Rộ phong trào Calexit sau khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ

Các phong trào phản đối Trump rầm rộ diễn ra trên khắp nước Mỹ. California muốn trở thành quốc gia độc lập, trong khi các ngôi sao nổi tiếng cho biết sẽ sang quốc gia khác định cư.

Sau khi Donald Trump thắng cuộc đua vào Nhà Trắng, người dân trên toàn tiểu bang California đã cùng nhau kêu gọi khởi động lại phong trào "Calexit - ly khai California" trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội.

Điều này khiến nhiều người lo lắng về viễn cảnh nước Mỹ sẽ đối mặt với những hậu quả tương tự như Brexit hồi giữa năm nay - phong trào đã đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Người dân Oakland California đổ xuống đường phản đối sau khi Donald Trump lên làm tổng thống.

Chủ đề Calexit tiếp tục gia tăng chóng mặt trên Twitter. Những người ủng hộ đã cùng nhau tụ họp ở thủ phủ Sacramento và chuẩn bị xuống đường trong ngày hôm nay.

Các nhóm phụ trách của "chiến dịch California độc lập" đã được kiện toàn từ rất lâu trước khi chiến thắng bất ngờ của ông Trump diễn ra. Mục đích của nhóm này hướng tới là một cuộc trưng cầu vào năm 2019 để giúp California trở thành quốc gia độc lập.

Không còn là một phong trào tự phát, Calexit đang ngày càng có thêm người ủng hộ, đặc biệt là từ các mạnh thường quân.

Shervin Pishevar, một nhà đầu tư nổi tiếng, người đã rót vốn vào Uber, cho biết trên Twitter rằng ông sẽ tài trợ cho một chiến dịch vận động California trở thành quốc gia mới nếu như Trump thắng trong cuộc bầu cử năm nay.

Với con số GDP quy đổi tương đương với nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, Pishevar mong muốn California có thể trở thành chất xúc tác cho một "cuộc đối thoại quốc gia" một khi mọi thứ đã vượt quá sức chịu đựng của người dân.

Biểu tình phản đối Trump ở nhiều thành phố lớn nước Mỹ

Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử vào đêm 8/11, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở rất nhiều nơi trên nước Mỹ bao gồm ở các bang và thành phố ủng hộ đảng Dân chủ như New York, California, Chicago, Philadelphia, San Francisco, Los Angeles, Oakland, Seattle và Washington DC.

Ở New York, đám đông đi thành từng đoàn cầm những khẩu hiệu như "Không phải tổng thống của chúng tôi", "Ủng hộ Trump là ủng hộ sự thù hận" tiến đến tòa tháp Trump và gây nên cảnh hỗn loạn tại đây. Cảnh sát đã tiến hành bắt giữ một số cá nhân quá khích gây ẩu đả tại đây. Cho đến hiện tại làn sóng tuần hành phản đối vẫn chưa chấm dứt.

Biểu tình phản đối Trump ở nhiều thành phố trên nước Mỹ.

Phần lớn những người này không đồng tình với chính sách thắt chặt nhập cư cùng các phát ngôn bị cho là phân biệt chủng tộc và giới tính của vị tân tổng thống.

Trong một diễn biến khác, theo chia sẻ của nhiều người dùng mạng xã hội, trang web thông tin nhập cư của chính phủ Canada đã không thể truy cập do quá tải.

Trong khi đó, số lượng người tìm kiếm từ khóa "định cư ở Canada" trên Google bất ngờ tăng chóng mặt ngay sau khi Trump trở thành tân Tổng thống nước Mỹ.

Sự việc kì quặc này được lý giải từ việc trước đó rất nhiều người nổi tiếng tại Mỹ không thích Trump đã nói rằng họ sẽ di cư đến sống tại nước láng giềng Canada hoặc châu Âu ngay khi bà Clinton không đắc cử.

Nam ca sĩ Ne Yo cho biết anh có thể sẽ chuyển đến làm hàng xóm của Drake - rapper người Canada nổi tiếng, ngay sau khi bà Clinton thua cuộc.

Nữ diễn viên Lena Dunham và diễn viên Bryan Cranston của loạt phim Breaking Bad khẳng định sẽ đến Vancouver nếu ông Trump giành chiến thắng. "Tôi sẽ ra đi nếu chuyện đó xảy ra nhưng tôi vẫn mong nó không xảy ra, cầu Chúa giúp cho mọi chuyện bình yên" - Bryan Cranston viết.

Còn diễn viên hài Chelsea Handler thì nói rằng cô sẽ đến Tây Ban Nha. "Tôi có thể chuyển đến đó hoặc một nơi nào khác. Tôi vẫn không nghĩ rằng Donald Trump sẽ thắng vì điều đó quá điên rồ".

Huyền thoại âm nhạc Cher thậm chí còn viết trên Twitter rằng cô sẽ chuyển đến "sao Hỏa" để sống nếu Donald Trump đắc cử.

Trong khi đó ngôi sao ca nhạc đình đám Miley Cyrus đã khóc như mưa sau khi nghe tin nhà tỷ phú trở thành tân tổng thống. Trước đó cô đã mạnh miệng tuyên bố sẽ rời Mỹ nếu Donald Trump thắng cử.

Lady Gaga - ngôi sao ủng hộ nhiệt tình cho bà Hillary Clinton thậm chí còn lái xe đến thẳng tòa tháp Trump để phản đối.

Ca sĩ Lady Gaga cầm khẩu hiệu phản đối ông Trump ở New York.

Các nhà lãnh đạo quốc tế phản ứng thận trọng

Trong khi đó phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới trước tin nhà tỷ phú đắc cử cũng có sự e dè nhất định, đặc biệt khi các quốc gia đồng minh của Mỹ lại tỏ ra hết sức thận trọng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chúc mừng đến tổng thống mới của nước Mỹ và cho biết ông sẵn sàng khôi phục lại quan hệ với Mỹ trong nhiệm kỳ của Donald Trump tới đây. Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng chúc mừng chiến thắng của ông Trump.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết ông Tập Cận Bình đã gửi điện mừng đến vị tân lãnh đạo và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với chính phủ mới nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Đặc biệt hơn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - người thường được so sánh với cái tên Donald Trump của châu Á đã gửi lời “chúc mừng nồng nhiệt” tới vị tổng thống mới của nước Mỹ. Trước đó quan hệ của ông với chính quyền Obama đã trở nên bất ổn sau một số sự kiện gần đây.

Ngược lại, trong thông điệp của mình, Thủ tướng Anh Theresa May không nói nhiều về nhà tỷ phú mà chỉ tập trung vào “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước. Bà cũng hy vọng chính quyền mới sẽ tiếp nối các giá trị chung, bao gồm “tự do, dân chủ và kinh doanh”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gửi đến tân tổng thống của nước Mỹ lời chúc mừng nồng nhiệt.

Trong khi đó Tổng thống Pháp Francois Hollande bày tỏ lo ngại rằng chiến thắng của ông Trump “sẽ mở ra một thời kỳ bất ổn”. Trước đó nhà lãnh đạo nước Pháp là nhân vật phản đối kịch liệt Brexit - phong trào khiến Liên minh châu Âu chia rẽ, trong khi Trump lại hết sức ủng hộ điều này.

Còn đối với Mexico, Tổng thống Enrique Pena Nieto có lẽ là người sẽ cảm thấy không vui nhất trước chiến thắng của vị tân tổng thống nước Mỹ. Ông cũng không gửi lời chúc mừng chiến thắng nào tới Trump. Thay vào đó Tổng thống Nieto chỉ chúc mừng "tiến trình bầu cử Mỹ" đã thành công và hy vọng hợp tác hai nước sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Chính sách bị chỉ trích và gây tranh cãi nhiều nhất trong chiến dịch vận động tranh cử của nhà tài phiệt New York trước kia là việc ông đề xuất xây dựng bức tường ở biên giới Mexico để ngăn chặn người vượt biên và tội phạm ma túy vào nước Mỹ. Tuy nhiên Trump lại bắt chính Mexico phải trả chi phí xây dựng bức tường này.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ro-phong-trao-calexit-sau-khi-donald-trump-tro-thanh-tong-thong-my-a305926.html