Rùng mình vào lò mổ 'bẩn' lúc nửa đêm

TP - Hơn 1 giờ sáng 17-4, đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu, kiểm tra một số khu giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội. Nhiều người cùng đi không khỏi rùng mình khi chứng kiến cảnh giết mổ gia súc mất vệ sinh. Lợn giết xong vứt la liệt trên sàn bệt xung quanh là phân, lông ở cơ sở Vạn Phúc (Thanh Trì), (ảnh chụp lúc 2h 30 ngày 17-4). Ảnh: Phạm Anh.

> Thợ mổ đóng dấu thú y
> Phát hiện 2 kho xương, đuôi bò thối

Rùng mình

Hơn 2 giờ sáng, khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) tấp nập như một đại công trường, tái hiện hình ảnh nhộn nhịp chợ giết mổ Thịnh Liệt (Hoàng Mai) bị đóng cửa vì ô nhiễm từ cuối năm 2010. Dọc đường từ quốc lộ 1A (cũ) vào khu giết mổ này, gặp tốp xe máy đi nghênh ngang trong ánh đèn đêm mờ tỏ, mỗi xe tăng bo 3-5 con lợn đã xẻ tỏa đi khắp nơi.

Cơ sở này do Cty CP Thịnh An đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để xây dựng, có công suất giết mổ 600-700 con/ca, cung cấp khoảng 20% lượng thịt lợn cho thành phố, đi vào hoạt động hơn 3 tháng nay. Toàn bộ khu nhà giết mổ rộng khoảng 4.000 m2, chia thành 26 ô nhỏ cho từng hộ thuê, với giá 100 nghìn đồng/m2/tháng. Đến nay đã có 24 hộ vào thuê giết mổ, chủ yếu là các hộ ở khu Thịnh Liệt cũ. Khu đất được thành phố cho thuê trong thời gian 5 năm, nhằm dần xóa bỏ giết mổ thủ công.

Trên sàn gạch, hàng trăm con lợn đã được giết thịt, xung quanh là máu, lông, phân chưa kịp dọn. Do cơ sở này không có móc treo, bàn mổ cao ráo, nên sau khi mổ lợn được đặt dưới sàn, nhóp nhép nước, vì thế việc đóng dấu kiểm dịch phải thực hiện ngoài nơi giết mổ, sai quy trình. Thịt xẻ xong, các đầu nậu vắt ngang xe máy chở đi không có che chắn gì. Khu xử lý chất thải mới xong hầm biogas, còn đang dở dang, dự kiến hết tháng 4 mới xong.

Nhìn thấy cảnh trên, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nói: “Làm như vậy, thịt đến tay người tiêu dùng không đảm bảo chất lượng. Giết mổ trên sàn có nước, kiểm dịch viên không đóng dấu được, nếu đóng thì cũng nhòe nhoẹt, ra chợ thấy bẩn dân cũng không mua, ảnh hưởng người bán. Biết làm thế là bẩn, ra ngoài cửa mới đóng dấu là sai quy trình, nhưng thực sự nếu không đóng dấu thì thịt ra thị trường cũng rất khó phân biệt giữa chỗ có và không có thú y kiểm soát”.

Thấy nhiều ý kiến về lò mổ, một hộ thuê giết mổ ở đây cho hay: “Tập trung được các hộ nhỏ lẻ vào đây là may rồi, chứ đòi hỏi làm đúng quy cách thì phải có thời gian. Trước đây, nơi mổ thiếu đủ thứ, thịt thà, lòng vèo, phân, lông…lẫn lộn, làm xong rồi thì các vị cũng chén như thường đó thôi”.

Tại cơ sở giết mổ Minh Hiền (Bích Hòa, huyện Thanh Oai), 13 lò mổ thủ công được di dời từ lò mổ Thịnh Liệt (theo chỉ đạo của thành phố) về đây thuê địa điểm vẫn hoạt động mạnh, công suất hàng trăm con/đêm. Tuy nhiên, khu này vẫn giết thịt trên sàn bệt, không đảm bảo tiêu chuẩn về kiểm dịch và ATTP.

Trong khi đó, dây chuyền giết mổ hiện đại của Cty TNHH Minh Hiền cũng tại khu vực này, với công suất 700-1.000 con/ca chỉ hoạt động chưa đến 10 % công suất, vì không cạnh tranh nổi lò thủ công. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chủ cơ sở cho biết, toàn bộ khu giết mổ đầu tư hơn 70 tỷ đồng từ 5 năm nay theo chủ trương thành phố, nhưng đến nay chưa nhận được đồng nào hỗ trợ. “Có lúc chán, tôi rao bán toàn bộ nhà máy, nhưng cũng không ai mua. Nay mỗi tháng cắn răng trả 1 tỷ đồng tiền lãi vay”.

Đến khu giết mổ Vinh Anh (Trung Văn, Từ Liêm) nơi giết mổ 50-70 con/đêm, cũng trong cảnh tương tự. Nhiều thành viên đoàn kiểm tra “lắc đầu” về cảnh giết mổ, xử lý nước, chất thải trong khuôn viên chật hẹp của hộ gia đình này. Thành phố giao hết năm nay, cơ sở này phải đóng cửa, chuyển về khu khu giết mổ Hà Bình Phương (Thường Tín) mà thành phố đã giao đất, xây dựng nhà máy.

Vận chuyển lợn bằng xe máy không vỏ bọc vừa mất vệ sinh vừa vi phạm giao thông.

Hỗ trợ vẫn phải chờ

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, việc xây dựng cơ sở ở Vạn Phúc, mục đích để gom các lò mổ nhỏ lẻ vào một khu cho dễ quản lý. Dù kiểm soát lợn có kiểm dịch chuyển đến mổ, nhưng quá trình giết mổ lại không đảm bảo vệ sinh, chưa có móc treo, bàn giết mổ, chưa có xe chuyên dùng, mà vận chuyển chồng chất 3-5 con trên xe máy, không đảm bảo ATTP và an toàn giao thông. Theo ông Đăng, thành phố vẫn bức xúc chuyện quản lý giết mổ nhỏ lẻ, nhưng chưa quy hoạch được như ở TPHCM, Đà Nẵng. “Cái gì cũng có lộ trình, chứ không làm một sớm một chiều được”.

Theo ông Đăng, việc nhiều cơ sở giết mổ hiện đại như Minh Hiền hay Foodex (Đan Phượng), chạy chưa đến 10% công suất, vì không cạnh tranh được các lò thủ công. Thành phố đã xây dựng chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp làm về giết mổ và các hộ nhỏ lẻ, về lãi suất, đất đai, một phần hạ tầng, môi trường, trình HĐND thành phố. Tuy nhiên, HĐND yêu cầu phải có ý kiến, hướng dẫn của Chính phủ về lĩnh vực này. Thành phố tiếp tục xin ý kiến của Chính phủ, và Văn phong Chính phủ cho biết, phải chờ ý kiến trả lời của 5 bộ: Nông nghiệp, Công Thương, Tư pháp, Tài chính, KH&ĐT, nên buộc phải chờ.

Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, các cơ sở trên đều làm chưa đúng quy định. Hà Nội bước đầu gom được nhiều hộ nhỏ lẻ vào khu tập trung, nhưng sau đó, phải yêu cầu họ làm đúng quy trình giết mổ. Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với UBND Hà Nội, tháo gỡ những vướng mắc mà lâu nay thanh phố vẫn loay hoay, trong khi TP HCM đã làm, được đánh giá cao.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/573878/rung-minh-vao-lo-mo-ban-luc-nua-dem-tpp.html