Rộn ràng trống nhảy Kim Sơn

Về Kim Sơn những ngày Xuân, nghe giai điệu rộn ràng của trống nhảy, lòng người như rạo rực hơn. Tiếng trống nhảy như gọi mời những người con về với quê hương trong cái đầm ấm của những ngày giáp Tết, gọi Xuân về với vùng đất mở đầy tiềm năng. Tiếng trống nhảy tự bao giờ đã trở thành bản sắc, là âm thanh mang đặc trưng văn hóa của vùng quê ven biển.

Trống nhảy Kim Sơn tham gia Festival Ninh Bình 2022. Ảnh: Minh Quang

Khác với đánh trống thường, trống nhảy biểu diễn trong ngày hội lớn, ngày Tết. Tiếng trống được hòa quyện với điệu nhảy mạnh mẽ, quyết đoán của người chỉ huy đánh trống, tạo không khí sôi động, biến hóa theo cung bậc cảm xúc trong các bài trống, thu hút sự chú ý của người nghe, người xem. Với ngày hội lớn, ngày Tết, phần kết của mỗi bài trống là tiếng trống khải hoàn, tiếng trống vui khi non sông, đất nước thái bình. Do đó, trống nhảy Kim Sơn mang nét đặc trưng văn hóa riêng có của vùng đất biển. Vừa qua, trống nhảy Kim Sơn vinh dự được tỉnh Ninh Bình chọn biểu diễn tại Lễ hội đường phố trong "Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản" tổ chức vào tháng 11/2022.

Hiện nay, các thành viên Hội trống nhảy xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) đang tích cực luyện tập để có những tiết mục biểu diễn trong Lễ hội mùa Xuân 2023. Anh Vũ Văn Dũng, thành viên Hội trống nhảy xã Kim Mỹ cho biết: Đã nhiều năm tham gia biểu diễn trống nhảy tại các lễ hội truyền thống quê hương cũng như giao lưu tại các tỉnh bạn, tuy nhiên năm nay, Hội trống nhảy xã Kim Mỹ được biểu diễn tại Festival là niềm vinh dự cho toàn Hội. Hội tham gia tại Lễ hội đường phố với 30 thành viên. Các thành viên đã cống hiến hết mình, để lại ấn tượng đẹp với người dân và du khách. Hiện nay, tôi cùng các thành viên trong Hội đang tích cực luyện tập để nhuần nhuyễn, hòa nhịp các tiếng trống từ nhỏ đến lớn, hòa cùng tiếng chiêng, sẵn sàng tham gia các lễ hội mùa Xuân của huyện, của tỉnh cũng như giao lưu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội trống nhảy xã Kim Mỹ với dàn trống 12 chiếc, chiếc trống to nhất có chiều cao là 3,5m và chiều rộng mặt da 2,25m đã đạt kỷ lục Guiness năm 2010. Các trống nhỏ dần, với trống nhỏ nhất có chiều cao 1,2-1,3m, chiều rộng mặt da 1,6-1,8m. Cùng với 2 chiếc cồng, mỗi chiếc nặng 85 kg và chiếc chiêng, trong quá trình biểu diễn đã tạo nên tiếng trống hội rộn ràng, vui tươi trong tấtcả các tiết mục biểu diễn.

Ông Trần Văn Cần, người có ý tưởng làm ra chiếc trống lớn nhất đạt kỷ lục Guiness cho biết: Những bài trống nhảy biểu diễn thúc giục lòng người hướng đến sự an vui, hòa bình, thịnh vượng của dân tộc, tạo không khí phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân tham gia lễ hội. Vì thế, các tiết mục trống nhảy là sự hòa quyện của tất cả các thành viên, vừa đánh trống vừa biểu diễn nhảy múa theo tiếng còi người chỉ huy Hội trống, tạo nên sự vui vẻ, phấn khởi cho cả người biểu diễn và người xem. Điều đặc biệt là khi biểu diễn, chiếc trống lớn cần 3-4 người đánh, trống nhỏ cần 1 người đánh. Mỗi tiếng trống lớn, nhỏ có âm thanh khác nhau, nhưng khi hòa nhịp vào nhau, tạo nên âm thanh rền vang, vui nhộn, phấn chấn, khiến ai được xem, được nghe cũng thấy rộn ràng.

Ông Nguyễn Quang Luận, Trưởng Hội trống nhảy xã Kim Mỹ cho biết: Tôi đã tham gia Hội trống hơn 20 năm nay. Trống nhảy Kim Sơn nhiều năm qua được duy trì và phát huy mạnh mẽ. Biểu diễn trống nhảy đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân vùng đất mở nơi đây. Hội trống nhảy luôn nhận được sự quan tâm, bảo tồn, lưu giữ và ủng hộ của nhiều thế hệ nối tiếp nhau trên địa bàn xã.

Ở xã Xuân Chính, Hội trống nhảy cũng nhận được sự ủng hộ, quan tâm của chính quyền địa phương và nhân dân. Anh Hoàng Văn Hiệu, 32 tuổi, Chánh Hội trống nhảy thôn Mông Hưu, xã Xuân Chính cho biết: Tôi được biết, biểu diễn trống nhảy tại xã đã có bề dày hơn 100 năm. Là người trẻ tuổi, tôi luôn ý thức giữ gìn nét đẹp của cha ông và luôn nhiệt tình tham gia. Các thành viên trong hội trống có độ tuổi từ 15-70 tuổi. Tôi cùng các thành viên trong Hội thường xuyên biểu diễn trong ngày lễ trọng của tôn giáo, trong dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của địa phương, đất nước; biểu diễn tại Lễ hội đường phố Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản... Những hoạt động đó của Hội trống đã trở thành động lực cho các thành viên tích cực tập luyện, lưu giữ và quảng bá trống nhảy là một trong những nét đặc trưng văn hóa của huyện Kim Sơn.

Đồng chí Phạm Văn Sang, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kim Sơn cho biết: Huyện Kim Sơn có khoảng 20 hội trống nhảy, trong đó 2 hội trống nhảy ở xã Kim Mỹ và xã Xuân Chính là những hội trống có bề dày và hoạt động sôi nổi nhất. Tham gia biểu diễn ở đâu, các hội trống cũng đều biểu diễn hết mình, mang đến niềm vui, không khí sôi động cho người xem. Đó cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của huyện Kim Sơn.

Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ron-rang-trong-nhay-kim-son/d20230112092523619.htm