Rồng trong mắt nghệ sĩ đương đại

Rồng là con vật cùng một lúc mang hai biểu tượng của vương quyền trong thời phong kiến và biểu tượng tín ngưỡng, nằm trong bộ tứ Long, Ly, Quy, Phượng. Rồng xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt suốt từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ 19, mặc dù nó là con vật không có trong đời thực.

Và hôm nay, vào những ngày chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn, các họa sĩ nhóm G39 trình làng những tác phẩm Rồng với góc nhìn đương đại, mới mẻ, như một cách tiếp nối di sản quý giá của ông cha.

Bộ tác phẩm “Rồng ẩn” - Nguyễn Hồng Quang.

Triển lãm “Rồng” với 90 tác phẩm đa dạng chất liệu từ sơn dầu, bột mầu, sơn mài, giấy dó, acrylic đến gốm Hương Canh, gốm Phù Lãng... đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Có thể kể đến bộ tác phẩm gốm “Rồng ẩn” của nghệ sĩ Nguyễn Hồng Quang, tác phẩm “Cùng chơi với rồng” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng, “Giáp Thìn” của họa sĩ Hoàng Phương Liên, “Hoa Tết” của họa sỹ Bình Nhi, “Lễ hội múa Lân” của họa sĩ Trần Hồng Đức, tác phẩm gốm “Tiên Rồng” của nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung, “Tết xưa” của họa sĩ Nguyễn Hồng Phương, “Đợi Xuân” của Tào Linh, “Rồng Thiền” của Vương Linh, “Rước rồng” của Lê Thiết Cương, “Xuân Long” của Lê Thư Hương, “Ngày Tết” của Lê Minh Trí, “Nắng Xuân” của Lâm Đức Mạnh…

Họa sĩ Lê Thiết Cương - giám tuyển triển lãm chia sẻ: “Lạ là trong thập nhi địa chí tương ứng với 12 con vật biểu tượng thì chỉ có mỗi rồng là con không có ngoài đời thực.Thế nhưng rồng lại xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử Mỹ thuật Việt suốt từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ 19.

Anh cho biết, 1000 năm trải qua các thời kỳ (từ Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn) hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, từ tạo hình, bố cục, chất liệu. Dễ nhận thấy mỗi thời kỳ lịch sử, rồng có những tạo tác riêng như: Rồng Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại. Rồng Trần nhìn bề mặt thì giống Lý nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng Lê sơ chú trọng chi tiết, cụ thể, ít chất trang trí cách điệu. Rồng Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của Lý Trần tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại, gây cảm giác mộc mạc giản dị. Rồng Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa và thứ hai là hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau. Rồng Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, chau chuốt.

“Cùng chơi với rồng” - Nguyễn Quốc Thắng.

Rõ ràng, hình tượng rồng đã để lại cả một di sản trong lịch sử mỹ thuật, văn hóa Việt Nam. Tiếp nối truyền thống và kế thừa di sản rồng trong mỹ thuật của cha ông ta thời xưa, những nghệ sĩ hôm nay tiếp tục sáng tạo, cùng rồng đi từ truyền thống sang hiện đại với những góc nhìn mới mẻ, đương đại. Vì thế, các tác phẩm về rồng hôm nay cũng phong phú không kém, lấy cảm hứng của cha ông ta như Rước Rồng, Múa Rồng... các nghệ sĩ đã mang đến một không khí lễ hội về rồng tưng bừng theo phong cách rất hiện đại nhưng cũng vẫn tôn trọng truyền thống.

Đó là bộ tác phẩm làm từ gốm Hương Canh của Nguyễn Hồng Quang mang tên “Long ẩn” và “Thanh Long”. Với tinh thần tối giản, Quang sử dụng những bộ phận của rồng để làm biểu tượng. “Long ẩn” mang ẩn ý con rồng sẽ mang lại vinh hoa, phú quý cho mọi người. Còn tác phẩm “Thanh Long” nói về sức mạnh của một thanh kiếm rồng - một lưỡi kiếm quang minh, chính trực.

Quang chia sẻ: “Rồng gợi cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tạo trên chất liệu gốm truyền thống Hương Canh. Tôi thích rồng vì nó là hóa thân từ 6 con vật trên trời, dưới nước và trên mặt đất. Trong suy nghĩ của người Việt, rồng tượng trưng cho vua chúa, một biểu tượng mang tính thiêng. Với chất liệu từ gốm Hương Canh và tinh thần tối giản, tôi dùng những dáng truyền thống như hình vại, hình chum và làm mới nó bằng những phá cách về nhịp điệu, lên xuống - âm dương trong tạo tác để gửi gắm thông điệp, ý tưởng của mình. Với tôi, rồng mang tính biểu tượng vì thế tôi không vẽ lại những con rồng mà chỉ sử dụng một phần cơ thể rồng để kể câu chuyên hôm nay”.

“Nắng xuân” - Lâm Đức Mạnh.

Cùng trên chất liệu gốm truyền thống, nhưng Vũ Hữu Nhung sáng tạo mới từ dòng gốm Phù Lãng với bộ tác phẩm “Rồng Tiên”. Đây là một hình tượng quen thuộc, gần gũi với tín ngưỡng của người Việt nhưng chủ yếu được tạo tác trên gỗ, hay những tác phẩm hội họa. Lần đầu tiên, bằng gốm Phù Lãng, bộ tác phẩm “Rồng tiên” được tái hiện, mang một hơi thở mới. “Đó là cách thế hệ trẻ chúng tôi gìn giữ truyền thống theo góc nhìn và sáng tạo của mình, để truyền thống không bị mai một và vẫn được tiếp nối trong đời sống hôm nay”.

Họa sĩ Lê Thư Hương mang tới triển lãm hai bức tranh khổ lớn mang tên “Tứ Linh” và “Xuân Long”. Với chị, rồng là một đại diện về trí tưởng tượng của con người qua các thời kỳ, tổng hợp của vẻ đẹp hài hòa và sức mạnh tuyệt đối. Chị đồng điệu và tâm đắc trong cách phát triển những ý tưởng đẹp từ những mảnh ghép riêng lẻ.

“Trong lần triển lãm lần này tôi có tham gia một số tranh đề tài rồng và hoa tết. Rồng trong tác phẩm “Tứ Linh” ảnh hưởng yếu tố hình ảnh có sẵn trong tâm trí, là những hình ảnh rồng tôi luôn nhìn thấy từ ký ức tuổi thơ, tranh ảnh, các tác phẩm điện ảnh... Trong quá trình sáng tác, tôi muốn khơi gợi lại những đường nét, hình ảnh dưới dạng những mảng miếng nhỏ. Những mảnh ghép được lồng vào nhau để dần thành ý tưởng tổng thể... Ở tác phẩm “Xuân Long” lại là một câu chuyện khác, dưới góc nhìn và sự tưởng tượng của riêng mình. Bắt đầu từ những mảnh ghép, những mảnh ghép ở các chiều không gian khác nhau như các nốt nhạc, thanh âm ngẫu nhiên, tôi đặt chúng lại gần nhau ở các chiều biến thiên, dưới nhiều góc độ và hình ảnh khác nhau và để người xem tự tìm được một hình ảnh tổng hợp cho riêng mình”.

Với những cách nhìn mới, các nghệ sĩ không gò mình vào một khuôn dáng hay hình thức nào mà hoàn toàn tự do, tung tẩy sáng tạo. Đôi khi là những chiếc vẩy, cái đuôi, đôi mắt rồng, hay chỉ là tư thế uốn lượn của linh vật này, nhưng đều toát lên một vẻ đẹp mới, mang theo khát vọng về sự tốt đẹp, an lành của năm mới.

“Tiên Rồng” - Vũ Hữu Nhung.

Họa sĩ Hoàng Phương Liên trình diễn một series rồng trên chất liệu độc và lạ của chị, xé giấy. 5 tác phẩm trong triển lãm lần này là những biểu tượng rồng rực rỡ sắc màu trong niềm hân hoan đón năm mới. Rồng vờn mây, rồng khoe sắc... Chị chia sẻ: “ Rồng mang lại cho tôi một nguồn cảm hứng mới, tôi đã vẽ một series rồng, mỗi bức tranh mang một hình dáng, màu sắc khác nhau. Trong quan niệm truyền thống, rồng là con vật linh thiêng, biểu tượng của quyền lực và có gì đó hung dữ. Nhưng rồng của tôi lại giản dị, đời thường, gần gũi hơn.

Đó là những chú rồng có đôi có lứa, quấn quýt trong tình yêu, luôn vươn lên mạnh mẽ với những màu sắc tươi vui để đón chào năm mới. Nhiều người hỏi tôi rằng, tại sao con rồng của tôi hiền thế, quả thực nó hiền và dễ gần, ấm áp hơn. Nhưng tôi vẫn phải nghiên cứu rất kỹ những con rồng của quá khứ, qua các thời kỳ lịch sử để chọn cho mình một cách làm mới. Những lớp giấy được xé rất cầu kỳ, để thể hiện được độ cong và vươn lên của rồng, cũng là thể hiện khát vọng về tình yêu của người nghệ sĩ với cuộc đời, với con người”.

“Lễ hội múa lân” - Trần Hồng Đức.

Họa sĩ Lê Minh Trí là tác giả trẻ nhất tham gia triển lãm “Rồng” lần này. Anh trình diện 3 tác phẩm rồng làm từ chất liệu composite, vẽ màu acrlic rất độc đáo, ấn tượng. Đó là biểu tượng của 3 con thuyền rồng đang vượt trùng khơi để đón một năm mới bình an, may mắn. Trí chia sẻ, khi làm 3 tác phẩm này, anh tìm hiểu rất nhiều về lịch sử mỹ thuật của hình tượng rồng.

“Cha ông xưa đã tạo tác những hình tượng rồng mềm mại, uốn lượn và bay bổng nên tôi muốn mang đến một góc nhìn khác về rồng. Tôi dùng những hình kỷ hà (vuông, chữ nhật) trên chất liệu composite và vẽ lên đó những màu sắc tương phản nhau, tạo nên sự khỏe khoắn, mạnh mẽ. Tôi lấy cảm hứng từ con thuyền rồng đang vượt trùng khơi. Trong hành trình sáng tạo của mình, tôi tìm hiểu nhiều về hình tượng rồng nói riêng và văn hóa Việt nói chúng, nó quá đẹp và hấp dẫn. Đó là chất liệu để thế hệ nghệ sĩ trẻ chúng tôi thổi vào những sáng tạo mới, mang sắc màu đương đại” - Trí nói.

Có thể thấy, sự đa dạng về chất liệu và góc nhìn đã mang đến cho hình tượng rồng một hơi thở mới. Không còn nệ vào khuôn khổ hay những “định kiến” về rồng, các nghệ sĩ đương đại đã mang đến một diện mạo rồng mới trên nền tảng của sự kế thừa và phát huy truyền thống. Có như thế, truyền thống mới được nối dài và được đón nhận trong cuộc sống hôm nay.

Việt Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/rong-trong-mat-nghe-si-duong-dai-i721650/