Rồng trong mỹ thuật Việt

Trong thập nhị địa chi tương ứng với 12 con vật biểu tượng, chỉ có rồng là không có thực. Thế nhưng rồng lại xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt và được tiếp nối cho đến nay.

Hình tượng quen thuộc trong mỹ thuật truyền thống

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc và trước nữa là thời Đông Sơn thì không có hoặc đến nay vẫn chưa tìm thấy một hiện vật nào có hình rồng. Nhưng gần 10 thế kỷ sau đó, hình tượng rồng lại trở nên quen thuộc.

Điều đặc biệt trước tiên, rồng là con vật của tưởng tượng. Quan trọng hơn, rồng là con vật cùng một lúc mang hai biểu tượng: biểu tượng vương quyền trong thời phong kiến; biểu tượng của tín ngưỡng vì rồng nằm trong bộ tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng…

Rồng một lúc phải đóng nhiều vai cho nên xuất hiện nhiều, có thể nói là nhiều nhất so với con vật khác: ngai vàng, quần áo, mũ, dao kiếm của vua phải có hình rồng, cánh cửa chùa (chùa Phổ Minh), bệ đá chùa (chùa Bối Khê) cũng rồng, cho đến trán bia ở đình đền miếu (bia Văn Miếu) vẫn là hình rồng…

Rồng trên cánh cửa chùa Phổ Minh - Nguồn: Vietnam Discovery

1.000 năm trải qua các thời kỳ, từ thời Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn, hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, từ tạo hình, bố cục, chất liệu. Phương pháp tạo hình rồng kết hợp với những đề tài khác làm hình tượng rồng càng trở nên phong phú.

Ví dụ: cá hóa rồng (tháp Đăng Minh đời Trần, đình Lỗ Hạnh đời Mạc, đĩa gốm Chu Đậu thế kỷ XV); rồng hóa mây (lan can đá ở cổng vào Văn Miếu); tiên nữ cưỡi rồng (đình Lỗ Hạnh thời Mạc và ở chùa Keo thời Lê Trung Hưng); rồng ôm chữ Phúc (chùa Bối Khê, thời Lê Trung Hưng); rồng chầu chữ Phật (chùa Kim Liên, Tây Hồ thời Lê sơ); rồi Long Phụng, Long vân khánh hội, Long vân sơn thủy, Long mã, trúc hóa long...

“Ôn lại di sản rồng trong mỹ thuật xưa để những nghệ sĩ hôm nay tiếp tục sáng tạo, cùng rồng đi từ truyền thống sang hiện đại” - họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Diện mạo mới cho hình tượng rồng

Kế thừa truyền thống, đón năm 2024, nhiều họa sĩ đã sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật về rồng. Lấy cảm hứng từ hình tượng tiên - rồng thường thấy trên điêu khắc gỗ đình làng, nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung sáng tạo bộ tác phẩm “Rồng Tiên” từ dòng gốm Phù Lãng. Họa sĩ Tào Linh lại lấy cảm hứng từ tạo hình rồng trong tranh dân gian, đặc biệt là tranh thờ của các dân tộc thiểu số để sáng tạo những bức tranh rồng đón năm Giáp Thìn.

Tác phẩm trên gốm Phù Lãng của nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung

Nữ họa sĩ Hoàng Phương Liên làm tranh xé giấy. Chị chia sẻ: “Trong quan niệm truyền thống, rồng là con vật linh thiêng, biểu tượng của quyền lực và có gì đó hung dữ. Nhưng rồng của tôi lại giản dị, đời thường, gần gũi hơn. Đó là những chú rồng có đôi có lứa, với sắc màu rực rỡ”…

Nghệ sĩ trẻ Lê Minh Trí tạo tác rồng bằng chất liệu composite, vẽ màu acrylic. Anh chia sẻ: “Trước khi làm tác phẩm, tôi đã nghiên cứu hình tượng rồng trong mỹ thuật cổ, người xưa đã làm quá đẹp. Tạo hình rồng của các cụ thường mềm mại, uốn lượn, nhưng thay vì hình khối chuyển mềm mại như xưa, tôi cách điệu thành hình con rồng vuông thành sắc cạnh, muốn thể hiện sự khỏe khoắn. Về màu sắc, tôi dùng màu tương phản mạnh, tươi tắn”.

Tạo hình rồng của nghệ sĩ Lê Minh Trí

Nghiên cứu nét xưa, nhưng không nệ vào truyền thống, các nghệ sĩ đã có những sáng tạo đem đến diện mạo mới cho hình tượng rồng, linh vật của năm Giáp Thìn như một lời chào năm mới 2024.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/rong-trong-my-thuat-viet-i359201/