Rộ mốt “cởi đồ”: Cần gì lý do để cởi

Trong tuần, thấy mấy báo mạng đăng tin nhân Giáng sinh, mấy “kiều nữ” như Ngọc Trinh, Elly Trần… vốn đi lên từ “vòng một” lại khoe, lại cởi. Khổ quá, sao cứ phải vin vào Giáng sinh mà cởi, ngày thường đã chả khoe hết ra rồi đấy thôi. Mà cũng lạ, thời buổi thật giả lẫn lộn, mấy hôm rày, lại có ông báo mạng “điều tra” ra chuyện độn vòng 3 của mấy nàng, kể cả cái cô An tây (Andrea) nữa. Tưởng chỉ ta giỏi “phồn vinh giả tạo”, hóa ra mấy em Tây cũng giỏi mấy “chiêu” này lắm.

Chợt nhớ chuyện Thái Nhã Vân “nude để thiền” nhìn trên mạng lung linh lắm, nhưng gặp ngoài lại thấy “xương xẩu”. Té ra công nghệ “photoshop” đánh lừa mắt bà con hết cả. Cứ tin vào mạng, có ngày bị lừa “vỡ mặt”.

Mà nghĩ cũng lạ, các cụ nhà ta bảo “một cái lạ bằng tạ cái quen”. Thế nên cứ thấy “gái lạ” là nhiều anh cứ háo hức thái quá. Chứ nói như một ông dày dạn kinh nghiệm bảo “cởi ra rồi muốn mặc vào như không!”. Thời buổi đồ giả lên ngôi “tàn bạo”, thì việc “cấm sờ (chỉ ngắm) hiện vật” đang là “slogan”. Vì động vào là đau, là thấy ngay “giả”.

Nhưng đúng là lòng tham con người là cái khó diệt trừ nhất. Ở đây là mắt “tham”. Dĩ nhiên là còn tay “tham”, chân “tham” và nhiều thứ “tham” khác.

Vì mắt “tham” có vẻ vô hại, lại “tham” nhiều lần. Mắt tham cộng thêm với trí tưởng tượng (hay tưởng bở) hơi bay bổng quá, nên càng nhìn càng sướng, càng tham, càng thỏa mãn kiểu AQ. Chứ nhìn mãi một thân hình dù đẹp mãi cũng phải chán nhất là khi trên cổ là một gương mặt búp bê. Thậm chí một anh bạn tôi vốn nói thẳng nói thật dù hơi thô bảo rằng, dù có chiếm được mấy nàng “kiều nữ” cũng chả sướng, vì họ “chảnh” lắm, chả chiều chuộng, hầu hạ hết mình như mấy em “gà quê” đâu.

Hơn nữa “gà quê” chạy nhiều, nhất là “gà đồi” lại chắc, khỏe, và quan trọng nhất là của thật, khỏi lăn tăn.

Nhưng đại gia cười, bảo bạn tôi cũng là AQ, nói sướng mồm để thỏa mãn cái miệng, chứ được khoác vai một người đẹp mà 3/4 số đàn ông Việt chả sướng lắm ru.

Vâng, ai nói cũng có lý cả. Và các “kiều nữ” biết rõ lòng dạ đại gia hơn bao giờ hết, nên cũng phải tranh thủ “lộng giả thành chân” tranh thủ chạy đua với thời gian để cởi, để khoe vì biết rẳng sẽ có một ngày, cởi ra sẽ thành phô, thành lố bịch. Lúc đó thì câu nói của một nhân vật hảo hán trong truyện của Cổ Long sẽ lại là phép màu nhiệm: Người phải nhớ, một trăm cô xinh đẹp đã chết cũng không bằng một mụ nhà quê còn sống!”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/ro-mot-coi-do-can-gi-ly-do-de-coi-170132.bld