Rủi ro khi tuyển du học sinh dựa quá nhiều vào một thị trường

GD&TĐ - Trường đại học số 1 Australia – ĐH Quốc gia Australia (ANU) – xây dựng hẳn một kế hoạch dài hạn đa dạng hóa nguồn tuyển sinh nhằm giảm tỉ lệ sinh viên Trung Quốc – nhóm được coi là “độc chiếm” trong bộ phận SV quốc tế. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi nguồn thu học phí dựa quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, bên cạnh đó giúp tăng môi trường quốc tế hóa…

SV Trung Quốc “độc chiếm”

Theo thông tin từ báo Woroni, từ năm 2015, ANU đã âm thầm thực hiện “chiến lược đa dạng hóa nguồn tuyển” nhằm giảm tỉ lệ SV Trung Quốc trong tổng số SV quốc tế.

ANU có tỉ lệ SV Trung Quốc cao nhất trong nhóm 8 trường đại học hàng đầu Australia. Hơn 60% trong tổng số du học sinh quốc tế học hệ đại học – đến từ Trung Quốc.

Tờ Woroni thông tin, ANU lo ngại rủi ro tài chính khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Chiến lược đa dạng hóa SV quốc tế nhằm tăng tuyển sinh SV từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore.

Tuy nhiên, chiến lược này chưa mang lại kết quả rõ rệt. Kể từ khi thực hiện kế hoạch đa dạng hóa tuyển sinh đầu năm 2015 đến nay, chỉ có số SV từ Singapore và Ấn Độ tăng lên. Trong khi đó, 5 năm qua, số SV Trung Quốc đã tăng từ 42,1% tổng số SV quốc tế lên 59,1% trong năm 2016.

Theo Anne Baly, Giám đốc tuyển sinh của ANU, không có vấn đề đặc biệt về căng thẳng chủng tộc giữa các nhóm SV quốc tế nhưng việc tập trung quá nhiều SV đến từ một quốc gia khiến cho “khó tạo ra môi trường quốc tế” bởi SV có xu hướng “co cụm” trong cộng đồng ngôn ngữ của họ.

Nhiều rủi ro khi dựa vào một thị trường

ANU thực hiện chiến lược đa dạng hóa tuyển sinh thông qua quảng bá tiếp thị mạnh hơn tới nhiều quốc gia và đẩy mạnh trao đổi SV qua các thỏa thuận đối tác – Anne Baly cho biết.

ANU đã kí thỏa thuận với hàng trăm văn phòng tư vấn du học ở nước ngoài – hoạt động với vai trò trung gian tuyển sinh cho ANU. Tuy nhiên việc trao quyền tuyển sinh cho quá nhiều văn phòng tuyển sinh ở nước ngoài cũng tiềm ẩn rủi ro. Một điều tra tháng 5/2015 của hãng tin ABC đã phơi bày nhiều hoạt động gian lận và tham nhũng của các văn phòng tuyển sinh du học Trung Quốc, trong đó có một số là đại diện tuyển sinh của ANU. Baly cho biết ANU đang rà soát lại các văn phòng đại diện một cách cẩn trọng.

Cộng đồng sinh viên Trung Quốc tại ANU quá lớn cũng đã bộc lộ những vấn đề nội tại. SV có quan điểm chính trị, tư tưởng “trái chiều” bị cô lập, kì thị. Một SV khoa Toán tên Wu Lebao tố cáo đã bị nhiều bạn đồng hương kì thị đuổi ra khỏi khu kí túc vì có quan điểm “trái chiều”. ANU cũng đã tiến hành điều tra SV sử dụng dịch vụ gian lận bài luận quảng cáo trực tuyến bằng tiếng Trung hồi tháng 1/2016.

Một hệ quả đặc biệt nghiêm trọng không chỉ của ANU mà với những trường ĐH hàng đầu thế giới là việc quá dựa vào một thị trường sẽ dẫn tới những rủi ro tài chính. Có thể lấy ví dụ, cách đây vài năm, khi thông tin về một số vụ tấn công bạo lực nhằm vào SV Ấn Độ đã khiến nguồn SV từ Ấn Độ sụt giảm mạnh.

Tương tự, những yếu tố như giá trị quy đổi của tiền Australia với tiền tệ các quốc gia khác thay đổi có thể khiến biến động số lượng tuyển sinh. Cũng có nguy cơ những yếu tố chính trị cản trở việc du học nước ngoài tại một số nước, cũng như nền kinh tế suy thoái khiến du học nước ngoài giảm tại một số nước khác.

ANU là đại học có thứ hạng cao nhất tại Australia trong Bảng xếp hạng các trường ĐH quốc tế QS World Rankings 2016. Thứ hạng quốc tế có ảnh hưởng lớn tới quyết định chọn trường của du học sinh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/rui-ro-khi-tuyen-du-hoc-sinh-dua-qua-nhieu-vao-mot-thi-truong-2392786-b.html