Robert Trần với nghề “cho thuê” CEO

Ở tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny của Canada, Robert Trần cho biết, anh điều hành đến 70 nhân sự cao cấp là giám đốc, tổng giám đốc của nhiều công ty ở Đông Nam Á.

hẩu hiệu của tập đoàn tư vấn Robenny là “trường học cho các nhà kinh doanh”, không chỉ tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp mà còn chia sẻ trải nghiệm trong kinh doanh với khách hàng. Hiện Robenny đang kinh doanh một lĩnh vực khá ấn tượng là “cho thuê’” tổng giám đốc (CEO) và Robert Trần là Tổng Giám đốc của Tập đoàn tại châu Á. Điều hành một lúc nhiều CEO Với lĩnh vực “cho thuê” CEO mà Robenny đang kinh doanh, công việc của Robert Trần là điều hành khoảng 70 nhân sự cao cấp là giám đốc và tổng giám đốc của các công ty tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Anh còn là phó chủ tịch một trong những tập đoàn thương mại lớn ở Thượng Hải là Capital. Tại Việt Nam, năm 2008, khi quyết định Nam tiến, Tập đoàn Phú Thái đã mời anh tư vấn và điều hành phát triển ở miền Nam. Phú Thái là nhà bán lẻ lớn ở miền Bắc, kinh doanh và phân phối nhiều loại sản phẩm như P&G, Samsung, Dumex... Riêng mảng phân phối điện thoại Samsung, doanh thu của Tập đoàn là 2 triệu USD/tháng (đầu năm 2009). Cho đến ngày Robert Trần thôi điều hành, doanh số phân phối sản phẩm này của Phú Thái lên đến 15 triệu USD/ tháng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Robert Trần đã thuyết phục Samsung tin vào khả năng khai thác và tăng doanh thu từ thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, anh không xác nhận thông tin này, chỉ chia sẻ: “Tôi không có kinh nghiệm bán lẻ, nhưng như tôi đã nói, tôi biết phương pháp để khiến nó thành công hơn”. “Một chiếc điện thoại mới tung ra thị trường, 2 tuần sau là giảm giá ngay. Kinh doanh trong lĩnh vực này mà không đủ sắc bén thì thị trường đánh mình ngay nên phải luôn quản trị tốt phần rủi ro để đạt hiệu quả cao nhất”, Robert Trần giải thích. Tại châu Á, anh đã tham gia đào tạo dàn quản lý cao cấp, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn như Mobifone, Sacombank, Toyota, Denso, ANZ Royal Cambodia, DKSH, Solvay – Fournier Pharmaceutical, Beeline, MFONE... “Tôi thích những môi trường nhiều thách thức”, anh nói tiếp. Vì lẽ đó, không chỉ làm nhà tư vấn, quản trị doanh nghiệp, anh kiêm luôn việc mời gọi nhà đầu tư cho doanh nghiệp khi có nhu cầu. Tất nhiên, việc mời gọi đầu tư nước ngoài cho những dự án tại Việt Nam cũng là thách thức không nhỏ. Khi được hỏi Việt Nam có phải là thách thức đối với anh không? Robert Trần lắc đầu, không chỉ Việt Nam mà là cả Đông Nam Á. Đất nước Đông Nam Á đầu tiên (cách đây 10 năm) anh đặt chân đến để tìm kiếm thách thức không phải là Việt Nam mà là Campuchia và vào làm việc cho một công ty viễn thông. Khi đó thị trường Campuchia, theo anh, cũng có lắm thách thức và một khi đã vượt qua được thì tại Việt Nam, không có gì là quá khó khăn cả. Học phương pháp làm việc từ Harvard Không chỉ điều hành một lúc nhiều nhân sự cao cấp ở nhiều công ty, Robert Trần cho biết anh còn đang làm CEO cho 13 công ty. Anh nói, một CEO chuyên nghiệp là có thể làm CEO ở bất kỳ ngành hàng nào. Việc quản lý được một lúc nhiều công ty thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau không phụ thuộc vào kiến thức kinh nghiệm mà là nhờ phương pháp làm việc và cách kết nối mọi người. “Harvard đã không dạy tôi gì cả ngoài phương pháp quản trị này. Kiến thức thì vô vàn, càng học lại càng thấy thiếu nhưng nếu biết phương pháp, bạn sẽ giải quyết được hơn 50% công việc”, Robert Trần bộc bạch. Tốt nghiệp khoa dược Đại học McMaster (Canada) năm 1994, anh học lên cao học ngành quản trị rủi ro tại Đại học Harvard (Mỹ) và đang chuẩn bị hoàn tất luận án tiến sĩ ngành chiến lược phát triển kinh doanh tại Đại học Bolton (Anh). Khi làm việc tại GE Pharmaceutical, công ty dược lớn ở Canada, chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh, điều khiến anh băn khoăn nhất là sự rủi ro trong kinh doanh quá lớn. Một doanh nghiệp nếu không có chiến lược quản trị rủi ro bài bản, rất dễ thất bại. Đó cũng là lý do anh sang Mỹ học kinh doanh tại Harvard rồi học cao học ngành quản trị rủi ro. “Harvard dạy tôi phương pháp quản trị các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực một cách có khoa học và hiệu quả nhất. Điều đó rất quan trọng”, anh nói. Theo Robert Trần, người Việt sống tại Canada ít thành công trong kinh doanh mà thường được xướng danh ở vị trí nhà khoa học nhiều hơn. Anh lý giải, người châu Á khi di dân, trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ, người Việt không ngoại lệ. Họ xuất sắc trong lĩnh vực toán học, nền tảng cho nhiều nền khoa học và ham học, ham tìm tòi nghiên cứu hơn là giao tiếp để truyền đạt ý tưởng đó trở thành hiện thực. “Tôi nghĩ đó không phải là hạn chế mà tính cách của người Á Đông”. Hiện nay, trụ sở chính của Robenny đặt tại Canada, cũng là quê hương thứ hai của Robert Trần. Tuy nhiên, 5 năm qua, anh sống và làm việc tại Việt Nam và một số nước châu Á.

Nguồn Doanh nhân 360: http://doanhnhan360.com/Desktop.aspx/Giao-luu-360/Doanh-nhan-Lam-quen/Robert_Tran_voi_nghe_cho_thue_CEO/