Ra mắt phim Rồng Việt chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

ND - Hãng phim Sơn An vừa hoàn thành và cho ra mắt phim Rồng Việt nhân dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Phim sử dụng công nghệ 3D, bao quát được toàn bộ tinh thần, ý nghĩa sự kiện trọng đại của vùng đất "Rồng bay lên" vừa tròn nghìn năm tuổi.

Đạo diễn dàn dựng phim Việt Đặng cho biết, ý tưởng để anh làm phim đến từ dự án mang tên Rồng Việt do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Rồng Việt thực hiện. Theo đó, trên một quỹ đất 200 ha ở Bắc Ninh, một con rồng cao 135 m, dài 900 m, sẽ được xây dựng trong tương lai, là một công trình phức hợp, bao gồm trung tâm hội nghị, khách sạn, phòng triển lãm. Sau ba tháng thực hiện, phim 3D Rồng Việt chính thức ra mắt lần đầu tối 3-10 trong chương trình chào mừng Đại lễ diễn ra bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Phim như một thông điệp giải thích về nguồn gốc Rồng Tiên của dân tộc, gắn với sự tích Lạc Long Quân - Âu Cơ cùng dáng hình Tổ quốc Việt Nam hình chữ S bên bờ Biển Đông mang vóc dáng Rồng đang vươn mình lớn dậy, chứa đựng trong đó khát vọng của cả dân tộc. Giáo sư Trần Văn Khê sau khi xem đoạn phim, đã bày tỏ sự khâm phục ý tưởng mới mẻ này. Giáo sư cho biết, việc hình tượng hóa Rồng chỉ có trong tưởng tượng để người dân ý thức được biểu tượng của đất nước mình, là một điều đáng làm và đáng được hoan nghênh. Ông phân tích: Xưa nay chúng ta đều biết đến Rồng với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, phim đã lý giải Rồng Việt là sự kết tinh của những yếu tố vũ trụ mang tính biểu tượng cao. Ý tưởng Việt Nam là một đất nước có hình rồng vươn mình là hoàn toàn có cơ sở, bởi nền văn hóa của chúng ta có nhiều yếu tố gắn với linh vật này. Người Việt Nam có truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và có cả Vịnh Hạ Long là nơi rồng hạ, đất Thăng Long là nơi rồng bay lên. Đuôi rồng nằm ở phía nam xòe ra ứng với chín nhánh của sông Cửu Long đổ ra biển cả. Phim đã thể hiện hình ảnh Rồng vàng Việt Nam, kết hợp từ sự mềm mại giữa rồng thời Lý với sự cầu kỳ của rồng thời Trần, mang đầy đủ các đặc điểm của tứ linh: long, ly, quy, phượng. Rồng vàng đậu lại trên mặt trống đồng, một báu vật của dân tộc, đầu ngoảnh về hướng đông, phun nước đón mặt trời buổi sáng tạo thành cầu vồng bảy sắc, một hình ảnh sáng lạn, tượng trưng cho tương lai tươi sáng của đất nước. Theo đạo diễn Việt Đặng, khi Rồng Việt đậu xuống thì lập tức phun nước đem lại sự sống. Lúc đó cây cối phát triển, thành quách, cao ốc mọc lên. Bốn chân rồng cũng làm bốn nhiệm vụ khác nhau: chân bắc "đỡ" lịch sử, chân tây "chụp" văn hóa, chân nam "đè" chiến tranh, chân đông "nâng" hòa bình. Phần đuôi cuộn lại ở giữa để "che chắn", bảo vệ cộng đồng dân tộc trước mọi hiểm nguy từ bên ngoài. Phim đã được trình chiếu ở nhiều trường học và được công chúng nhỏ tuổi yêu thích bởi sự dễ hiểu, dễ cảm nhận về cội nguồn dân tộc, gần gũi trong cách giải thích về truyền thuyết và lịch sử dựng nước, tạo dựng Thăng Long- Hà Nội cũng như phần nào quá trình khẩn hoang mở đất của dân tộc.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184904&sub=134&top=43