Rủi ro ngắn hạn đang tăng lên

(ĐTCK) Dù vẫn lạc quan về kịch bản trung hạn, nhưng các CTCK cho rằng, rủi ro ngắn hạn đang tăng lên vào thời điểm này.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 19/4.

Rủi ro ngắn hạn đang tăng lên

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,68 điểm (-0,14%) xuống 472,16 điểm; trong khi đó HNX-Index mất 0,58 điểm (-0,73%) xuống 79,33 điểm. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên trước với 143 triệu đơn vị giao dịch (thỏa thuận 23,1 triệu) trên HOSE và 115,9 triệu đơn vị (thỏa thuận 3,5 triệu) trên HNX. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn tăng mạnh lên ở mức 3.700 tỷ đồng, trong đó STB đóng góp 500 tỷ giá trị thỏa thuận.

Khối ngoại quay đầu bán ròng 504 tỷ đồng trên sàn HOSE, tuy nhiên chủ yếu lượng bán ròng đến từ STB (20 triệu cổ phiếu), họ vẫn mua ròng nhẹ trên HNX với giá trị 1,9 tỷ đồng.

Trong phiên 18/4, các cổ phiếu tăng nóng trên sàn HOSE (chủ yếu là các bluechip thuộc nhóm bất động sản và vật liệu xây dựng) bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh. Dù vậy, mức điều chỉnh không quá mạnh với khối lượng không quá đột biến nên chưa thể kết luận xu hướng tăng giá của nhóm này đã đảo chiều. Tuy nhiên, để cân bằng rủi ro và lợi nhuận, các nhà đầu tư nên chốt lời 1 phần danh mục ở những cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó.

Sàn HNX tiếp tục tỏ ra khá yếu khi thiếu cổ phiếu dẫn dắt trong khi lại bị ảnh hưởng của sự điều chỉnh trên sàn HSX. Hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự chuyển dịch của dòng tiền đầu cơ sang các cổ phiếu bên HNX.

Dù vẫn lạc quan về kịch bản trung hạn, nhưng các CTCK cho rằng, rủi ro ngắn hạn đang tăng lên vào thời điểm này. Các nhà đầu tư nên tạm thời thu hẹp quy mô giao dịch và kiên nhẫn chờ đợi thêm tín hiệu từ thị trường.

Giằng co tại mức kháng cự

(CTCK ACB - ACBS)

Mặc dù bên mua chủ động đẩy VN-Index tăng mạnh sau giờ mở cửa ít phút, nhưng lực bán gia tăng kéo chỉ số này đảo chiều mạnh trong phiên và đóng cửa trong sắc đỏ.

Như vậy, VN-Index vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự 470-480. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức lớn cho thấy sự giằng co mạnh ở vùng giá này.

Trong các phiên tới, xu hướng này có thể tiếp tục. Ở chiều giảm, VN-Index có thể quay về vùng giá giao nhau của hai cạnh của mô hình tam giác ở 450. Ở chiều tăng, nếu vượt 470-480, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về vùng kháng cự 520-530.

Tương tự, VN30-Index cũng có thể giảm về vùng giá 500-510 (vùng đỉnh của mô hình tam giác) hoặc tiếp tục tăng về vùng kháng cự 600-630.

Áp lực bán mạnh vào giữa phiên khiến HNX-Index đánh mất mức tăng đầu giờ và đóng cửa giảm nhẹ. Phiên giảm thứ hai liên tiếp tiếp tục đặt nghi vấn lênbreakout hình thành trước đó.

Trong các phiên tới, HNX-Index có thể sẽ giằng co. Tuy nhiên, nếu HNX-Index tiếp tục mất điểm và xuống thấp hơn mức đáy 78,14 của cây nến breakout nói trên, tín hiệu breakout đó có thể là giả. Khi đó, nhà đầu tư ngắn hạn không nên bình quân giá giảm mà nên chờ đợi một tín hiệu breakout khác để tiếp tục tham gia thị trường.

Ở chiều ngược lại, nếu HNX-Index tăng điểm trong các phiên tới và đóng cửa trên mức 82 của vùng kháng cự dài hạn hiện tại là 79-82, cơ hội mua sẽ rõ rằng hơn và nhà đầu tư có thể gia tăng lượng cổ phiếu nắm giữ.

Duy trì góc nhìn lạc quan

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch ngày 18/4, mang đặc điểm của phiên phân phối do thị trường điều chỉnh trong khi thanh khoản thị trường tăng mạnh với tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt tới hơn 143 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 2.456,09 tỷ đồng. Ngoài ra, diễn biến của thị trường cũng cho thấy VN-Index đang chịu ảnh hưởng bởi sự phân hóa đang diễn ra giữa các nhóm cổ phiếu theo kết quả kinh doanh quý 1 được công bố.

Tuy nhiên, xu hướng tăng điểm ngắn hạn của VN-Index vẫn đang đóng vai trò chủ đạo. Dòng tiền vào thị trường vẫn được duy trì khá tốt, đặc biệt tại nhóm các cổ phiếu thuộc nhóm ngành khoáng sản, bất động sản, tài chính… vẫn đóng vai trò điểm tựa nâng đỡ thị trường. Tương quan cung - cầu trên thị trường cơ bản vẫn ở trạng thái cân bằng.

Ngoài ra, tâm lý đầu tư đa số vẫn duy trì trạng thái lạc quan, kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng của thị trường trong ngắn hạn. Áp lực bán ra khá mạnh nhưng chủ yếu tập trung tại các cổ phiếu đã có mức tăng nóng trong giai đoạn vừa qua, không có hiện tượng hoảng loạn, bán tháo xuất hiện.

Trong khi đó, sức mua dồi dào hấp thu khá tốt lượng bán ra giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm trong phiên và tiếp tục duy trì phía trên ngưỡng 470 điểm.

Theo đó, chúng tôi vẫn duy trì góc nhìn lạc quan với diễn biến thị trường trong thời gian tới do một vài phiên điều chỉnh sẽ đóng vai trò tích lũy cho VN-Index trong xu hướng đi lên chinh phục các ngưỡng điểm cao hơn.

Nguy cơ xuất hiện đợt điều chỉnh ngắn hạn

(CTCK Dầu khí - PSI)

Thị trường không có dấu hiệu phân phối đỉnh, tuy nhiên xuất hiện áp lực chốt lời mạnh sau một khoảng thời gian tăng giá tương đối dài.

Cụ thể, áp lực chốt lời xuất hiện mạnh trên các nhóm cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó như nhóm ngân hàng, tài chính chứng khoán, một số bluechips (REE, SAM...) và một số cổ phiếu thuộc lĩnh vực BĐS như chúng tôi đã nhận định trước đó (LCG, SJS, ITA...).

Mặc dù vậy thanh khoản hai sàn vẫn ở mức cao, cho thấy dòng tiền tham gia thị trường vẫn tiếp tục duy trì sự tích cực. VN-Index có nguy cơ xuất hiện đợt điều chỉnh ngắn hạn khi chỉ số tới vùng kháng cự 480 điểm mà trước đó chưa hề có khoảng retest lại hỗ trợ 455 điểm.

455 - 480 cũng sẽ là khoảng dao động trong thời gian sắp tới của chỉ số. HNX-Index sẽ tiếp tục dao động vùng 78 - 80 điểm.

NĐT nếu còn tỷ lệ tiền mặt cao có thể tận dụng những đợt điều chỉnh giảm để tham gia thị trường, và nên áp dụng biện pháp giải ngân từ từ để trung bình giá, tối ưu mức giá đầu tư.

Vẫn trong xu hướng tích cực

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường có phiên giảm điểm trên cả hai sàn với hoạt động phân phối chốt lời tại nhiều mã chủ chốt. Khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội không thay đổi nhiều trong khi trên sàn TP. HCM tăng khá mạnh

do nhóm cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là các mã bất động sản, sau các phiên tăng nóng bị bán ra.

Diễn biến này được xem là hợp lý và là một nhịp điều chỉnh lành mạnh của thị trường. Mặc dù được hỗ trợ bởi các thông tin cơ bản nhưng việc tăng nóng liên tiếp của nhiều mã bluechips trên HOSE có phần phản ánh hoạt động “quá mua” của các nhà đầu tư và các mã này cần có các phiên điều chỉnh để xác lập mặt bằng giá mới.

Trong khi đó, nhiều mã cổ phiếu diễn biến chậm hơn trên sàn HNX không chịu áp lực bán quá mạnh do vừa mới bứt lên hoặc vẫn trong nhịp điều chỉnh tích lũy từ các phiên trước.

Các thông tin thay đổi về mặt chính sách theo chúng tôi đã được phản ánh đáng kể vào diễn biến giá cổ phiếu qua các phiên tăng điểm vừa qua. Trong các phiên tới, tâm lý nhà đầu tư vẫn sẽ được hỗ trợ từ góc độ này, nhưng sẽ cần thêm thời gian tích lũy cũng như thông tin hỗ trợ mới - có thể đến từ việc công bố chỉ số HNX30 hoặc cơ chế giao dịch T+3 để tạo nhịp bứt phá tiếp theo cho cả hai chỉ số.

Xu hướng thị trường vẫn được nhận định tích cực và các nhà đầu tư sau khi chốt lời từng phần đối với nhóm cổ phiếu tăng nóng theo khuyến nghị của BVSC trong hai phiên gần đây có thể quay lại tích lũy dần ở các vùng giá thấp trên sàn Hà Nội trong các phiên tới.

Chưa có đảo chiều xu hướng

(CTCK Kim Eng - KEVS)

Cả hai sàn đều giảm điểm, mức giảm mạnh hơn trên sàn HNX so với sàn HOSE. Ngoại trừ một số mã vẫn còn tăng nóng, áp lực bán diễn ra mạnh hơn, làm các chỉ số về độ rộng thị trường giảm nhẹ.

Khối lượng giao dịch tăng cao trong phiên giảm điểm có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực bán gia tăng. Nhưng nhìn rộng hơn, xu hướng của khối lượng vẫn có chiều hướng đi lên.

Phiên giảm điểm trên cả hai sàn tạm thời được coi là điều chỉnh kỹ thuật. Chưa có đảo chiều xu hướng đối với cả hai chỉ số.

Ý KIẾN PHẢN HỒI CỦA BẠN

Tên của bạn

Email của bạn

Nhập mã

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CHGEDG/rui-ro-ngan-han-dang-tang-len.html