Quyết liệt với dịch sốt xuất huyết

Tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên dịch bệnh vẫn gia tăng nhanh. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 8.982 trường hợp mắc SXH, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có bốn người chết.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân SXH bùng phát là do mùa hè năm nay nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh. Một số khu dân cư thiếu nước sinh hoạt, người dân phải tích trữ nước trong thùng, phuy, chậu, tạo điều kiện sinh sản cho muỗi vằn. Đáng lo ngại là những năm trước, tại Hà Nội chỉ ghi nhận có hai tuýp gây bệnh SXH là vi-rút Dengue tuýp 1 và tuýp 2, nhưng hiện nay đã thêm vi-rút Dengue tuýp 3 và tuýp 4. Người mắc bệnh do vi-rút tuýp này gây ra vẫn có thể mắc bệnh do vi-rút tuýp khác ở lần sau. Hơn nữa, chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị SXH. Chính vì vậy, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu là giám sát phát hiện người bệnh, tuyên truyền và tổ chức diệt muỗi, bọ gậy.

Trước những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, ngày 3-8, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 698-CV/TU, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện nghiêm túc Công điện số 1106/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống, huy động các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch SXH. Mới đây, UBND TP Hà Nội quyết định trích hơn 8,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của ngân sách thành phố năm 2017, bổ sung dự toán chi ngân sách cho Sở Y tế để mua sắm bổ sung hóa chất, sinh phẩm, vật tư và máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Sở Y tế Hà Nội tổ chức tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị bệnh SXH cho hơn 100 bác sĩ của các bệnh viện trong và ngoài công lập, trưởng phòng khám đa khoa các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và cán bộ phụ trách chuyên môn các phòng khám đa khoa tư nhân. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, các phòng khám đa khoa tổ chức, sắp xếp quy trình tiếp nhận, phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh. Từ đó, sàng lọc bệnh nhân ngoại trú, nội trú theo đúng phân tuyến, bảo đảm điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm chéo, giảm tử vong. UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy, đồng thời tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân; giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi mắc SXH tại cộng đồng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Nhìn bề ngoài, bệnh nhân SXH không thay đổi nhiều, cho nên không ít người chủ quan, cho là bị sốt phát ban thường, tự ý điều trị tại nhà, rất nguy hiểm. Vì vậy, cùng với biện pháp của các cơ quan chức năng, mỗi gia đình phải tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh bằng cách vệ sinh môi trường, xử lý triệt để ổ bọ gậy trong dụng cụ chứa nước, lật úp đồ vật chứa nước loại trừ nơi có nguy cơ muỗi đẻ trứng... Khi phát hiện người có dấu hiệu mắc SXH cần đưa đến khám tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33711302-quyet-liet-voi-dich-sot-xuat-huyet.html