Rộn ràng nghề 'ăn theo' ngày tết

Tết là cơ hội cho nhiều người ít vốn hoặc không có vốn kiếm thêm thu nhập từ những dịch vụ 'ăn theo'.

Cứ gần đến Tết Nguyên đán, ông Phạm Hoàn Thành (phường 2, TP.Tân An) bày biện một chiếc mô-tơ với vài phụ kiện ra góc đường để đánh bóng lư đồng. Công việc này được ông duy trì hơn 40 năm, giúp thu về tiền triệu mỗi dịp tết đến, xuân về. Ông Hoàn Thành trải lòng: “Qua tháng Chạp, tôi bắt đầu nhận đánh bóng lư đồng, bình quân 2-3 bộ/ngày.

Từ rằm tháng Chạp trở đi thì tăng 8-10 bộ/ngày, thời gian hoàn thành 1 bộ lư đồng từ 2-3 giờ, tiền công dao động từ 300.000-500.000 đồng/bộ (tùy loại). Nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và có kinh nghiệm bởi sơ suất có thể làm hư cả bộ lư. Dù vất vả nhưng nghề này cũng giúp gia đình tôi có thêm thu nhập vào dịp tết”.

Ông Phạm Hoàn Thành có thu nhập tiền triệu từ nghề đánh bóng lư đồng dịp tết

Khoảng giữa tháng Chạp, những nhà vườn bắt đầu lặt lá mai để kích hoa nở đúng dịp tết. Đây là thời điểm nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn có thêm thu nhập để mua sắm tết. Bà Trần Thị Hương (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Ngày thường, tôi đi cấy lúa thuê. Gần tết, nhiều gia đình có nhu cầu thuê người lặt lá mai nên tôi làm với thu nhập gần 300.000 đồng/ngày. Công việc này chỉ kéo dài trong 1 tuần. Lặt lá mai phải kỹ, nâng niu cành để không bị gãy nụ”.

Vào tháng giáp tết, các cơ sở làm khô bắt đầu tăng số lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên phải thuê thêm lao động thời vụ. Chị Nguyễn Thị Dung (tiểu thương chợ Tân Hưng, huyện Tân Hưng) cho biết: “Bình thường, gia đình tôi có 2 người làm khô, còn dịp tết thuê thêm 5 người. Công việc là làm sạch cá, tiền công 3.000 đồng/kg, người nào làm giỏi thì thu nhập trên 300.000 đồng/ngày, thời gian làm từ giữa tháng 11 đến 12 Âm lịch. Cơ sở của gia đình tôi chủ yếu làm khô cá lóc và cá trê”.

Dịp tết, nhiều người có thu nhập từ nghề làm khô

Nói đến những nghề “hái ra tiền” dịp tết, không thể thiếu nghề sửa giày dép. Bà Trần Hồng Nga (phường 4, TP.Tân An) nói: “Thấy đôi giày còn tốt, chỉ hư đế nên tôi đem sửa lại, tiết kiệm được chi phí. Sửa giày dép không có giá cụ thể, tùy kích cỡ, tình trạng, yêu cầu mà người thợ cho giá”.

Dịp tết, bà Lê Thị Tám (bên trái) tăng thu nhập từ nghề sửa giày dép

Nghề sửa giày dép cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Bà Lê Thị Tám (thợ sửa giày dép ở phường 1, TP.Tân An) chia sẻ: “Nghề nào cũng vậy, muốn vững cần có sự tận tụy, chuyên tâm và cố gắng nắm bắt được tâm lý khách hàng. Tôi cố gắng sửa giày dép chắc chắn, bảo đảm tính thẩm mỹ, tùy theo chất liệu sẽ “biến tấu” đường may, cách dán keo, đục lỗ, đóng đế cho phù hợp”.

Tết về, một số dịch vụ “ăn theo” nở rộ, giúp nhiều người có thêm một khoản thu nhập nhỏ để tết thêm ấm cúng./.

Minh Thư

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ron-rang-nghe-an-theo-ngay-tet-a147880.html