức. Chị Hiền phải “tạm biệt” tất cả sở thích ăn uống.

Ba bữa trong ngày chị chỉ ăn cơm trắng, thịt kho, ruốc và rau ngót luộc. Thậm chí các bà còn không cho con ăn canh rau ngót vì sợ có dầu, mỡ sẽ đau bụng.

Thực đơn cứ thế lặp đi lặp lại nhiều ngày, đến ngày thứ 20 chị bắt đầu chán ngấy. Nếu như những tuần trước đó chị còn cố ăn được 2 bát cơm mỗi bữa thì giờ chị chỉ ăn được vài thìa. Mỗi lần gắp miếng thịt lên miệng chị không thể nuốt nổi vì quá khô. Đã vậy các bà còn khuyên không uống nhiều nước luộc rau "vì sợ sổ bụng".

Mẹ chị luôn nhắc nhở con gái phải kiêng khem cẩn thận cho hết 3 tháng 10 ngày. Vì thế mà dù chán thịt kho, rau ngót luộc đến mấy chị cũng vẫn phải cố ăn vì sợ ăn các đồ khác sẽ ảnh hưởng đến con.

Sau sinh khoảng chừng gần một tháng chị bắt đầu đối mặt với chứng táo bón nặng. Cả con trai chị cũng bị hiện tượng này.

Đến bệnh viện khám, các bác sĩ kết luận chị bị táo bón nặng, sắp chuyển sang trĩ. Khai thác bệnh sử bác sĩ nhận định do chế độ ăn quá khô khan. Bác sĩ lên cho chị thực đơn ăn uống với đầy đủ thực phẩm và dặn dò không phải kiêng khem quá mức, chỉ cần ăn chín uống sôi là được.

Theo chuyên gia, sau sinh phụ nữ không nên kiêng cữ quá khắt khe. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Phan Chí Thành, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, kiêng cữ sau sinh không nên quá khắt khe, dễ rước bệnh vào người. Nhiều người kiêng tắm khiến cơ thể có mùi, vết mổ nhiễm trùng, vi khuẩn lan sang vết cắt ở tầng sinh môn, vết khâu ở thành bụng.

Sau sinh là giai đoạn nhạy cảm, sản phụ dễ bị stress, trầm cảm. Nguyên nhân có thể do thay đổi nồng độ hormone, thay đổi tâm lý, cảm xúc kèm theo là áp lực mệt mỏi kéo dài từ lúc mang thai, sinh con và trách nhiệm sau sinh.

Người tiền sử mắc bệnh trầm cảm, từng hiếm muộn, thai lưu, sảy thai hay mắc chứng rối loạn lo lâu dễ tái phát bệnh. Sản phụ thiếu sự quan tâm giúp đỡ của người thân, mâu thuẫn trong việc ở cữ và chăm sóc con cái cũng nguy cơ trầm cảm.

Nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11% đến 33% và thường khởi phát trong 4 tuần đầu sau sinh. Bệnh có tỷ lệ tái phát cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá trầm cảm là gánh nặng nhất trong tất cả tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến phụ nữ.

Theo chuyên gia, thay vì kiêng khem, gia đình nên áp dụng chế độ chăm sóc phù hợp, tránh để sản phụ căng thẳng quá mức. Trường hợp quá căng thẳng sẽ gây mất ngủ, tức giận, rối loạn nhịp tim, cảm xúc bất thường, thậm chí làm hại con và bản thân.

Sau sinh sản phụ cần tắm gội, vệ sinh cơ thể từ vết mổ cũng như vết khâu tầng sinh môn sạch sẽ. Nước ấm giúp giảm stress, thư giãn, giảm tình trạng mất ngủ.

Người mẹ sau sinh con cần được ăn uống đủ chất, đặc biệt là trái cây và rau củ. Trong 6 tháng đầu, mẹ ăn thêm 19 gram đạm một ngày so với nhu cầu bình thường, tổng lượng đạm nạp vào là 79 gram. Cần cung cấp 20-30% chất béo, vitamin, uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

Nên duy trì nhiệt độ phòng từ 25-27 độ C, không sử dụng chế độ quạt gió. Những lúc không sử dụng điều hòa, nên mở cửa để không khí được lưu thông. Sản phụ có thể ra ngoài đi dạo, hít thở khí trời, miễn là mặc đủ ấm, che chắn kỹ càng.

NHƯ LOAN

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ruoc-benh-vi-kieng-cu-sau-sinh-qua-muc-ar862356.html