Rực rỡ sắc hoa, rộn ràng du xuân đầu năm mới

Tết Nguyên đán 2024, thời tiết Đà Nẵng mát mẻ, dễ chịu. Từng con đường, góc phố được trang hoàng rực rỡ, sạch đẹp như được khoác lên mình chiếc áo mới. Sắc xuân lan tỏa khắp nơi, người dân Đà Nẵng phấn khởi đón Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 trong không khí vui tươi, an bình...

Người dân Đà Nẵng và du khách du xuân, tham quan, check-in tại đường hoa xuân.

Để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán 2024, TP Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn.

Theo Sở Xây dựng, năm nay, UBND TP Đà Nẵng đã chi gần 20 tỷ đồng để đầu tư lắp đặt đường hoa Tết với 15 cụm trang trí hoa Tết và 6 vị trí trang trí điện chiếu sáng. Đặc biệt, đường hoa xuân bên bờ sông Hàn được trang trí đại cảnh linh vật "Ấn rồng sắc mệnh chi bảo", các tiểu cảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ, tiểu cảnh múa lân rồng... Hình ảnh linh vật rồng cách điệu được bố trí tại nhiều cụm trang trí hoa trên vỉa hè phía Bắc đuôi cầu Rồng (quận Hải Châu). Cụm trang trí hoa trên vỉa hè của khu vực công viên APEC được bố trí 4 bồn hoa trang trí chi tiết tứ linh. Cụm trang trí ở đầu cầu Rồng (quận Sơn Trà) được thiết kế với chủ đề "Rồng du Xuân" phù hợp không khí vui tươi ngày Tết. Khu vực đuôi cầu Rồng cũng được bố trí không gian trưng bày Tết xưa và nay, vườn dạo hoa mai và hoa đào, các mô hình dân gian từ vật liệu tre, gỗ và mô hình rồng xếp bằng lồng đèn… thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, check-in trong những ngày Tết Nguyên đán. Dự kiến, đường hoa sẽ phục vụ người dân và du khách đến tham quan, du xuân đến hết ngày 19-2 (mồng 10 tháng Giêng).

Bên cạnh những nét đẹp văn hóa đặc trưng của Tết cổ truyền như Lễ hội ẩm thực Tết Quảng Đà, Biểu diễn Hô hát Bài Chòi…, TP Đà Nẵng đã tổ chức phun nước, phun lửa trên cầu Rồng từ đêm 30 Tết đến ngày mồng 4 Tết Giáp Thìn; thực hiện quay nhịp thông thuyền cầu Sông Hàn vào các đêm mồng 1 và mồng 2 Tết Giáp Thìn. Đặc biệt, vào lúc 0 giờ đêm Giao thừa, tổ chức bắn pháo hoa mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại 3 điểm: Quảng trường Bạch Đằng (ngã ba đường Bình Minh 6 - Bạch Đằng); khu đất thuộc dự án Kim Long Nam (đối diện phía Đông Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu) và khu Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang tạo không khí sôi động, điểm vui chơi, giải trí cho người dân vui Xuân, đón Tết. Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật dọc bờ sông Hàn để phục vụ người dân và du khách. Đặc biệt, vào ngày mồng 2, mồng 3 Tết, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí cho nhân dân và du khách với các vở tuồng: Lưu Kim Đính- Thị Kính Thị Mầu. Vào tối mồng 5 Tết, tại sân khấu bờ Đông cầu Rồng, nhà hát Tuồng biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng Đảng, đón xuân, thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến xem...

Các điểm du lịch như: Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bán đảo Sơn Trà, Công viên nước Mikazuki, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài… cũng đã đón một lượng khách lớn đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng trong dịp Tết.

Rộn ràng du xuân

Thời tiết như chiều lòng người, Tết Giáp Thìn tiết trời tại Đà Nẵng se lạnh, nắng nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và du khách tham gia các hoạt động đi tảo mộ, chúc Tết người thân, họ hàng, bạn bè, lễ chùa, du xuân. Theo đó, hàng ngàn người dân địa phương và du khách nô nức đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn TP Đà Nẵng như chùa Linh Ứng, chùa Quán Thế Âm, chùa Bà Đa… để cầu năm mới mạnh khỏe, bình an, may mắn cho gia đình, người thân, xin lộc, trao gửi những ước nguyện đầu năm… Đây là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Anh Dương Tấn Toàn (trú H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, sáng mồng 1 Tết gia đình tôi đều xuất hành đầu năm đến viếng chùa, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự cát tường".

Cùng với hoạt động đi lễ diễn ra nhộn nhịp ở hầu hết các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều khu, điểm du lịch đã đón lượng khách lớn đến vui chơi, tham quan. Đường hoa Tết là một trong những điểm đến thu hút lượng lớn người dân du xuân. Trên các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo… dòng người xúng xính váy áo, áo dài rộn ràng, ai ai cũng rạng ngời, vui vẻ check-in, chụp lại những khoảnh khắc đẹp với các linh vật, tiểu cảnh trang trí rực rỡ trong ngày đầu năm.

Trong tà áo dài thướt tha, chị Phạm Thu Hằng (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), hào hứng: "Năm nay, thành phố tổ chức nhiều điểm trang trí linh vật rồng, đường hoa để người dân đến tham quan, check-in. Tôi rất vui và hạnh phúc vì đời sống tinh thần của nhân dân thành phố được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư. Đây là dịp để lưu lại những kỷ niệm đẹp bên gia đình ngày đầu năm mới. Cầu chúc một năm mới tươi sáng, bình an, tốt lành đến với toàn thể người dân thành phố".

Phấn khởi và tự hào là cảm xúc của chị Nguyễn Mai Hương (kiều bào Đức) khi được trở về thăm quê hương đúng dịp Tết Nguyên đán. Chị cho biết, chị lấy chồng và rời xa Đà Nẵng đã gần 10 năm. Cứ vài năm chị lại sắp xếp thời gian, công việc để về Việt Nam thăm gia đình, người thân. Mỗi lần về là mỗi lần thấy thành phố thay da đổi thịt, "Tôi vô cùng ngỡ ngàng bởi sự đổi thay từng ngày của Đà Nẵng. Tôi rất vui và tự hào khi thấy quê hương mình ngày càng phát triển. Năm nay tôi về thăm gia đình đúng dịp Tết, được tham gia đón Tết cổ truyền cùng gia đình trên đất mẹ của mình tôi vô cùng xúc động… Bản thân nguyện sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương, đất nước"- chị Hương nói.

Các hoạt động vui xuân, đón Tết được nhiều đơn vị, sở, ban, ngành chuẩn bị chu đáo, mang đến không khí nô nức vui chơi, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.

Thanh Hoa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ruc-ro-sac-hoa-ron-rang-du-xuan-dau-nam-moi-post290760.html