Rừng xanh ơi nhớ lắm thay

'Suối vẫn hát (ấy mấy) núi vẫn cao, rừng Tuyên Quang vẫn in bóng Tân Trào. Đường Cách mạng đã vươn xa biết mấy, mà Tân Trào năm xưa ấy vẫn đây'.

Câu hát quen thuộc ấy đã in sâu vào tâm trí biết bao thế hệ người Tuyên Quang với niềm kiêu hãnh tự hào về quê hương yêu dấu của mình. Từ lúc còn trẻ thế hệ chúng tôi đã thuộc bài hát này và trong sổ tay của chúng tôi bao giờ cũng được ghi chép một cách nắn nót. Nhưng lại chưa bao giờ để ý người sáng tác là ai, sau này mới biết tác giả là nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

Khoảng giữa năm 1972, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh có chủ trương mời một số văn nghệ sỹ có tên tuổi ở Trung ương lên sáng tác và dàn dựng cho Đoàn ca múa kịch Tuyên Quang một chương trình mới. Thực hiện chủ trương này Ty Văn hóa đã cùng với lãnh đạo đoàn văn công trực tiếp đi mời 4 nghệ sỹ: Nhạc sỹ Hoàng Vân, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, biên đạo múa Trần Minh và họa sỹ thiết kế sân khấu Huy Vấn. Khi vừa đặt chân đến Tuyên Quang các văn nghệ sỹ đã được đích thân đồng chí Bí thư tỉnh ủy Trần Hoài Quang và đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bàn Chí Hàm gặp gỡ trao đổi và mời cơm thân mật. Ngay ngày hôm sau lại cho một xe com măng ca “đít tròn” (loại xe chỉ dành riêng chở Bí thư, Chủ tịch tỉnh) đưa các văn nghệ sỹ xuống thâm nhập thực tế tại Tân Trào. Chúng ta không được biết trong lần gặp gỡ trao đổi ấy các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nói những gì với các văn nghệ sỹ nhưng chỉ cần thông qua nội dung những tác phẩm còn sống mãi đến ngày nay thì chắc chắn các nghệ sỹ đã được nghe kể về quê hương con người, về truyền thống Cách mạng của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Về thế mạnh của Tuyên Quang là rừng, nếu như trong kháng chiến “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” thì ngày nay chính rừng sẽ mang lại màu xanh cho quê hương, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc. Tất cả những tình cảm, sự quan tâm chân thành ấy cộng với những gì được nhìn thấy, được chứng kiến trên quê hương Cách mạng Tuyên Quang đã làm lay động tâm hồn các văn nghệ sỹ. Theo nghệ sỹ Ngọc Can khi đó đang là Phó Trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật thì tình cảm và sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh không phải chỉ có ngày đầu mà suốt trong thời gian dàn dựng chương trình thỉnh thoảng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh lại xuống thăm và động viên anh chị em văn công.

Chỉ trong một thời gian ngắn nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã hoàn thành ca khúc “Rừng Tuyên Quang in bóng Tân Trào” và chính nhạc sỹ đã trực tiếp hướng dẫn dàn dựng cho tốp ca nam nữ của đoàn biểu diễn. Ngoài ra nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý còn sáng tác và dàn dựng cho Đoàn ca cảnh “Chim rừng cất cánh” với thời gian khoảng 40 phút. Nhạc sỹ Hoàng Vân cũng hoàn thành ca khúc “Có những cánh chim” phổ thơ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Hoài Quang, nhạc sỹ Hoàng Vân còn viết phần âm nhạc cho hai vở kịch múa khá đồ sộ của Biên đạo múa Trần Minh là “Đốm lửa Tân Trào” và “Rừng Tuyên Quang”. Có thể nói đây là những tác phẩm rất có ý nghĩa về nội dung, tư tưởng và có giá trị về nghệ thuật nên nó như luồng gió mới làm cán bộ và diễn viên trong Đoàn hăng hái say sưa luyện tập. Thời kỳ ấy chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ đang rất ác liệt, các cơ quan đều phải đi sơ tán, riêng Đoàn văn công tỉnh đang sơ tán tại xã Trung Môn điều kiện rất khó khăn. Để tập được chương trình lớn này cả đoàn lại phải mạo hiểm trở về tập nhờ tại rạp chiếu phim của tỉnh, tuy chỉ là nhà gỗ lợp lá cọ nhưng thoáng mát, có sân khấu rộng để luyện tập và biểu diễn. Với tinh thần khí thế mới của cả thầy và trò, chỉ trong một thời gian ngắn vừa sáng tác vừa dàn dựng, Đoàn ca múa kịch Tuyên Quang đã có một chương trình mới hoành tráng có chất lượng với tính chuyên nghiệp cao.

Năm 1973, tham gia Liên hoan các Đoàn nghệ thuật thuộc Khu tự trị Việt Bắc, vở kịch múa “Rừng Tuyên Quang” của Đoàn Tuyên Quang là một trong những tiết mục xuất sắc được chọn đêm công diễn. Năm 1999, vở kịch múa “Đốm lửa Tân Trào” tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tại Hà Nội đã đạt Huy chương Bạc. Rất tiếc từ đó đến nay chúng ta chưa có điều kiện để phục dựng lại những vở diễn lớn này. Còn riêng bài hát “Rừng Tuyên Quang in bóng Tân Trào” thì cho dù gần 50 năm đã trôi qua, hàng ngày giai điệu và lời ca của nó vẫn vang lên trên sóng phát thanh truyền hình, trên các sân khấu hội diễn, trong các cuộc giao lưu gặp mặt. Bài hát đã gắn bó máu thịt với nhân dân Tuyên Quang, đã trở thành niềm kiêu hãnh tự hào của quê hương Thủ đô Kháng chiến. Dù thời gian có trôi đi, nhưng là người Tuyên Quang thì dù có đi đâu ở đâu trong sâu thẳm trái tim mình vẫn vang lên tha thiết “Rừng xanh ơi nhớ lắm thay. Nhớ khi xưa Bác đã về nơi đây/Này cây đa và mái đình Hồng Thái/Nước Việt Nam mình sinh ra giữa chốn đây”.
Chỉ hơi chạnh lòng nghĩ về tác giả của nó, giờ đây cứ mỗi khi nghe đến câu “Rừng xanh ơi nhớ lắm thay, nhớ khi xưa...” tôi lại nhớ đến ông người nhạc sỹ tài hoa. Ông đã về với thế giới tổ tiên vào một ngày mùa đông năm 2019 tại căn nhà nhỏ trong ngõ, đường Trần Khắc Chân (Q.1, TP HCM). Ông đã ra đi nhưng tên tuổi ông sẽ còn được nhắc mãi vì “Rừng Tuyên Quang in bóng Tân Trào” của ông sẽ sống mãi với quê hương cách mạng Tuyên Quang.

Tân Điều

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/rung-xanh-oi-nho-lam-thay-136159.html