Quỳnh Nhai phát triển chăn nuôi đại gia súc

Không có lợi thế về đất đai, nhưng nhiều năm qua, nông dân huyện Quỳnh Nhai đã tận dụng diện tích đất trống để trồng cỏ, chăn nuôi trâu bò, tạo thêm nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Nông dân bản Mấc Líu, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai nuôi bò nhốt chuồng.

Là xã vùng III của huyện Quỳnh Nhai, xã Chiềng Khay hiện có tổng đàn trâu, bò nhiều nhất huyện với trên 5.400 con trâu, gần 4.200 con bò. Nhân dân các bản ở Chiềng Khay tích cực trồng cỏ làm nguồn thức chăn cho đàn gia súc; ở các bản vùng cao thường chăn nuôi tập trung ở khu vực đất trống để quản lý và bảo vệ hiệu quả đàn vật nuôi.

Ông Tòng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay, cho biết: Chăn nuôi đại gia súc là mô hình kinh tế khá hiệu quả và phù hợp với điều kiện đặc thù của xã vùng cao Chiềng Khay, đem lại nguồn sinh kế ổn định cho nhiều hộ gia đình. Xã tuyên truyền bà con chủ động đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, tăng cường kiểm soát đàn gia súc trên địa bàn, kịp thời tuyên truyền, khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng tránh đói rét cho đàn gia súc khi vào mùa đông.

Còn tại xã Mường Giôn hiện có gần 7.000 con trâu, bò. Phát triển chăn nuôi đại gia súc là nguồn thu nhập tăng thêm không nhỏ cho các hộ gia đình. Những hộ lấy chăn nuôi làm nguồn thu chính thường duy trì 5-10 con trâu bò, nhiều thì hàng chục con. Bà con duy trì gần 80 ha cỏ voi và trồng thêm cây chuối lấy thân làm thức ăn cho gia súc; dựng chuồng trại chắc chắn để nuôi nhốt, vỗ béo gia súc đến khi đủ điều kiện xuất bán.

Là một trong những hộ có kinh tế khá giả của bản Mấc Líu, xã Mường Giôn, gia đình ông Lò Văn Quốc duy trì đàn bò từ 8-10 con, cùng với tích cực phát triển kinh tế tổng hợp từ trồng cây trên nương, cây ăn quả, đem lại nguồn thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm. Ông Quốc chia sẻ: Hai năm gần đây, giá trâu, bò giảm so với trước nhưng người nuôi vẫn có lãi nếu chịu khó chăm sóc, phòng bệnh tốt, đàn gia súc phát triển đều. Hiện tại, một con bò trưởng thành sau thời gian nuôi 2 năm bán được với giá 19-20 triệu đồng, trâu nuôi 5 năm bán với giá từ 35-40 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi, gia đình tôi có cuộc sống ổn định, có vốn để mở rộng diện tích cây ăn quả, tạo thêm nguồn thu nhập.

Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai có trên 11.600 con trâu, gần 24.400 con bò với số lượng lớn, tập trung ở các xã như: Chiềng Khay, Mường Giôn, Chiềng Khoang, Mường Sại... Toàn huyện có trên 600ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Đến các xã, bản ở Quỳnh Nhai, rất dễ bắt gặp những vạt cỏ được tận dụng trồng ven đường, trên đồi, trên nương, bãi đất trống, hay những vườn chuối xanh tốt được trồng ngay trong vườn nhà, giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn để chăm sóc tốt đàn vật nuôi. Ngoài nuôi trâu, bò thì dê cũng là vật nuôi đang được phát triển mạnh tại nhiều xã của Quỳnh Nhai, với tổng đàn trên 15.000 con. Với đặc tính dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, nguồn thức ăn phong phú nên đây cũng là vật nuôi giúp các gia đình tăng gia sản xuất, tăng thêm thu nhập.

Ông Điêu Chính Hải, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Phòng luôn chủ động tham mưu và phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò nuôi nhốt chuồng; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh ở đàn gia súc theo mùa cho bà con nhân dân.

Nhờ sự cần cù, chịu khó và tích cực trong áp dụng các biện pháp bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi, chăn nuôi trâu, bò đã và đang giúp nhiều hộ gia đình tại Quỳnh Nhai có nguồn sinh kế lâu dài, tăng thêm nguồn thu. Huyện đã và đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ về hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo công tác thú y và liên kết hỗ trợ vay vốn từ các nguồn vốn phát triển nông nghiệp nông thôn, khuyến khích chăn nuôi phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/quynh-nhai-phat-trien-chan-nuoi-dai-gia-suc-EZr7G7OSR.html