Rúng động chuyện Cleopatra lẻn vào phòng Caesar giữa đêm

Cleopatra bị quân đội của em trai và các con tàu ngăn không tới gặp Caesar tại cung điện được - thế nên cô soạn một kế hoạch lẻn vào cung điện mà về sau đã trở thành huyền thoại.

 Tranh "Cleopatra and Caesar" (1866) của Jean-Léon Gérôme. Ảnh: mezzo-mondo.

Tranh "Cleopatra and Caesar" (1866) của Jean-Léon Gérôme. Ảnh: mezzo-mondo.

Là người bảo lãnh cho di chúc của cha họ, Caesar quyết định kết thúc nhanh cuộc nội chiến dân sự Ai Cập bằng cách ra lệnh cho nhà vua Ptolemy trẻ tuổi lẫn chị gái cậu ta ngay lập tức giải giáp hết quân đội và đến gặp ông tại cung điện nhằm giải quyết những bất hòa.

Pothinus tức điên người nhưng vẫn để Ptolemy tới gặp Caesar, đồng thời lại cấu kết với tướng Achillas bí mật điều quân đội hoàng gia từ đồng bằng sông Nile tới Alexandria.

Trong khi đó Cleopatra lại bị quân đội của em trai và các con tàu ngăn cản không tới gặp Caesar tại cung điện được - thế nên cô soạn một kế hoạch lẻn vào cung điện mà về sau đã trở thành huyền thoại.

Như Plutarch kể lại câu chuyện, Cleopatra đã thực hiện một cuộc hành trình tới khu cấm địa hoàng gia của Alexandria bằng thuyền nhỏ khi đêm xuống và dễ dàng qua mắt được nhiều tàu buôn trong bến cảng. Cô đi một mình, chỉ mang theo một người hầu duy nhất, một thương nhân Sicilia tên là Apollodorus.

Khi họ tới bến cảng, Cleopatra biết mình sẽ nhanh chóng thu hút sự chú ý không cần thiết nên cô tự bọc mình trong chiếc bao tải bằng vải lanh, loại mà các nô lệ hay dùng để mang khăn trải giường. Apollodorus sau đó cuộn tròn cô lại, buộc chặt hai đầu bao tải, rồi mang nữ hoàng Ai Cập bước vào cung điện hoàng gia, giả như đang mang quần áo bẩn.

Caesar không tin nổi vào mắt mình khi Cleopatra xuất hiện từ chiếc bao tải trước mặt ông. Cô khá khôn ngoan khi lựa chọn cách xâm nhập này vì nó sẽ không chỉ giúp cô qua mặt được lính gác cửa thù địch và tình báo của kẻ thù, mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ tới Caesar. Người đàn ông xuất thân từ các khu ổ chuột tại thành Rome, đã tranh đấu cực khổ lên tới đỉnh cao nấc thang chính trị nhờ sự liều lĩnh và cáo già ngay lập tức bị nữ hoàng trẻ tuổi táo bạo hút hồn.

Như hầu hết người La Mã khác, ông tin rằng hoàng gia Alexandria rặt một lũ hay giận dỗi hèn nhát chỉ biết duy trì ngai vàng của mình bằng dan díu ngấm ngầm, bằng đâm sau lưng và hối lộ. Nhưng ở Cleopatra, với lòng quả cảm và trí thông minh rõ ràng của cô, ông thấy một vị quốc vương tháo vát có thể hợp tác cùng ông giữ vững Ai Cập cho chính ông và chấm dứt cuộc nội chiến trên bờ sông Nile.

Cá nhân Caesar cũng bị vị nữ hoàng hai mươi mốt tuổi này mê hoặc. Những tài liệu sau này hẳn sẽ khiến chúng ta tin rằng chuyện tình nổi tiếng của họ bắt đầu vào đúng đêm đó, nhưng không thể nào biết được chính xác lúc nào Caesar chung giường với Cleopatra.

Bản thân Caesar không bao giờ đề cập tới mối quan hệ thể xác với vị nữ vương trẻ, ngụ ý rằng các quan hệ của họ chỉ đơn thuần vì công việc.

Nhiều nguồn tài liệu đương thời trung thành với ý của Caesar, chỉ nói về Cleopatra như nhà lãnh đạo của một phe phái trong cuộc nội chiến Ai Cập. Nhưng việc có quá nhiều các tác giả cổ đại nhắc tới mối tình này là đủ để chúng ta tin rằng chuyện ấy đã thực sự xảy ra.

Các độc giả hiện đại hẳn phải tự hỏi tại sao một viên tướng năm mươi hai tuổi từ tầng lớp quý tộc La Mã lại cho phép mình dính líu tới một nữ hoàng ngoại quốc bằng nửa tuổi ông khi thành Rome theo truyền thống xem các phụ nữ phương Đông như những bạn tình lừa dối trong tình yêu.

Vài người sẽ nói rằng bản thân câu hỏi đã chính là câu trả lời. Cho dù lúc này đã ở tuổi trung niên, Caesar vẫn là kẻ lăng nhăng khét tiếng và chắc chỉ xem Cleopatra là một bóng hồng khác trong chuỗi dài những màn chinh phục.

Nhưng số khác sẽ nêu rõ rằng Caesar chắc chắn không phải kẻ thiếu minh mẫn. Nếu ông chỉ đơn giản đang tìm kiếm một mối quan hệ qua đường sôi nổi, thì không thiếu gì phụ nữ, cả nô lệ lẫn tự do, sẵn sàng cho ông lựa chọn.

Không cần biết ham muốn tình dục của Caesar mạnh đến cỡ nào, hẳn là ông sẽ không bao giờ khinh suất để mình liên quan tới Cleopatra, trừ phi nó đi đôi với các mục đích chính trị quan trọng hàng đầu.

Trong trường hợp này, mục đích của ông hẳn sẽ là thắt chặt lòng trung thành của vương quốc Ptolemy với chính mình, qua đó bảo đảm quyền kiểm soát các tài nguyên của Ai Cập.

Với việc Cleopatra đứng về phía mình, ông có thể chắc chắn rằng những mảnh đất màu mỡ của sông Nile sẽ duy trì lòng trung thành của họ với thành Rome - và với riêng ông nữa.

Philip Freeman/NXB Dân trí & Bách Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rung-dong-chuyen-cleopatra-len-vao-phong-caesar-giua-dem-post1441481.html