Rộn ràng Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn

Kế thừa và phát huy truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', tôn vinh công đức của các bậc tiền hiền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) long trọng tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXII/2023, tại quảng trường Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập).

Khắc ghi công đức tiền nhân

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn được tổ chức ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm, nhằm ca ngợi công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu và các bậc tiền nhân, cũng là dịp tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương.

Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn đã tổ chức hoạt động này nhằm phục vụ bà con nhân dân. Đồng thời, ghi dấu ấn kết nghĩa 3 quê hương Thoại Sơn - Sơn Trà - Vũng Liêm, những địa danh gắn liền nơi sinh ra, lớn lên và công lao của danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Theo sử sách, mùa Xuân năm Mậu Dần 1818, được sự chuẩn tấu của vua Gia Long, Thoại Ngọc Hầu đã chiêu tập dân binh, phát lệnh đào kênh. Hơn 1.500 nhân binh tích cực làm việc, luân phiên đào kênh dưới sự chỉ huy của danh tướng Thoại Ngọc Hầu.

Qua 1 tháng đào lắp, với việc nạo vét cát bùn, mở rộng rạch cùn Lạc Dục (từ Ba Bần vào núi Sập), từ đó mới đào thẳng hướng núi Sập - Kiên Giang mà hình thành kênh mới. Con kênh dài hơn 30km, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá), nghiễm nhiên trở thành con sông to, tấp nập ghe thuyền.

Lãnh đạo huyện Thoại Sơn trao cờ lưu niệm kết nghĩa cho lãnh đạo quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) và huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) tại Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXI/2022

Vị tướng của dân được triều đình khen ngợi và ban dụ cho lấy tên tước Thoại Ngọc Hầu đặt tên con kênh là Thoại Hà và núi Sập thành núi Thoại. Đến năm 1822, Thoại Ngọc Hầu long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Ngôi làng năm ấy giờ đã phát triển văn minh, sầm uất với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Cũng tại nơi này, với lòng thành kính và tri ân, nhân dân lập đền thờ ngày đêm hương khói, phụng thờ ông suốt bao đời nay.

Ngày diễn ra Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn cũng là ngày diễn ra Lễ hội Kỳ yên tại đình thần Thoại Ngọc Hầu. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam đối với đình thần Thoại Ngọc Hầu. Đây là ngôi đình chứa 3 thiết chế văn hóa vật thể và phi vật thể, gồm: Bia Thoại Sơn; ngôi đình và Lễ hội Kỳ yên, được xếp hạng Di tích quốc gia. Ngôi đình được giữ gìn, trùng tu khang trang và trở thành điểm tựa tâm linh của người dân vùng đất ông Thoại.

Không ngừng vươn lên

Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là từ sau ngày tái lập huyện Thoại Sơn (năm 1979), địa phương đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách do có xuất phát điểm thấp, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn qua các thời kỳ đã đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tìm lối đi riêng cho mình bằng những chủ trương táo bạo, giải pháp đột phá.

Từ đó, lập nên những thành tựu đáng tự hào, ghi vào dòng chảy lịch sử quê hương Thoại Sơn những dấu son không thể phai mờ trên tất cả các lĩnh vực. Thoại Sơn là huyện đầu tiên trong cả nước đạt 3 danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và “Huyện nông thôn mới (NTM)”.

Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 68 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất bình quân 205 triệu đồng/ha/năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên phát triển ổn định và diễn ra khá nhộn nhịp. Thiền viện Trúc Lâm An Giang ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, nhất là trong dịp lễ, Tết.

Quý I/2023, trong 25 nhóm chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện năm 2023, có 6 chỉ tiêu đạt, 4 chỉ tiêu đạt trên 75%. Đến nay, tất cả 14 xã của huyện Thoại Sơn đều được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận NTM nâng cao. Thoại Sơn đang tập trung thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM nâng cao, phấn đấu được công nhận năm 2023. Huyện đang trong lộ trình xây dựng NTM kiểu mẫu đối với xã Vĩnh Trạch, Định Thành và NTM thông minh đối với xã Thoại Giang.

Những kết quả đạt được thời gian qua, cùng quyết tâm vượt khó và việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm là tiền đề vững chắc để huyện Thoại Sơn thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ron-rang-le-hoi-van-hoa-truyen-thong-huyen-thoai-son-a361457.html