'Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau'

Gần 3 năm trôi qua, tiếng còi xe cứu thương, tiếng khóc xé lòng cả khu rừng của người nhà nạn nhân trong vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3, hình ảnh người dân bỏ việc gia đình tự nguyện 'dựng bếp' giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn vẫn luôn là ký ức không bao giờ quên của phóng viên mỗi khi mùa lũ về.

Nóng lòng vượt lũ chờ tin

Thừa Thiên Huế những ngày đầu tháng 10 năm 2020, trời mưa như trút nước. Trên các bản tin thông báo của cơ quan chức năng luôn xuất hiện cụm từ "mưa to đến rất to" để cảnh báo người dân sẵn sàng tinh thần ứng phó với thiên tai đang rình rập giáng xuống. Những con sông, tuyến đường, đồng ruộng nước trắng xóa không rõ lằn ranh.

Trong sự việc ở Rào Trăng năm ấy, rất nhiều nhà báo, phóng viên đã bám hiện trường nhiều ngày để chuyển tải thông tin tới bạn đọc.

Trong sự việc ở Rào Trăng năm ấy, rất nhiều nhà báo, phóng viên đã bám hiện trường nhiều ngày để chuyển tải thông tin tới bạn đọc.

Sau nhiều bản tin và hình ảnh về cuộc sống người dân Thừa Thiên Huế chạy lũ được cập nhật liên tục trên Báo Gia đình và Xã hội (nay là Báo Sức khỏe&Đời sống), tối 12/10/2020, nhà báo Minh Thùy - Phụ trách Phóng viên thường trú khu vực Bắc Trung Bộ gọi điện với giọng khẩn trương: "Rạng sáng mai, em sắp xếp lên hiện trường Thủy điện Rào Trăng 3. Bằng mọi cách phải cập nhật những thông tin, hình ảnh về vụ việc sớm nhất, chính xác nhất. Phải hết sức cẩn trọng, giữ an toàn cho bản thân trong quá trình tác nghiệp. Cần hỗ trợ việc gì cứ nhắn tin sẽ có anh em ở cơ quan hỗ trợ. Nhớ là an toàn đặt lên hàng đầu".

Là một phóng viên trẻ mới chập chững bước chân vào nghề, nghe cán bộ quản lý nhắc đi nhắc lại hai từ "an toàn" làm sống lưng tôi cảm giác lành lạnh. Cả đêm không thể chợp mắt, cố gắng kết nối đồng nghiệp để nắm thêm thông tin và chuẩn bị các vật dụng cần thiết để ngày mai lên đường. Hơn 5h sáng, thành phố Huế nhiều nơi mất điện, nước trắng xóa cả khu phố, lực lượng chức năng chốt chặn các ngả đường để hướng dẫn người dân tránh các khu vực ngập sâu.

Bì bõm trong nước hơn 1 giờ đồng hồ dắt bộ được chiếc xe máy ra khỏi thành phố Huế. Mưa lớn xối xả quất rát mặt, đường bị lực lượng chức năng chắn rào Barie không cho qua. Phải làm sao đến hiện trường nhanh nhất có thể cùng lời dặn "phải tuyệt đối an toàn", tôi cùng đồng nghiệp nghĩ cách gửi xe tại nhà dân ven đường để xin xe tải quá giang. Phải mất 3 lần xin xe tải quá giang và gần 4 giờ đồng hồ mới có mặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền cho quãng đường gần 50km.

Hơn 9h sáng 13/10, tôi cũng như nhiều phóng viên có mặt ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Ngay con đường phía trước cổng UBND xã, các lực lượng, phương tiện đang được gấp rút điều động lên để vào hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn. Vừa đặt chân đến cổng trụ sở UBND xã Phong Xuân, tiếng khóc xé lòng của những người thân các nạn nhân sau một đêm vượt lũ hàng trăm cây số khiến ai cũng bật khóc. Dường như bao hy vọng trôi theo dòng nước lũ khi những thông tin buồn tiếp tục kéo đến. Nhiều phóng viên quá xúc động đến động viên người nhà các nạn nhân mà quên đi công việc chính của mình. Sau ít phút định thần, các phóng viên nhanh chóng lao vào "cuộc chiến" truyền tải thông tin. Hình dung được tính nghiêm trọng của vụ việc, mỗi người làm báo khi ấy, ai cũng muốn nhanh chóng tiếp cận hiện trường vụ sạt lở để có thể cập nhật, diễn tả một cách chân thực nhất về vụ việc, chuyển tải tới bạn đọc. Phải làm sao có được thông tin sớm nhất, hình ảnh chân thực nhất lúc này...

Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng yêu cầu các phóng viên không được đi vào tiếp cận hiện trường. Đường đi vào thủy điện lúc này bị sạt lở, chia cắt rất nguy hiểm. Các phóng viên lúc đó nghĩ ra cách trực chiến tại khu vực ngã ba đường vào Thủy điện Rào Trăng 3 và đường liên thôn thuộc xã Phong Xuân vì ở đây có thể tiếp cận sớm nhất nguồn tin từ hiện trường đưa ra.

Hình ảnh hiện trường tìm kiếm các công nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Hình ảnh hiện trường tìm kiếm các công nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Tại trụ sở UBND xã Phong Xuân khi đó, Sở chỉ huy được lập vội để triển khai công tác cứu hộ. Rất nhiều lực lượng, cùng phương tiện được điều động đến xã Phong Xuân để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn. Khi thông tin cứu hộ cứu nạn các công nhân của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đã lấy hết nước mắt và sức lực của mọi người, chiều 13/10/2020, thông tin 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn vào cứu hộ, cứu nạn các công nhân gặp nạn và mất liên lạc làm mọi người run rẩy chân tay, bật khóc.

Lúc này, tất cả phóng viên đều tập trung vào việc đưa tin về các cán bộ, chiến sĩ gặp nạn trong khi tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, thời điểm ấy, thông tin về đoàn cán bộ gặp nạn hầu như rất ít ỏi vì mọi người đang tập trung cho công tác cứu hộ. Đứng ở ngã ba đường, cứ mỗi khi có các đoàn xe của lực lượng chức năng di chuyển ra là tất cả các phóng viên lao tới chụp ảnh, phỏng vấn để có thông tin sớm nhất về tình hình của 13 cán bộ chiến sĩ gặp nạn.

Thấu hiểu sức mạnh của sự đoàn kết

Gần 3 năm trôi qua, hình ảnh và tiếng còi hú của những chiếc xe cứu thương đưa các cán bộ, chiến sĩ đoàn cứu hộ chạy từ trong rừng ra vào chiều ngày 15/10 sẽ là ký ức không bao giờ quên trong tôi cũng như các đồng nghiệp có mặt lúc đó. Nhiều người không kìm được cảm xúc đành cắn răng giữ chặt môi, tránh bật ra tiếng khóc giữa đám đông cũng đang giàn giụa nước mắt thương tiếc những cán bộ đã vì dân, vì nước mà hy sinh cả bản thân của mình.

Đoàn xe đi qua để lại những giọt nước mắt đau thương, kính trọng và biết ơn của hàng trăm người dân bỏ việc nhà để ra tiễn biệt các anh, người con của nhân dân. Những ngày ở Phong Xuân, có chứng kiến tình cảm của người dân bỏ hết công việc gia đình để "dựng bếp" nấu ăn, hỗ trợ cho người nhà các nạn nhân và lực lượng chức năng mới thấu hiểu được sức mạnh của sự đoàn kết. Người góp gạo, người hỗ trợ thực phẩm chung tay nấu những bữa cơm miễn phí. Hay đó là hình ảnh những người dân tưởng như xa lạ bỗng trở nên thân thiết, gần gũi khi kề vai an ủi, động viên người nhà nạn nhân đang ngồi ngóng chờ tin tức con em.

Những ngày tác nghiệp ở Rào Trăng 3, tình cảm của người dân ngày ngày tự nguyện nấu cơm, mua dầu về nổ máy phát điện, lo chỗ ăn ở cho anh em phóng viên yên tâm tác nghiệp sẽ là kỷ niệm theo suốt cuộc đời làm báo của những phóng viên tác nghiệp tại đây.

Sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ vào cứu nạn ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 là ký ức, là động lực, là trách nhiệm để những người cầm bút trẻ như tôi phải luôn dặn lòng mình cố gắng có những bài viết thực tế hơn, sinh động hơn về cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của lực lượng vũ trang cũng như các lực lượng khác trong công cuộc dựng xây đất nước. Giờ đây, mỗi khi mùa lũ về, mọi người vẫn nhắc lại câu chuyện Rào Trăng 3 như một ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Rào Trăng 3 ngày ấy không chỉ là nỗi đau mà là tình người. Cũng chính trong những đau thương, mất mát, khó khăn đó, mà tình đồng bào, đồng chí cao cả của con người Việt Nam lại được thể hiện một cách rõ ràng nhất. Đúng như câu hát trong lời bài hát "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" của nhạc sĩ Trần Hoàn: "Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau".

Ngày 12/10/2020, một lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được thông tin về việc trước đó đã xảy ra vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) khiến nhiều công nhân bị vùi lấp. Ngay trong chiều 12/10/2020, một đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ cứu nạn. Thành phần đoàn 21 thành viên gồm lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4, UBND tỉnh và một số cơ quan liên quan.

Tối cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ, dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm, nhà có 4 gian (3 gian nghỉ, 1 gian bếp). Khoảng 0h ngày 13/10/2020 xảy ra sạt lở tại khu vực đoàn dừng nghỉ, 8 người thoát được ra ngoài, 13 người tử vong được tìm thấy sau đó.

Sáng 13/10/2020, các lực lượng chức năng tổ chức họp triển khai phương án, nhiều phương tiện, lực lượng được huy động vào hiện trường để tổ chức tìm kiếm các nạn nhân gặp nạn.

Chiều 15/10/2020, thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác được tìm thấy và đưa về TP. Huế. Ngày 18/10/2020, lễ viếng và truy điệu 13 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện quân y 268 (TP. Huế). Riêng vụ sạt lở xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp 17 người, quá trình tìm kiếm phát hiện thi thể 6 người, 11 người vẫn còn mất tích.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/rang-qua-con-hoan-nan-moi-hieu-tan-long-nhau-169230620160408889.htm