Rau dớn

Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.

Rau dớn thuộc họ dương xỉ, mọc hoang tại các bờ suối, khe đá nơi râm mát, ẩm ướt. Vào mùa nắng nóng, rau dớn bị chết đi khá nhiều bởi thiếu nước, nhưng khi gặp mưa thì phát triển mạnh, mọc lên từng đám non mơn mởn. Dân làng cứ đến hái hàng rổ mang về. Ngày trước, nhà tôi lưng tựa bên vách núi, mặt hướng ra sông. Những bờ rau dớn mọc theo khe nước là món ăn thường ngày của các gia đình quanh núi. Rau dớn hái về, mẹ tôi thường chọn những cọng non, chuốt bớt lông măng, bẻ ra từng khúc, rửa sạch rồi đem luộc với nhúm muối. Chỉ một lát là đã có món rau luộc chấm với tương bần.

Tôi nhớ nhất là món canh rau dớn nấu với cá lóc. Một buổi sáng của năm 1966, khi mặt trời xòe rẻ quạt hừng đông, cha tôi dậy sớm vào khe suối thăm câu. Lúc về, ông xách một xâu cá lóc với bó rau dớn. Về đến nhà, mẹ tôi đã chuẩn bị bữa sáng cùng với nồi canh cá lóc.

Những chú cá lóc bằng cườm tay được mẹ tôi làm sạch và cuộn lại bỏ vào nồi chờ nước sôi lên. Những cọng rau dớn cắt khúc được mẹ tôi để sẵn, khi cá gần chín bỏ vào nấu thêm một lát, nêm nếm gia vị rồi tắt bếp. Mùi cá quyện với mùi rau dớn bay lên thơm nức. Mâm cơm được dọn ra dưới mái hiên nhà bếp. Tôi là con út nên mẹ lúc nào cũng dành cho bộ lòng, chùm trứng nhỏ xíu và lưng cá trắng nõn.

Mâm cơm đang đầy ắp yêu thương thì bỗng từ xa tiếng rú đạn ca nông của Mỹ bắn dữ dội như xé trời vào các khe suối, kèm theo là tiếng nổ và đám khói bụi cuộn lên. Cả nhà hoảng hốt, miếng cá lóc, cọng rau dớn tôi chưa kịp ăn, mẹ vội nắm tay tôi kéo xuống hầm trú ẩn. Còn cha tôi chốc chốc lại ló đầu lên khỏi miệng hầm ngó chừng nghe ngóng rồi buột miệng: “Bọn Mỹ bắn để dọn đường đổ quân. Rồi lại bị càn quét, khổ lắm đây”. Vừa dứt lời thì tiếng ca nông rít ào ào trên mái nhà, một tiếng nổ long trời, bụi đất tung lên mù mịt, hầm kèo trú ẩn của nhà tôi bị sức ép của đạn đổ bụi đất xuống mù mịt. Tôi ngồi co ro trong lòng mẹ, ngoại thì luôn miệng niệm Phật, ba tôi ngồi gần miệng hầm phủ đất cát tràn vào, mặt mày lem luốc. Ông ngoại quay vào hỏi mẹ con có sao không mà tay ông cứ ôm khư khư tay còn lại, mặt nhăn nhó. Một vệt máu đỏ lẫn đất cát chảy trên cánh tay.

Mẹ bất chấp nguy hiểm, lao vào nhà vơ vội mớ rau dớn còn lại trong rổ và bứt vội nắm lá bông bay đưa chung vào miệng nhai ngấu nghiến đắp vội vết thương cho cha rồi xé cánh tay áo của mẹ băng lại. Gần trưa, cả nhà tôi bước lên khỏi miệng hầm. Căn nhà tranh chỉ còn lại một chỏm nóc, vách tre tranh ngã đổ ập lên mâm cơm.

Mấy chục năm ở An Khê, tôi thường dạo các bờ suối bờ khe để tìm rau dớn. Sau năm 1967, xăng dầu đổ tràn lòng suối làm cho cây dớn không còn thấy nữa. Sau ngày giải phóng, tôi vào công tác ở công trường thủy lợi Đăk Ta Kân (xã Lơ Ku, huyện Kbang), thấy rau dớn mọc theo khe suối rất nhiều. Hầu như rau dớn là món ăn thường ngày của anh em chỉ huy kỹ thuật chúng tôi. Cũng món canh rau dớn nấu cá lóc, rau dớn luộc, rau dớn xào hành tỏi, rau dớn nấu măng. Tôi ăn riết đâm ghiền.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều lúc, tôi lại nghĩ về những món ăn nhiều kỷ niệm ấy. Nay bỗng nhiên lại thấy những bó rau dớn nơi chợ quê mà tưởng chừng như tôi gặp lại cha mẹ, ông bà, gặp lại đồng nghiệp của những tháng ngày gian khổ lẫn buồn vui nơi công tác.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/rau-don-post273837.html