Rớt giá, người trồng sắn Kon Tum thiệt đơn thiệt kép

Tháng 11 hằng năm, thời điểm bắt đầu bước vào mùa khô cũng là dịp người dân Kon Tum bước vào vụ thu hoạch sắn (mì), nhưng chưa năm nào sắn rớt giá thê thảm như năm nay, nên người dân không mấy mặn mà thu hoạch.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay giá sắn được các nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn mua từ 1.400 đồng đến 1.450 đồng/kg tươi tại cửa nhà máy loại 30% chữ bột. Thiếu 1% chữ bột giá hạ xuống 500 đồng. So vơi năm 2015 giá sắn giảm 40%.

Nhiều nông dân trồng sắn ở đây phản ánh: Thực tế sắn của nông dân chỉ đạt ở mức 25-27% độ bột nên giá bán chỉ đạt ở mức hơn 1.200 đồng /kg. Không chỉ giá thấp, năm nay do nắng hạn nên sản lượng sắn giảm; khi đắt thì dễ bán, khi sắn ế người nông dân phải chịu thiệt đơn thiệt kép vì bị ép đủ đường.

Anh Lê Minh Hùng, người trồng sắn ở thôn Bình Giang, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Mọi năm tháng này bọn tôi làm thì độ bột trên 30 chữ bột hết, mà năm nay độ bột bị ép chỉ đạt 27-28%. Còn mọi năm thì giá cả trừ 300 đồng một chữ bột, năm nay nhà máy trừ đến 500 đồng. Chưa hết, giá sắn rẻ nhà máy còn trừ khấu hao tạp chất từ 10 đến 20%. Nhiều nông dân phải khóc mếu vì chở một xe sắn 10 tấn phải trừ khấu hao mất một đến hai tấn.

Cùng quan điểm như anh Hùng, Anh Nguyễn Ngọc Mau Thôn Bình Giang, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy nêu ý kiến: Giá cả mì bập bênh như thế này nhưng buộc người dân phải nhổ thu hoạch lên để trồng cho vụ khác. Người ta phải đi hái cà phê, làm những công việc khác để có thêm thu nhập. Tính ra thu nhập cây mì năm nay trừ chi phí người nông dân chỉ thu về được 800 đồng/kg mì tươi trong hai năm, không đủ tiền chu cấp mua gạo, muối cho gia đình.

Với đặc tính là cây dễ trồng, ít tốn công sức và chi phí đầu tư thấp nên cây sắn là cây trồng chủ yếu của các hộ nông dân ở Kon Tum. Nếu giá sắn xuống thấp như hiện nay thì nhiều hộ gia đình nông dân ở Kon Tum sẽ gặp khó khăn.

Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 50 nghìn ha sắn, vượt hơn 10 nghìn ha so với kế hoạch đề ra. Tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân không trồng thêm diện tích cây sắn mà đi vào thâm canh tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên trong đợt nắng hạn vừa qua trên một số diện tích cây trồng như lúa, cà phê thiếu nước bị chết, người dân đã chuyển sang trồng sắn nên diện tích đang ngày càng tăng.

Trước tình hình giá sắn giảm sâu như hiện nay, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân chỉ nên thu hoạch số diện tích sắn vùng bán ngập. Riêng phần diện tích ở các nương rẫy ần chờ thêm thời gian để chờ giá lên. Các gia đình khó khăn nên đến các vùng thu hoạch cà phê để làm công kiếm thêm thu nhập. Không nên nhổ sắn bán cho, bán tháo như hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31278202-rot-gia-nguoi-trong-san-kon-tum-thiet-don-thiet-kep.html