Quỳnh Nhai chủ động phòng, chống thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã xảy ra nhiều đợt mưa đá, gió lốc làm 36 nhà bị tốc mái, sụt lún nền nhà và có nguy cơ đá lăn; một số tuyến đường giao thông bị sạt lở; nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng... ước thiệt hại gần 3,2 tỷ đồng.

Tuyến đường Mường Chiên - Chiềng Khay bị sạt lở do mưa bão.

Ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã kiểm tra, rà soát, bổ sung, kế hoạch phòng, chống thiên tai từ huyện đến cơ sở; chủ động xây dựng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Mùa mưa hằng năm, ở xã Chiềng Khay thường xảy ra mưa đá, sạt lở đất... gây thiệt hạ về tài sản, cây cối, hoa màu của nhân dân. Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) xã đã rà soát, khảo sát, đánh giá từng khu vực dân cư, các địa bàn xung yếu để có biện pháp ứng phó phù hợp; tổ chức luyện tập các tình huống PCTT & TKCN...

Ông Đặng Thái Học, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay, cho biết: Từ tháng 4 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra mưa to, gây sạt lở một số tuyến đường; có 2 hộ dân khu vực có nguy cơ sạt lở đã được di chuyển về nơi ở an toàn. Hiện, Chiềng Khay đang tập trung cao tuyên truyền, cảnh báo thiên tai; tổ chức ứng trực 24/24 giờ để theo dõi, tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra...

Còn tại xã Chiềng Ơn, chính quyền xã đã đưa ra dự báo về vùng xung yếu, nguy cơ xảy ra các dạng thiên tai tại các bản để nhân dân chủ động phòng tránh; chuẩn bị cát, đá, 30 áo phao cứu sinh, 12 loa cầm tay và lương thực thiết yếu. Ông Lò Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn, cho biết: Dựa vào những hình thái thiên tai thường xảy ra trong những năm gần đây, xã đã xây dựng một số tình huống và phương án xử lý với các tình huống, về lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất... Trong đó, tập trung phương án cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích; sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân; đảm bảo giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai... Đồng thời, sẵn sàng phương án huy động nhân lực tham gia khắc phục thiên tai.

Để chủ động công tác phòng chống lũ bão, huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức diễn tập ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu nạn tại xã Cà Nàng. Sau cuộc diễn tập, các xã đã chủ động đánh giá, rà soát lại tất cả những nội dung chương trình trong công tác phòng, chống thiên tai; đề ra những tình huống và các giải pháp cụ thể khi thiên tai xảy ra; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được sự nguy hiểm và có kỹ năng tự ứng phó...

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát các vị trí trọng yếu nguy cơ sạt lở xảy ra lũ quét ở các xã: Chiềng Bằng, Nặn Ét, Mường Giôn, Cà Nàng, yêu cầu cơ quan chuyên môn và UBND các xã xây dựng phương án bảo vệ an toàn cho nhân dân. Chỉ đạo Tổ tư vấn thủy sản của huyện trực tiếp về cơ sở tuyên truyền, tư vấn các HTX, người dân phương pháp chăm sóc, bảo vệ các lồng cá; thông báo kịp thời tình hình mưa lũ; vận động người dân đầu tư lồng cá bằng hệ thống khung thép chắc chắn. Đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo tới người dân khi trời mưa to, gió lớn tuyệt đối không ở lại chòi canh, lồng bè, tàu thuyền trên sông.

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Rút kinh nghiệm các năm trước, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thực tế và họp bàn, đưa ra dự báo các vùng xung yếu có nguy cơ tiềm ẩn bị thiên tai để chủ động ứng phó, trên cơ sở đặc điểm, tính chất của mỗi vùng để có kế hoạch xử lý hiệu quả. Hiện, huyện đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện tham gia PCTT & TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với lũ, bão...

Chủ động xây dựng phương án phòng, chống lũ bão, tìm kiếm cứu nạn, huyện Quỳnh Nhai sẵn sàng huy động nguồn nhân lực tại chỗ; mua sắm, nâng cấp các trang thiết bị đảm bảo ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quynh-nhai-chu-dong-phong-chong-thien-tai-51558