Rộng cửa cho đặc sản vùng miền

Chương trình Kết nối cung cầu 2023 diễn ra trong đợt cao điểm kích cầu tiêu dùng của TP HCM

Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2023 do Sở Công Thương TP HCM phối hợp các đơn vị tổ chức đã khai mạc vào sáng 21-12 tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, quận 11 và sẽ kéo dài đến hết ngày 24-12.

Hàng trăm đặc sản hội tụ

Ngay trong ngày đầu tiên, khu vực trưng bày sản phẩm đã thu hút đông đảo khách hàng là doanh nghiệp (DN) kinh doanh, phân phối, bán lẻ lẫn người tiêu dùng TP HCM đến tham quan, mua sắm.

Bên trong gian hàng, nhiều chủ DN, cơ sở sản xuất ở TP HCM và các tỉnh, thành vui ra mặt vì liên tục được khách hàng quan tâm, dùng thử và hỏi mua sản phẩm.

Những món đặc sản nổi tiếng của các vùng, miền như mật ong hoa bạc hà Hà Giang, bánh tráng Bình Định, nem chua Thanh Hóa, lạp xưởng Long An, khô cá lóc, tôm khô Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, thịt trâu gác bếp Đắk Lắk, quýt hồng Đồng Tháp... bán rất chạy.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham quan các gian hàng trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2023

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngụ quận 10) khệ nệ xách 2 túi đồ gồm quýt hồng, nem nướng, bánh tráng, hạt sen sấy, măng khô, nấm hương... vừa mua xong, hào hứng nói cuối tuần này chị sẽ quay lại mua thêm một số món nữa.

Chị Thủy tiết lộ năm nào cũng chờ có hội nghị kết nối cung cầu để mua đặc sản Tết vì so với bên ngoài, đặc sản ở đây đa dạng và ngon hơn hẳn.

Chị Vũ Thị Hồng, Giám đốc siêu thị Vina Caty Hồng Vân (tổng phân phối mì ăn liền trái cây thanh long Caty), cho biết khách tấp nập tìm hiểu, mua sản phẩm từ khi gian hàng vừa mở cửa.

"Sau cơn sốt "lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm", lượng khách đặt hàng trực tiếp lẫn qua các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee... tăng vọt.

Chúng tôi một mặt tiếp nhận các đơn hàng mới, mặt khác tìm kiếm cơ hội bán hàng cho các nhà phân phối lớn, chuyên nghiệp ở kênh trực tiếp lẫn trực tuyến" - chị Hồng nói lý do tham gia Hội nghị Kết nối cung cầu lần này.

Tương tự, anh Quách Việt Dũng, Giám đốc Công ty CP Mitasu, lần đầu giới thiệu những sản phẩm mới toanh là yến tươi rong nho, yến tươi đông trùng hạ thảo, thạch rong nho, thạch đông trùng hạ thảo... và các sản phẩm dành cho người ăn kiêng tới hơn 1.000 DN TP HCM lẫn các tỉnh, thành tham gia kết nối.

Ghi nhận tại sự kiện, có rất nhiều khách hàng mua sản phẩm sau khi dùng thử. "Sản phẩm mới ra thị trường 1,5 năm đã vào được chuỗi siêu thị Finelife và một số cửa hàng thực phẩm cao cấp. Tại hội nghị này, chúng tôi đăng ký tiếp xúc 6 nhà phân phối và đã được 3 nhà phân phối là MM Mega Market, Aeon, GS 25 đặc biệt quan tâm vì mới lạ, mẫu mã đẹp, chất lượng cao và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng sản phẩm chăm sóc sức khỏe" - anh Dũng khoe.

Kết nối hiệu quả hơn

Theo Sở Công Thương TP HCM, chương trình kết nối năm nay có 45 địa phương trên cả nước đăng ký tham gia 700 gian hàng, giới thiệu và bày bán hàng ngàn mặt hàng đặc sản địa phương.

Ngoài ra, các tỉnh, thành còn trình diễn 19 không gian văn hóa làng nghề đặc sắc. Hoạt động kết nối cung cầu lần này là cao điểm của chuỗi hoạt động xuyên suốt trong năm 2023 của TP HCM trong liên kết với 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

"Hoạt động liên kết này tạo ra sự kết nối bền vững giữa việc cung cấp sản phẩm với nhu cầu thị trường. Đây cũng là cơ hội để đo lường phản ứng thị trường đối với những sản phẩm đặc trưng của các vùng miền trên cả nước. Ở chiều ngược lại, các hiệp hội và DN bán hàng tại TP HCM sẽ tìm được cơ hội đầu tư vùng nguyên liệu, vùng sản xuất bền vững" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhấn mạnh.

Đặc biệt, hội nghị diễn ra trong đợt cao điểm kích cầu tiêu dùng của TP HCM, có sự kết hợp đồng bộ, triển khai đồng loạt, tập trung nhiều hoạt động như: Chương trình "Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023", Shopping Season đợt 2 - Rộn ràng mua sắm mùa xuân, sự kiện Khuyến mãi hàng hiệu - Flash Sale Holiday đợt 2, Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng... kỳ vọng kích cầu tiêu dùng nhân dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.

Bên cạnh đó, chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2023 tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các DN kết nối với nhau, trao đổi trực tiếp giữa 12 hệ thống phân phối, 5 sàn thương mại điện tử và hơn 1.000 nhà cung cấp trên cả nước.

Đánh giá sơ bộ của các DN phân phối, so với những năm trước, các nhà sản xuất/cung cấp địa phương đã có sự tiến bộ lớn. Không chỉ chào hàng những sản phẩm đặc sắc, nhà sản xuất còn đầu tư và chuẩn bị kỹ ở cả khâu bao bì, mẫu mã, các loại chứng nhận lẫn sự chuyên nghiệp tiếp xúc với nhà phân phối.

"Trong ngày 21-12, Emart đã tiếp xúc khoảng 70 DN thuộc nhiều ngành hàng. Một số DN chuẩn bị hồ sơ khá tốt, cơ hội đưa hàng vào siêu thị cao, dù vẫn còn nhiều bước tiếp theo cần thực hiện" - ông Lê Hữu Tình, quản lý cấp cao Marketing Công ty TNHH Thiso Retail (vận hành chuỗi siêu thị Emart), cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết năm 2023 là năm cao điểm TP HCM đẩy mạnh liên kết với 38 tỉnh, thành thuộc 6 vùng kinh tế. Trong đó, chương trình kết nối cung cầu là một hoạt động cấp vùng, nhằm cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo TP HCM trong lĩnh vực thương mại, kinh tế.

"Đây là hoạt động kết nối hai chiều, không chỉ hỗ trợ địa phương tiêu thụ sản phẩm mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng TP HCM" - ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng nói thêm tại sự kiện này các sàn thương mại điện tử quốc tế và nội địa như Amazon, Alibaba, Tiki, Lazada... sẽ hỗ trợ tích cực nhà sản xuất tiếp cận những giải pháp thương mại điện tử xuyên biên giới, giải pháp tăng doanh số, giải pháp logistics trong thương mại điện tử, giải pháp tìm hiểu nhu cầu khách hàng bằng dữ liệu lớn...

Ghi nhận của ban tổ chức, trung bình, mỗi hội thảo thu hút khoảng 450 lượt đăng ký tham dự. Trong đó, chiếm hơn phân nửa là đăng ký của cơ quan quản lý nhà nước và DN các tỉnh, thành. Qua đó cho thấy các tỉnh, thành có nhu cầu tìm hiểu thông tin và tiếp cận phương thức bán hàng đang phát triển nhanh, mạnh mẽ này là rất cao.

Hiểu rõ hơn sản phẩm từ các làng nghề

Trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2023 còn có chương trình "Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023". Gần 200 DN tiêu biểu đã mang đến các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") từ các vùng miền của Việt Nam.

Khách tham quan được khám phá, tìm hiểu về lịch sử cùng những câu chuyện thú vị xung quanh những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng của TP HCM (huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ...), một số làng nghề truyền thống đặc sắc của các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc.

Đặc biệt, khách tham quan có thể trực tiếp tham gia một số hoạt động để cùng các nghệ nhân tạo ra những sản phẩm thủ công độc đáo, tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng và thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa ẩm thực, những đặc sản nổi tiếng từ khắp Việt Nam.

Ngoài ra, còn có nhiều hội thảo được diễn ra trong 2 ngày đầu của sự kiện như: Hội thảo Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội tăng trưởng toàn cầu dành cho DN Việt Nam; Hội thảo Giải pháp tăng doanh số và cơ hội kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Tiki; Hội thảo Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Việt thông qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com...

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/rong-cua-cho-dac-san-vung-mien-196231221203256529.htm