Rèn kỹ năng tự học cho trẻ

Chị Nguyễn Trúc Miên (chung cư 54 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) luôn cố gắng cơm nước sớm cho gia đình, dành thời gian buổi tối kèm bé Linh Anh, đang học lớp 4, học bài. Linh Anh là học sinh giỏi trong suốt các năm học, nhưng chị Miên nhận thấy nếu bố mẹ cứ để con mình tự học, không kèm thường xuyên là bé ngay lập tức có dấu hiệu sa sút. Và lúc đó cô giáo chủ nhiệm đã phải nhắn riêng cho phụ huynh phàn nàn về vấn đề học tập của con.

Tình cảnh của chị Miên, 35 tuổi, kỹ sư tin học, cũng là hiện trạng chung mà nhiều bậc cha mẹ đang gặp phải. “Cháu thông minh, tiếp thu nhanh, nhưng đó là khi có cha mẹ kèm cặp thường xuyên” - chị Miên nói và cho rằng: “Nếu để tự học thì cháu rất dễ bị phân tâm bởi các thứ khác. Tôi chưa biết làm cách nào để nâng cao khả năng tự học cho cháu, điều mà tôi hiểu là hết sức quan trọng”.

Theo nhóm nghiên cứu ở Khoa Tâm lý - Giáo dục Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, kỹ năng tự học có thể được phân thành 4 nhóm, đó là nhóm kỹ năng định hướng, nhóm kỹ năng thiết kế (lập kế hoạch), nhóm kỹ năng thực hiện kế hoạch và nhóm kỹ năng kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Tự học được nhiều người cho là con đường đi tới mọi thành công trong cuộc sống. Tự học giúp mỗi người chủ động tìm hiểu, thu thập kiến thức, tự làm giàu kho kiến thức của mình. Tự học lúc còn học phổ thông sẽ là tiền đề tốt cho việc tự học ở bậc đại học, sau ĐH sau này.

Tuy nhiên, kỹ năng tự học của học sinh Việt Nam chưa cao là điều mà nhiều chuyên gia giáo dục đã đề cập bấy lâu nay. Nguyên nhân được cho là liên quan đến các yếu tố phương pháp giảng dạy, chương trình học, môi trường và điều kiện học tập, sự tác động của mạng xã hội và các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại…), sự thiếu động lực và thói quen tự học…

Một khảo sát thực hiện đối với học sinh lớp 5 tại các trường tiểu học ở Thủ Đức, TPHCM cho thấy mặc dù việc rèn kỹ năng tự học cho học sinh được giáo viên và nhà trường thực hiện ở mức “thường xuyên”, tuy nhiên các hoạt động “thường xuyên” lại chủ yếu diễn ra trên lớp, nơi học sinh có thầy cô giám sát. Trong khi đó, các kỹ năng tự học tại nhà như “kỹ năng lập kế hoạch học tập”,”kỹ năng đọc sách và tra cứu tài liệu”, “kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng”… được thực hiện ở mức “ít thường xuyên”. Các nhà khảo sát đi đến nhận định giáo viên chưa chú trọng việc rèn kỹ năng tự học tại nhà cho học sinh.

Theo một số chuyên gia, việc thiếu kỹ năng tự học ở học sinh có nhiều nguyên nhân. Một nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận định hệ thống giáo dục hiện nay chủ yếu tập trung vào việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, ít chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng tự học. Phần lớn học sinh quen với việc tiếp thu kiến thức thụ động, thiếu chủ động trong việc học tập.

Trong khi đó, chương trình học hiện hành còn nặng về lý thuyết, ít có cơ hội cho học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế. Điều này khiến học sinh nản lòng và thiếu động lực học tập. Nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh ở vùng sâu vùng xa, thiếu thốn về sách vở, tài liệu học tập và môi trường học tập yên tĩnh.

“Tôi sẵn sàng dành thời gian cho con, sẵn sàng phối hợp với nhà trường, nhưng điều các bậc cha mẹ cần là ngành giáo dục, các nhà trường có biện pháp nâng cao kỹ năng tự học tập cho học sin và đó mới là cách dạy, cách học bền vững nhất” - chị Miên nói.

Điều chị Miên muốn cũng là mong muốn của nhiều bậc làm cha làm mẹ khác. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học. Khi học sinh biết tự học, biết tìm niềm vui trong học tập, chủ động bồi bổ kiến thức cho bản thân thì đó là thành công lớn của tiến trình giáo dục.

A.Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ren-ky-nang-tu-hoc-cho-tre-10279123.html