Ray Manzarek về cõi niết bàn: Những cánh cửa đang dần khép lại

42 năm sau sự ra đi đột ngột của thủ lĩnh nhóm rock and roll The Doors lừng danh Jim Morrison, thứ Hai vừa qua, Ray Manzarek,tay keyboard – người đồng sáng lập của ban nhạc huyền thoại đã về cõi niết bàn ở tuổi 74. Những “cánh cửa” đã dần khép lại, nhưng với hàng triệu người, The Doors vẫn hiện diện, bởi đơn giản, âm nhạc của The Door đã trở thành một phần của con người họ.

Sau một thời dài chống chọi với căn bệnh ung thư, tay keyboard đồng sáng lập nên nhóm rock and roll The Doors đã qua đời vào tuần qua tại nước Đức ở tuổi 74.

Năm 1965, nhóm The Doors được thành lập sau khi Manzarek tình cờ gặp Jim Morrison tại bờ biển Venice bang California (Mỹ). Trong vài năm sau đó, nhóm rock huyền thoại đã bán được hơn 100 triệu album trên khắp thế giới, 5 lần đoạt đĩa bạch kim tại thị trường âm nhạc Mỹ.Song thời kỳ huy hoàng của The Doors không tồn tại được lâu sau cái chết bất ngờ của Morrison năm 1971. Đó là thời kỳ khủng hoảng của The Doors, nhưng Manzarek vẫn tiếp tục duy trì di sản mang tên The Doors, vừa soạn nhạc, vừa viết lời -công việc mà lúc sinh thời, Morrison thường đảm trách.

Trong thế giới của rock thập niên 60, ánh hào quang lộng lẫy từ The Beatles, Elvis Presley, Bob Dyland, Jimmy Hendrix…, đã làm lu mờ nhiều nhóm nhạc, không phải bởi họ không hay, mà vì họ chưa đủ vĩ đại. Ngay cả Rolling Stone tội nghiệpcũng từng chịu chung số phận, chỉ bứt lên sau sự tan rã của Beatles. Trong bối cảnh ấy, việc một ban nhạc “nhà quê” ở nam California xuất hiện và bán được 100 triệu albums là điều vô tiền khoáng hậu.

Ở thời điểm đó, và cho đến tận bây giờ, dường như chưa có nhóm rock nào có sáng tác giàu chất thi ca như The Doors. Ở một khía cạnh khác, sau này, khi heavy metal, death metal, thrash, underground… ra đời, cũng không thể vượt qua The Doors về cái sự “điên”. Âm nhạc của The Doors có thể gói trọn trong 1 từ “high”, có thể hiểu được như một sự thăng hoa cảm xúc với sức quyến rũ hơn bất kỳ một loại á phiện nào. Nó rất dễ tóm được mạch cảm xúc của người nghe và đẩy họ tới trạng thái “high”. Thử một lần với The End, Light my fire, Beak on through, Riding on the storm, Love her madly… để chiêm nghiệm điều này.

Thời điểm những thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ trước, The Doors từng được coi như một thứ “thuốc phiện” đối với thanh niên Mỹ và châu Âu. Vào thời kỳ đó, báo chí, phê bình thường xuyên có các bài viết về ban nhạc kỳ lạ này, đặc biệt tốn rất nhiều giấy mực cho bản hit “Light my fire” (Thắp lửa trong em), một bản nhạc lạ lùng, có thể lôi tuột bất kỳ ai và ném họ vào ngọn lửa của tình yêu, một thứ tình cuồng si, không chỉ đơn thuần về các mối quan hệ luyến ái, mà còn là nỗi khát khao tự do, cơn cuồng phẫn chiến tranh, hay sự tôn sùng đối với chủ nghĩa thiên nhiên.

Năm 1979, đạo diễn phim chiến tranh nổi tiếng Oliver Stone đã sử dụng âm nhạc của The Doors cho bộ phim Appocalyspe now, một trong những bộ phim đáng xem nhất về đề tài chiến tranh Việt Nam. Appocaluspe now mở màn với hình ảnh một căn phòng ngột ngạt giữa Sài Gòn, với ánh nắng chiều vàng vọt xiên qua khe cưảhắt bóng lên chiếc quạt trần khiến người xem liên tưởng đến cánh quạt của một chiếc trực thăng chiến đấu. Tất cả diễn ra chậm chạp và uể oải trong nền nhạc The Endám ảnh. Sau này, Oliver Stone còn dựng cả một bộ phim truyện có tên Jim Morrison về thủ lĩnh của The Doors để giải mã tài năng, sự thăng hoa, nỗi bế tắc và cái chết của con người kỳ lạ nà.

Là một trong không nhiều tay keyboard thành công với rock and roll, Manzarek được người yêu nhạc biết đến và nhớ đến với lối chơi nhạc cực kỳ biến ảo, điều làm nên bản sắc trong âm nhạc của The Doors. Vào thời kỳ đó, keyboard mang âm thanh đặc trưng và nó là một nhạc cụ độc lập, mỗi khi xuất hiện trong các bản phối của hard rock, nó thường mang tới cảm giác về sự ma mị, hoang đàng mà sau này không còn tồn tại, bởi theo thời gian, keyboard bị biến thành một thứ dụng cụ nhại lại âm thanh của các nhạc cụ khác một cách ngớ ngẩn, thất bại và vô hồn.

Vẫn biết hữu sinh, hữu tử là quy luật của trời đất, song sự ra đi của Manzazek vẫn mang đến một nỗi buồn lớn cho giới mộ điệu, nhất là những người từng trải qua những năm tháng đầy ý nghĩa với bao biến động của thập niên 60, 70 thế kỷ trước.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/ray-manzarek-ve-coi-niet-ban-nhung-canh-cua-dang-dan-khep-lai