Rèn kĩ năng đặt câu, dựng đoạn khi làm văn miêu tả

Việc sắp xếp ngôn ngữ trong bài văn miêu tả thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của mỗi học sinh. Câu văn không chỉ đúng nội dung, đúng ngữ pháp mà còn phải hay và độc đáo, phải có sự biến hóa linh hoạt.

Rèn kĩ năng đặt câu, viết câu linh hoạt

Để rèn học sinh (HS) kĩ năng đặt câu, viết câu linh hoạt, cô Tống Thị Lan Anh - Giáo viên Trường THCS Đồng Giao (Ninh Bình) - thường lưu ý HS lựa chọn kiểu câu phù hợp với hoàn cảnh, với tình huống, với nội dung miêu tả và cả cảm xúc của các em.

Có thể đan xen câu bình thường và câu đặc biệt, câu đơn với câu phức, câu dài với câu ngắn... và cũng có thể dùng kiểu câu đảo ngữ để gây ấn tượng cho người đọc.

Ví dụ: Tả đồng quê thanh bình yên ả, học sinh có thể dùng câu dài như: Cánh đồng trải xa tít tắp, mênh mông với sóng lúa lăn tăn, gợn nhẹ, đuổi nhau chảy dài đến tận chân trời.

Tả hoa phượng, dùng câu đảo ngữ như: Trên cành cây, lác đác xuất hiện những bông hoa phượng đầu mùa.

Cô Lan Anh cho biết: Dựng đoạn văn chính là cách sắp xếp các lời văn diễn đạt sao cho hợp lý, logic, chặt chẽ, mạch lạc. Học sinh thường rất lúng túng không biết tả cảnh cụ thể là tả cảnh gì, tả như thế nào, theo trình tự từ đâu?...

Các em thường sa vào kể lể, liệt kê cảnh một cách tràn lan, không làm nổi bật được những đặc trưng của cảnh và càng không tạo được ấn tượng cho người đọc về cảnh.

Khắc phục khó khăn này, cô Lan Anh chia sẻ: Trước hết tôi hướng HS hình dung mỗi một cảnh nhỏ sẽ viết thành một đoạn văn trọn vẹn. Đoạn văn đó sẽ được trình bày theo trình tự từ khái quát cụ thể. Câu đầu đoạn bao giờ cũng là câu miêu tả khái quát cảnh đó.

Trong quá trình miêu tả, lưu ý HS chọn trình tự miêu tả phù hợp với vị trí quan sát kết hợp lời văn so sánh, lời văn nhận xét, đánh giá và sự liên tưởng tưởng tượng phong phú.

Ý câu trước với câu sau logic với nhau tạo liên kết về mặt nghĩa. Những câu cuối đoạn thường là những câu có ý nghĩa sâu sắc, làm đậm nét cho bức tranh thiên nhiên vì vậy tôi hướng dẫn HS biết dành những lời văn nổi bật hơn vào cuối đoạn.

Theo cách hướng dẫn trên, giáo viên tổ chức cho HS hoạt động cá nhân với yêu cầu HS viết sáng tạo với các mức độ khác nhau: Luyện viết thành nhiều đoạn cho nhiều cảnh.

Để hiệu quả hơn, có thể cho chủ đề và yêu cầu HS viết đoạn theo các chủ đề đó, hoặc viết trước một câu văn miêu tả khái quát sau đó cho học ính vận dụng các kĩ năng để tạo ra những đoạn văn miêu tả mang phong cách riêng của mỗi em.

Rèn kĩ năng viết lời văn chuyển cảnh, liên kết đoạn khi làm bài

Lời văn chuyển cảnh không nhiều nhưng có tác dụng rất lớn trong việc liên kết, liên hoàn mạch văn, nó đánh giá trình độ khéo léo của các em khi miêu tả cảnh. Cô Lan Anh “mách nhỏ” học sinh những thủ thuật chuyển cảnh như sau:

Các cảnh nhỏ được nối tiếp nhau một cách tự nhiên theo mô típ liên cảnh (cảnh kề gần nhau theo tầm quan sát). Ví dụ: Chỉ một lát con đường đã dẫn ra tới đầu làng. Cây đa ... giếng nước, sân đình...

Chuyển cảnh nhờ những hình ảnh trung gian. Ví dụ: Bờ đê cao to vạm vỡ. Chân đê cỏ mọc thành thảm xanh tốt. Trâu bò thung thăng gặm cỏ, vểnh đôi tai nghe tiếng sáo trở về.

Âm thanh ấy lúc trầm lúc bổng, hòa nhịp với tiếng chim họa mi lảnh lót rắc đều xuống mặt sông. Con sông quê tôi nằm uốn khúc giữa làng rồi chạy dài bất tận”…

Hướng chuyển cảnh theo gam màu. Ví dụ: Sáng nay ra trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng suộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn lắc lư những quả xoan vàng lịm. Từng chiếc lá mít vàng ối. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng...

Chuyển cảnh bằng cách nối âm thanh với không gian. Ví dụ: Nối âm thanh của sự vật bên bờ sông với không gian vắng của bến sông (lấy động làm nổi tĩnh):

“Sóng vỗ nhẹ hai bên bờ lóc bóc nghe thật vui tai. Trên sông giờ đây có những con thuyền hối hả cập bến, chất đầy cau tươi xoài thơm từ các miền đất lạ mang về. Tiếng người lao xao trong tiếng hạ buồm cót két bên bờ sông quê. Chiều dần buông, bến sông trở về vắng lặng. Những con đò nằm im đợi khách qua sông... ”

Chuyển cảnh bằng cách liên tưởng theo sự quan sát qua các giác quan khác nhau: Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và bằng cả cảm giác nữa.

Ví dụ: Vườn cây lao xao, gió thoảng đâu đây mùi hương quả chín, hương hoa thơm ngọt lịm. Tiếng chim líu lo như đem hương thơm ấy bay cao, cao mãi. Tu hú kêu trong nắng chiều cho rặng vải ven sông chín đỏ, cho cái chua bay đi, miền ngọt còn lại. Hẹn một bến sông quê từng thuyền trái ngọt ra vào. Sông quê tôi…

Với các phương pháp này, giáo viên cho học sinh tập viết, kết hợp với học tập tư liệu để có nhiều cách chuyển cuốn hút.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ren-ki-nang-dat-cau-dung-doan-khi-lam-van-mieu-ta-1600455-v.html