Quýt hoi lên đời

Cây quýt hoi đã được nghiên cứu chế biến thành trà thảo dược mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Do có khí hậu tương đối mát mẻ nên huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa được xem là "thủ phủ" của cây quýt hoi (còn gọi là cây quýt hôi). Loài cây này được biết đến là một vị thuốc quý của người dân địa phương, thường dùng vỏ quýt hoi để làm trà uống trong gia đình hoặc ngâm quả với mật ong để trị ho. Các món ăn của người dân nơi đây cũng thường dùng vỏ, lá quýt để chế biến, tạo hương vị.

Chuyển mình ngoạn mục

Mặc dù có rất nhiều giá trị, thế nhưng trong một thời gian dài, cây quýt hoi không được chăm sóc, đất đai bạc màu; thị trường tiêu thụ cũng không được ai quan tâm, người dân chỉ mang quả ra chợ bán hay chế biến sử dụng cá nhân, cho gia đình; vì thế, giống cây này dần bị thu hẹp diện tích.

Để loại giống cây quý này không bị mai một, từ năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phục tráng và xây dựng giống quýt hoi Bá Thước. Cùng với đó, bà con sẽ được hỗ trợ nhân giống, trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây quýt hoi dần được khôi phục.

Anh Ngân Văn Chàng (ngụ bản Phả Ban, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) cho biết nhờ đề án trên mà rất nhiều người dân tại địa phương trồng và xem cây quýt hoi là nguồn thu nhập chính. "Ngày trước, cứ tới mùa thu hoạch, người dân thường hái quả mang ra chợ bán, giá trị không cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, loại quả này được nhiều người ưa chuộng, chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị nên cứ tới mùa, thương lái đến tận vườn thu mua, người trồng bớt vất vả, thu nhập lại ổn định" - anh Chàng thông tin.

Theo ông Hà Văn Tâm (ngụ thôn 3, xã Ban Công, huyện Bá Thước), gia đình ông đang trồng khoảng 1,5 ha quýt hoi, nhờ được xã, huyện chuyển giao kỹ thuật nên việc trồng quýt hoi đạt năng suất cao, giúp có nguồn thu ổn định. "Trước đây, chúng tôi trồng quýt chủ yếu phục vụ cho gia đình, nhưng giờ có đơn vị thu mua, đầu ra ổn định nên đã yên tâm canh tác" - ông Tâm bày tỏ.

Báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Bá Thước cho thấy tổng diện tích cây quýt hoi trên địa bàn hiện có khoảng 50 ha được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, số còn lại được trồng rải rác ở các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm. Theo tính toán, 1 ha quýt cho sản phẩm bình quân 6 tấn/năm, thu 90 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 150-180 triệu đồng.

Người dân thu hoạch quýt hoi mọc tự nhiên

Vỏ quýt hoi được người dân sấy khô làm dược liệu

Xây dựng thương hiệu OCOP

Ông Lương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Ban Công, cho biết trên địa bàn xã hiện có 19 hộ gia đình ở thôn 3 trồng cây quýt hoi, với diện tích trên 11 ha. "Đây là giống cây bản địa, có giá trị của địa phương chưa hề qua lai tạo và chúng tôi đang xây dựng thương hiệu quýt hoi là sản phẩm OCOP của địa phương, đồng thời sẽ mở rộng thêm diện tích, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật giúp người dân thoát nghèo bền vững" - ông Tư nói.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, thông tin quýt hoi đang được Công ty TNHH Puluong Cuisine (đóng ở thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước) thu mua, bao tiêu sản phẩm. "Bước đầu, công ty này đã cho ra thị trường các sản phẩm trà quýt hoi (được chế biến từ vỏ quýt), siro (làm từ ruột quýt). Hiện các sản phẩm này đã được Tổ giúp việc UBND tỉnh chấm điểm đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, công ty này cũng tận dụng bã của quả quýt pha chế thành nước rửa chén hữu cơ; lá sấy khô đóng gói làm gia vị chế biến các món ăn" - ông Tâm phấn khởi.

Cũng theo ông Tâm, huyện đã đưa cây quýt hoi vào kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2022-2025, huyện sẽ mở rộng diện tích lên 100 ha nhằm bảo tồn nguồn gien, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng và đưa cây quýt vào phát triển trong các hộ gia đình, góp phần giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định.

"Quýt hoi hiện được chia làm 2 loại, trồng để lấy quả và lấy vỏ. Trong đó, vùng Thành Sơn chủ yếu trồng và phát triển tự nhiên (không bón phân) nên vỏ rất dày, nhiều tinh dầu, sẽ dùng để lấy vỏ làm trà; còn vùng Ban Công và một số xã khác thì trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để lấy quả. Mục tiêu của huyện là phát triển vùng nguyên liệu cây quýt hoi khoảng 100 ha để cung cấp cho công ty chế biến và cho du lịch cộng đồng tại địa phương" - ông Tâm cho hay.

Ngoài cây quýt hoi, tại huyện Bá Thước đã có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP mang lại hiệu quả kinh tế, nâng tầm thương hiệu cho địa phương, được nhiều người dân và du khách khi tới khu du lịch Pù Luông (nổi tiếng của Bá Thước) ưa chuộng, tin dùng là mật ong rừng Pù Luông, lạp sườn và khâu nhục họ Hoàng (thị trấn Cành Nàng).

Trông chờ các nhà khoa học

Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các tỉnh, thành trong cả nước diễn ra rất mạnh mẽ. Do áp lực kinh tế thị trường cùng thị hiếu của người tiêu dùng, những vùng chuyên canh cây ăn trái của Việt Nam phát triển, từ trồng những giống cây có sẵn trong nước, những loại cây truyền thống và cả những giống cây cho năng suất, chất lượng cao từ nước ngoài nhập về, đặc biệt là nhập từ Thái Lan.

Khi nhắc đến những giống cây trái này, người ta thường nghe tới các từ "siêu ngọt, siêu ra trái, siêu mỏng vỏ, hạt lép…" để chỉ những giống lai ghép mới được nhập về, đánh vào thị hiếu người tiêu dùng. Do đó, hầu hết các trung tâm cây giống tại Việt Nam đều ưu tiên nhập những giống cây mới từ nước ngoài để cung cấp cho thị trường mà quên rằng Việt Nam cũng có rất nhiều giống cây ăn quả chất lượng cao, năng suất cao, kiểu dáng độc lạ thu hút khách hàng không kém gì các loại cây nhập ngoại kia, đặc biệt là có hương vị truyền thống "vô cùng thơm ngon" lưu dấu ấn riêng của trái cây Việt Nam.

Không chỉ có những dòng hoa - cây kiểng ở Việt Nam bị các nước như Thái Lan, Trung Quốc… mua về nhân giống và đăng ký bản quyền thành các giống cây của họ, các dòng trái cây ngon của nước ta từ nhiều năm nay cũng bị như vậy. Làm cách nào khai thác được hết những giá trị của những giống trái cây ngon của Việt Nam; làm cách nào để nhân giống, lai tạo ra những dòng mới, có những ưu điểm hơn hay khác biệt với hiện tại? Đó là những câu hỏi cho các nhà khoa học của chúng ta hiện nay.

Giống nhãn tím đột biến Ảnh: Thành Trung

Nói về phương pháp lai tạo truyền thống, thời gian qua, những nông dân chân chất cũng có thể thỏa sức sáng tạo để cho ra đời các loại cây của riêng mình bằng cách thụ phấn, ghép cành, lai hạt… từ cây này qua cây kia, từ dòng này qua dòng kia. Từ đó, tạo ra loài cây mới, có các đặc điểm lai giữa những dòng cũ. Với phương pháp này, nhiều nông dân đã tạo ra được những dòng cây lai mới mang thương hiệu Việt Nam, có những đặc điểm nổi trội, cho năng suất và chất lượng cao hơn, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Những loại trái cây truyền thống đã nổi tiếng từ xưa như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), sầu riêng Ri6, bưởi da xanh (Bến Tre), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương),… đã được nông dân nhân giống bằng hạt hay chiết cành để tạo ra cây giống trồng được khắp cả nước. Có những loại giống mới được lai tạo hay các loại trái cây đột biến gien tự nhiên như nhãn tím, được ông Trần Văn Huy (ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) phát hiện trong vườn nhà mình và một vài giống không hạt xuất hiện gần đây cũng đã được trồng nhân rộng trong nhiều địa phương.

Tuy nhiên, phương pháp truyền thống thường chỉ tạo ra được số lượng cây giống nhỏ, cũng như diễn ra lẻ tẻ, không đồng đều về chất lượng. Do đó, để đạt được việc nhân giống đồng đều, đa dạng các chủng loại hay nhân ra một số lượng lớn đòi hỏi phải có các phương pháp khoa học tiên tiến như lai tế bào, lai hạt phấn, gây đột biến nhân tạo, đột biến phôi soma… mới có thể tạo ra được những giống mới hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Với những phương pháp này, các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc… đã cho ra đời rất nhiều chủng loại cây con mới mang đặc điểm ưu việt hơn những giống cũ; đã được Việt Nam nhập về trồng.

Vậy, con đường của các nhà khoa học Việt Nam là phải cố gắng hoàn thiện công nghệ nhằm lai tạo ra những giống mới từ những giống bản địa của Việt Nam, tạo ra những giống có nhiều đặc điểm nổi trội hay cơ bản là nhân những giống đã có sẵn, phát triển số lượng lớn cây giống cho người trồng trong nước và cơ hội xuất khẩu.

Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các nhà khoa học, nước ta cũng đã tạo ra những dòng cây ăn trái đột biến mới như dưa hấu tam bội không hạt; dâu tây tam bội trái to hơn, ngọt hơn; những giống lúa mới cho năng suất và chất lượng hạt ngon hơn trở thành thương hiệu của Việt Nam: ST24, ST25, DT 17…

Trong tương lai không xa, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một nền khoa học đang phát triển với những thành tựu mới, đặc biệt trong lĩnh vực lai tạo giống cũng như phát triển giống cây ở Việt Nam nhằm tạo ra các loài cây làm nên thương hiệu, bản quyền của đất nước chúng ta.

ThS Phan Thị Hồng Thủy

Thanh Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/quyt-hoi-len-doi-20220626204141828.htm