Rà soát chính sách giảm nghèo, giảm tối đa cho không

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung tại hội nghị tổng kết Ban chỉ đạo Dự án chương trình chính sách giảm nghèo (PRPP) ngày 22.11

Hội nghị tổng kết Ban chỉ đạo dự án PRPP

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), PRPP là dự án hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững (2011-2020) do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Ai len hỗ trợ và Bộ LĐ-TB-XH chủ trì. Sau 4 năm triển khai tại 8 tỉnh, gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kom Tum, Trà Vinh, dự án đã triển khai tổng số 566 nhóm hoạt động từ T.Ư đến tận thôn bản; rà soát 168 chính sách, văn bản liên quan đến giảm nghèo.

Điểm nổi bật của dự án PRPP là xây dựng mô hình giảm nghèo tại các địa phương với phương châm người dân làm chủ để phát huy nội lực của chính người dân. Người dân lập kế hoạch, tự quyết định lựa chọn cây con giống thích hợp với gia đình để giảm nghèo. Xã và cộng đồng được phân bổ ngân sách trung hạn (3-5 năm) và lập kế hoạch trung hạn (3-5 năm) trong giảm nghèo.

Ông Stewart Pittaway, đại diện nhóm chuyên gia độc lập đánh giá: Dự án PRPP đạt mức hiệu suất cao. Hầu hết các hoạt động của dự án được hoàn thành vào giữa năm 2016. Lần đầu tiên trong giảm nghèo, cơ chế hỗ trợ tài chính trọn gói cho xã và cộng đồng được thể chế hóa thành chiến lược và chính sách giảm nghèo ở cấp quốc gia. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2015 dưới 5%, một số địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn 2011-2015.

Những thành tựu giảm nghèo trong giai đoạn 2011-2015 là điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều nơi tỷ lệ nghèo ở mức cao, lên tới 50%, cá biệt trên 60-70%, nguy cơ tái nghèo có thể tăng cao do biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, dịch bệnh…

Trong giai đoạn tới, để giảm nghèo bền vững, các chuyên gia khuyến nghị, cần tiếp tục thúc đẩy vai trò của các cơ quan của Quốc hội như: Ủy ban các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc trong giám sát và định hướng các chương trình, chính sách giảm nghèo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tinh thần tự lực, tự chủ, vươn lên thoát nghèo của cộng đồng nghèo và phát huy tinh thần này trong sử dụng nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Dự án PRPP cần tập trung rà soát lại chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp, hệ thống; cho vay có điều kiện, giảm tối đa cho không. Việc giảm nghèo đa chiều theo hướng tiếp cận đa chiều để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội; đồng thời nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng thay đổi phương pháp tiếp cận giảm nghèo, trong đó quan trọng nhất là thay đổi hành vi, nhận thức về giảm nghèo”.

Thu Hằng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/ra-soat-chinh-sach-giam-ngheo-giam-toi-da-cho-khong-767565.html