Rộn ràng mùa Đại hội cổ đông ngân hàng

Câu chuyện chia cổ tức, bài toán tăng vốn, hay bán vốn cho cổ đông ngoại… là những vấn đề nóng được đặt ra tại mùa Đại hội đồng cổ đông các ngân hàng năm nay.

Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam năm 2023.

CHÀO BÁN VỐN CHO CỔ ĐÔNG NGOẠI

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ( Vietcombank, VCB) dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vào cuối tháng 4 tới đây.

Trong mùa đại hội này, một trong những nội dung có thể thu hút sự quan tâm đặc biệt của cổ đông Vietcombank là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Ngân hàng Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài hiện nay là Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).

Kế hoạch này đã được ban lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank đề cập từ năm 2022 nhưng chưa được triển khai trong năm 2023 do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi. Tại Đại hội năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank tiếp tục cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, LPB) cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị Ngân hàng LPBank quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (Ngân hàng HDBank, HDB) tại cuộc gặp với nhà đầu tư vào tháng 2/2024 chia sẻ, việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của HDBank nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.

Ngân hàng HDBank đã dành khoảng 10% room ngoại hiện nay cho việc phát hành tăng vốn và đã sẵn sàng cho việc đón đối tác chiến lược. Hiện Ngân hàng HDBank có kế hoạch hoạch phát hành 12,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong năm nay.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội ( SHB) tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 cũng đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cũng thông tin với cổ đông rằng sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Trong khi đó, hồi tháng 7/2023, Reuters từng loan tin, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD. Thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

HÁO HỨC CHIA CỔ TỨC

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt tới 22.900 tỷ đồng, sau khi lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trên cơ sở tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận bền vững, ngân hàng đề xuất chính sách cổ tức toàn diện để trình Đại hội đồng Cổ đông vào tháng 4 sắp tới mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20% trên tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm hoặc 4%-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm. Như vậy, cổ đông của ngân hàng có thể nhận khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu.

Nếu kế hoạch được thông qua, cổ đông của Techcombank sẽ được chia cổ tức bằng tiền mặt lần đầu tiên sau nhiều năm. Kết quả được đưa ra trên cơ sở tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận bền vững, ngân hàng dự kiến đề xuất chính sách cổ tức dài hạn để trình đại hội cổ đông vào tháng 4/2024.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) cũng là một cái tên tiềm năng khác cũng có thể sẽ chia cổ tức tiền mặt trong năm nay. Tại phiên họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo cấp cao VPBank cũng cho biết, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông.

Riêng trong năm 2023, VPBank đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Các đợt chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo dự định sẽ được VPBank thực hiện sớm hơn trong nửa đầu năm, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông đối với kế hoạch phân chia lợi nhuận của ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG) thời điểm cuối tháng 2/2024 cũng vừa công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Theo đó, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, dự kiến số tiền sẽ chia gần 11.648 tỷ đồng.

Trong năm 2023, VietinBank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 53.700 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020. Tại hội nghị ngân hàng đầu năm nay, lãnh đạo của VietinBank kiến nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Cổ đông bỏ phiếu thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của VIB.

KỲ VỌNG NGÂN HÀNG TĂNG VỐN

Tăng vốn dự kiến cũng là một trong những điểm 'nóng' trong cuộc họp cổ đông sắp tới. Ngân hàng Quốc Dân (NCB) sẽ phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.200 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng này sẽ nâng quy mô tối đa lên khoảng 11.800 tỷ đồng. NCB sẽ triển khai trong quý 2/2024 để sớm có nguồn vốn bổ sung cho kinh doanh.

LPBank cũng hé lộ chương trình họp cổ đông dự kiến vào ngày 27/4. Sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ trong năm 2023, nhà băng này tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024, mức tăng chưa được hé lộ. Với vốn điều lệ đạt hơn 25.500 tỷ đồng, hiện LPBank là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 10 trong hệ thống.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) cũng có kế hoạch tăng vốn sau hơn một thập kỷ, bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Theo đó, ngân hàng sẽ nâng quy mô vốn điều lệ từ 308 tỷ lên 3.388 tỷ đồng. Tuy nhiên, SaigonBank vẫn có thể trở thành nhà băng có vốn thấp nhất hệ thống bởi PGBank cũng đang muốn tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Trong vòng một năm qua, NHNN đã chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ cho hơn 20 nhà băng, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (không kể các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh) là hơn 760.000 tỷ đồng, tăng hơn 100.000 tỷ so với cuối năm 2022. Dự kiến, tại mùa đại hội trong sắp tới, nhiều đơn vị sẽ công bố chi tiết hơn về các phương án nâng thêm quy mô vốn.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ron-rang-mua-dai-hoi-co-dong-ngan-hang-post32483.html