Rõ trách nhiệm, quyết tâm thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển đất nước

LTS: Thời gian qua, Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; cán bộ, đảng viên, nhà khoa học... bày tỏ quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu, định hướng phát triển đất nước đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định.

Đồng chí LÊ QUỐC PHONG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:

Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp. Nếu sản xuất nông nghiệp chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu thì đó chỉ là tư duy sản xuất không còn phù hợp với xu hướng của thời đại. Thay vào đó, tư duy kinh tế thị trường, căn cứ vào quy luật cung-cầu với sự điều tiết hợp lý của Nhà nước, lấy thị trường làm định hướng sản xuất và sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển các liên kết ngang và liên kết dọc, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu người tiêu dùng, tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng, mảnh vườn, gia tăng thêm giá trị. Hay nói cách khác, đó là tư duy kinh tế nông nghiệp, xu hướng tất yếu mà ngành nông nghiệp cần hướng đến.

Đồng chí Lê Quốc Phong.

Đồng chí Lê Quốc Phong.

Để chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cần có nghiên cứu để tính toán đầy đủ hơn đóng góp của khu vực nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế, không chỉ dựa vào năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng làm thước đo cho sự tăng trưởng của ngành, mà cần chú trọng hơn đến lợi nhuận đạt được của sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích nhu cầu sáng tạo, kinh doanh của phía cầu và thúc đẩy tăng cường các dịch vụ hướng đến doanh nghiệp khởi nghiệp từ phía cung. Tổ chức, xây dựng đầy đủ nguồn cơ sở dữ liệu thông tin ngành nông nghiệp, hoạt động đầu tư, nhu cầu của thị trường để có những đánh giá, dự báo chuyển động của thị trường, đưa ra các khuyến cáo phù hợp...

NGỌC MAI (ghi)

-------------------

Đồng chí NGUYỄN VĂN QUẢNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Kiểm tra, giám sát phải trên tinh thần không né tránh, không nể nang

Nhiệm kỳ qua, nhất là nửa đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ TP Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật Đảng nói riêng. Bên cạnh đó, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh nhiều vấn đề nổi cộm, phức tạp; ý thức kỷ cương, kỷ luật hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm...

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng.

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và quyết tâm cao, Đảng bộ thành phố đã nghiêm túc khắc phục những sai phạm, khuyết điểm. Công tác KTGS đã được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo KTGS việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Trung ương, Thành ủy, cấp ủy các cấp. Thực hiện gắn việc KTGS của tổ chức Đảng với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ kinh nghiệm và thực tiễn của Đảng bộ trong thời gian qua, nhiệm kỳ 2020-2025, công tác KTGS được Thành ủy Đà Nẵng tập trung vào thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Thực hiện đồng bộ giữa KTGS theo phương châm: “giám sát phải mở rộng” để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa vi phạm, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra vi phạm để kịp thời kết luận, xử lý kiên quyết, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

VŨ LINH (ghi)

-------------------

Đồng chíNGUYỄN NGỌC THIỆN, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Phát huy sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam

Đối với nước ta, các quan điểm, nhận thức, hoạt động về văn hóa trong phát triển đất nước đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, chính sách cụ thể của Nhà nước. Được phát triển từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay, Đảng ta xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện.

Trong giai đoạn tới, xây dựng văn hóa vì sự phát triển bền vững đất nước cần hướng đến những nhiệm vụ cơ bản: Trước hết, xây dựng con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới, đó là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, kỷ cương, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng và phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo điều kiện phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người Việt Nam, để cái tốt sẽ được bảo vệ, nhân lên, cái ác, cái xấu sẽ bị bài trừ, lên án.

Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa của người Việt Nam, vì người Việt Nam, cho người Việt Nam.

LÊ THÀNH (ghi)

-------------------

Đồng chí ĐỖ VIỆT HÀ, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Cán bộ, đảng viên phải tự đặt mình trong kỷ luật của Đảng

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương với 61 đảng bộ trực thuộc và hơn 8 vạn đảng viên. Xác định rõ vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp trong các cơ quan Trung ương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những năm qua, Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Đỗ Việt Hà.

Đồng chí Đỗ Việt Hà.

Nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành các nghị quyết về đổi mới công tác tư tưởng nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị với 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp và 8 nhóm tiêu chí cụ thể.

Để việc nêu gương hiệu quả, thiết thực hơn nữa, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu cần tiếp tục đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, coi đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. Cán bộ, đảng viên phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải là những người đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Thường xuyên, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, dũng cảm tự phê bình và phê bình. Đi kèm với đó là kiên quyết chống những hành vi “nói không đi đôi với làm” hoặc “nói một đằng làm một nẻo”.

MINH NGUYỄN (ghi)

-------------------

Đồng chí LÊ QUANG MẠNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ:

Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ vùng

Để thể hiện rõ vai trò trung tâm của TP Cần Thơ trong vùng Đồng bằng sông cửu long, thành phố phải tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động khoa học-công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy đồng bộ giữa nghiên cứu, phát triển KH-CN và nhu cầu ứng dụng KH-CN vào sản xuất của doanh nghiệp và người nông dân.

Đồng chí Lê Quang Mạnh.

Đồng chí Lê Quang Mạnh.

Khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao về nông nghiệp cho các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học và các đơn vị khoa học của thành phố; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động KH-CN.

Đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường KH-CN thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian, như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ... nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, của người nông dân. Phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu hệ sinh thái KH-CN bằng các chương trình, giải pháp bền vững, bài bản không chỉ trong phạm vi không gian của TP Cần Thơ mà là một hệ sinh thái KH-CN chung của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

THÀNH MINH (ghi)

-------------------

Đồng chí ĐỖ VĂN CHIẾN,Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:

3 bài học để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

Những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) đã có bước phát triển mới; đời sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Từ thực tiễn công tác giai đoạn 2016-2020, rút ra 3 bài học kinh nghiệm trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và MN.

 Đồng chí Đỗ Văn Chiến.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến.

Trước hết, phải kiên định, kiên trì thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; chăm lo công tác dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.

Hai là, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào DTTS và MN; kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào; tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững. Chú trọng củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; phát triển đảng viên, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS.

MINH ANH (ghi)

-------------------

Đồng chí BÙI THANH SƠN, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao:

Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định

Giai đoạn sắp tới được dự báo với những thay đổi sâu sắc mang tính bước ngoặt, đem lại cả cơ hội và thách thức với đất nước ta. Điều này đòi hỏi đối ngoại phải nâng cao hơn nữa năng lực, tính nhạy bén, tốc độ, linh hoạt và khả năng phối hợp liên ngành trong triển khai nhiệm vụ; phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; kiến tạo mọi điều kiện, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội để phục vụ sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế của đất nước.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn.

Để làm được như vậy, chúng tôi cho rằng, cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; chủ động đề xuất các sáng kiến thiết thực, phù hợp với khả năng, lợi ích của đất nước và quan tâm của cộng đồng quốc tế. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và sáng tạo hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; tích cực nắm bắt các cơ hội to lớn về khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh... Đối ngoại cần kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Chủ động phòng ngừa và hóa giải các nguy cơ an ninh thông qua thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và thượng tôn pháp luật. Đối ngoại góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với các danh hiệu và di sản thế giới được UNESCO công nhận; thu hút đầu tư, du lịch, giao thương, thúc đẩy phát triển bền vững...

Để triển khai thành công những nhiệm vụ trên, cần tập trung xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, trong đó trọng tâm là phát triển đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chuyên môn, thông thạo kỹ năng, sáng tạo và năng động thích ứng với tình hình.

TUẤN KIỆT (ghi)

-------------------

Đồng chí LÊ HỒNG QUANG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao

Sớm ban hành nghị quyết về chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn mới

Kế thừa những kết quả đạt được trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013..., chúng tôi cho rằng, cần thiết phải xây dựng và ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược CCTP mới trong giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045 làm cơ sở về chính trị, quyết tâm đổi mới của Đảng trong lĩnh vực tư pháp.

Đồng chí Lê Hồng Quang.

Đồng chí Lê Hồng Quang.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ CCTP giai đoạn sau năm 2020 cần kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp. CCTP vì sự phát triển của đất nước và xác định CCTP là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo; là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ, giữ vững, phát huy thành tựu phát triển của đất nước thời gian qua. Tập trung xây dựng nền tư pháp vì nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm tôn chỉ, mục đích hoạt động. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng bảo đảm trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đúng như bản chất “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của nền tư pháp nước nhà. Coi đây là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của CCTP.

Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp. Hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm các điều kiện về pháp lý và thực tế để người dân thực hiện đầy đủ, toàn diện các quyền của mình trong tố tụng; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp.

ĐÔNG HẢI (lược ghi)

-------------------

Đồng chí TRẦN ĐỨC QUẬN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng:

Đưa nông sản tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, trong đó có nông sản Lâm Đồng. Tuy nhiên, việc vượt qua các rào cản kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường này sẽ là những thách thức không nhỏ. Trong giai đoạn tới, Lâm Đồng tập trung triển khai kiểm soát phát triển chất lượng nông sản và nông sản chế biến; lấy thị trường làm trọng tâm để tổ chức sản xuất, thiết kế và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới. Tiếp tục quảng bá và phát triển thương hiệu; gắn kết nông nghiệp, công nghiệp chế biến với xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu là một chủ trương xuyên suốt giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Trần Đức Quận.

Đồng chí Trần Đức Quận.

Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện và hiện đại, xây dựng tỉnh Lâm Đồng thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển lĩnh vực nông nghiệp là một trong 4 khâu đột phá, trong đó tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ sản xuất, mở đường cho sản xuất phát triển, đặc biệt là tạo sự hợp tác và liên kết sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung tổ chức lại các mô hình hợp tác một cách phù hợp, hiệu quả để tạo sự liên kết từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra động lực mới.

MỸ LINH (lược ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/y-kien-tam-huyet-voi-dang/ro-trach-nhiem-quyet-tam-thuc-hien-muc-tieu-dinh-huong-phat-trien-dat-nuoc-651279