Rào cản cuối cùng ngăn Ukraine nhận tiêm kích JAS 39 Gripen đã được dỡ bỏ

Với việc Thụy Điển có tư cách thành viên NATO, dự báo Ukraine sẽ sớm được nhận tiêm kích JAS 39 Gripen.

Thụy Điển từng khẳng định sẵn sàng cung cấp tiêm kích JAS 39 Gripen cho Ukraine, nhưng với điều kiện tiên quyết là quốc gia này có tư cách thành viên NATO.

Và mới đây Stockholm đã vượt qua trở ngại cuối cùng trên con đường trở thành thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, khi Quốc hội Hungary đã phê chuẩn đơn đăng ký của nước này với số phiếu áp đảo.

Trước đó, Thụy Điển với sự giúp đỡ của Mỹ đã vượt qua được "rào cản" từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới tuần trước, quốc gia Scandinavia này đã đồng ý bán máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen cho Budapest, sau đó Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng ông sẽ chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập liên minh.

Stockholm đã nộp đơn đăng ký gia nhập NATO đồng thời với Helsinki vào tháng 5/2022. Tháng 4 năm ngoái, Phần Lan được kết nạp vào khối, trong khi Thụy Điển phải vượt qua một số trở ngại. Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã chúc mừng thành viên mới được chấp nhận vào NATO.

Không chỉ riêng Hungary nhận được tiêm kích JAS 39 Gripen từ Thụy Điển, việc kết nạp quốc gia này vào NATO còn giúp cho Ukraine có cơ hội tiếp cận dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ nổi tiếng trên.

Giám đốc Tiếp thị của Tập đoàn Saab - ông Mikael Franzen trong cuộc trò chuyện với tờ Defense News đã đưa ra một lời phát biểu rất đáng chú ý:

"Chúng tôi hy vọng rằng nếu quyết định được chính phủ Thụy Điển chấp thuận, thì việc gửi máy bay JAS 39 Gripen đến Ukraine sẽ là một quá trình khá nhanh chóng. Hiện tại, chúng tôi đang đi đúng hướng".

Cần nhắc lại, một trong những điều kiện tiên quyết mà Stockholm đưa ra chính là việc Thụy Điển được gia nhập NATO, với diễn biến mới nhất, rào cản cuối cùng đã được gỡ bỏ.

Bên cạnh đó, ấn phẩm Defense News lưu ý, đại diện của Saab đã xác nhận thông tin về việc từ năm ngoái, các phi công thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine đã được huấn luyện làm quen tiêm kích Gripen trên đất Thụy Điển.

Quá trình này bao gồm đào tạo trên trình mô phỏng và các chuyến bay thực tế trực tiếp trên chiến đấu cơ. Đây được xem là một bước đi tích cực hướng tới việc chuyển giao dòng tiêm kích nói trên cho Ukraine.

Như cựu phi công Gripen và hiện đang là cố vấn hoạt động hàng không của Saab - ông Jussi Halmetoyi lưu ý, để phi công thuần thục một số nhiệm vụ cơ bản trên chiếc máy bay này, đặc biệt là sử dụng vũ khí không đối không, sẽ yêu cầu khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng.

Nhưng có lẽ quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu chúng ta nhớ lại ví dụ về F-16, khi Mỹ quyết định tăng thời gian đào tạo phi công Ukraine để họ đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tốt nhất có thể.

Ông Halmetoyi nhấn mạnh: “Một trong những vấn đề có thể dễ dàng khắc phục là rào cản ngôn ngữ, nhưng dạy họ cách bảo dưỡng máy bay, cách sử dụng vũ khí cũng như chiến thuật, phương pháp và quy trình đúng đắn, còn khó khăn hơn nhiều”.

Trong trường hợp Ukraine nhận tiêm kích Gripen, đây sẽ là thông tin không vui đối với Nga bởi chiến đấu cơ do Thụy Điển sản xuất được đánh giá có mức độ linh hoạt cao hơn nhiều, không đòi hỏi phải cung cấp hạ tầng phức tạp, do vậy rất khó nắm bắt.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/rao-can-cuoi-cung-ngan-ukraine-nhan-tiem-kich-jas-39-gripen-da-duoc-do-bo-post568192.antd