Quyết liệt dẹp nạn 'xe dù, bến cóc'

Theo các chuyên gia giao thông, việc xóa 'xe dù, bến cóc' dù khó khăn nhưng không phải không có cách giải quyết. Với vấn đề này, các ngành chức năng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội vừa có kiến nghị gửi Thành ủy Hà Nội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các sở ban ngành thành phố Hà Nội về việc lập lại kỷ cương quản lý phương tiện vận tải đường bộ và các bến xe khách.

Theo Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, hiện thông tin nhà xe khách Thành Bưởi (thành phố Hồ Chí Minh) để xảy ra tai nạn, làm nhiều người tử vong và bị thương; để khắc phục những rủi ro trong quản lý, điều hành ngành vận tải, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội kiến nghị các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội xử lý một cách quyết liệt tệ nạn “xe dù, bến cóc”, xe giả danh xe hợp đồng, xe limousine, xe ghép trên các tuyến…

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Cụ thể, xe hợp đồng không được trực tiếp bán vé cho khách, không được bán vé tại điểm đón trả khách; xe hợp đồng phải gửi danh sách đi xe về Sở Giao thông vận tải địa phương trước 1 ngày để quản lý. Xe tuyến cố định sau khi đón khách bằng xe trung chuyển phải làm thủ tục xuất bến.

Muốn dẹp “xe dù, bến cóc”, phía Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho rằng Bộ Tài chính nên có thay đổi thu thuế khoán cho địa phương quản lý (như trước đây). Xe đăng ký kinh doanh phải nộp thuế khoán tại quận, huyện quản lý. Việc làm này phải thống nhất trong cả nước, có mức thuế riêng cho từng vùng miền.

Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng kiến nghị thành phố Hà Nội quy hoạch lại hệ thống bến xe, trong đó bến xe phải gần dân, cho tăng thêm tần suất theo yêu cầu của thị trường, phải được đồng ý của địa phương và các bến xe sau khi được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Như Lao động Thủ đô đã nhiều lần đề cập, hiện nhu cầu đi lại của người dân tăng cao dẫn đến tình trạng xe dù, bến cóc vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, một trong những biện pháp được các cơ quan chức năng của Thành phố, quận, huyện áp dụng đó là tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, để xử lý vi phạm là không hề đơn giản. Theo ghi nhận, với công tác phối hợp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đẩy mạnh công tác rà soát, nắm bắt tình hình, phát hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra, giải tỏa, xóa bỏ nhiều tụ điểm bến cóc trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, tiếp tục duy trì công tác phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nắm bắt tình hình về trật tự giao thông, trật tự đô thị tại các điểm nút giao thông, khu vực, tuyến đường có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông để kịp thời khắc phục, xử lý.

Cụ thể, theo báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông vận tải, tính riêng trong 8 tháng năm 2023, liên ngành Sở Giao thông vận tải - Công an Thành phố đã xóa được 7/37 (18,9%) điểm ùn tắc giao thông; xử lý 23/26 (88,4%) điểm đen về tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố. Trên lĩnh vực kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đến hết tháng 8, lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính hơn 10 nghìn trường hợp, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 37,5 tỷ đồng, tạm giữ 121 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn gần 1.100 trường hợp...

So với cùng kỳ năm 2022, số vụ lập biên bản vi phạm hành chính giảm 857 vụ (tương đương 7,86%), số tiền xử phạt tăng 4,7 tỷ đồng (tương đương 14,26%). Đáng chú ý, trong các tháng đầu năm, Thanh tra Sở đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường xử lý, kiên quyết xóa bỏ nhiều tụ điểm dừng, đỗ xe đón, trả khách vi phạm trên địa bàn Thành phố.

Theo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 14 tụ điểm dừng, đỗ xe đón, trả khách trái phép, trong đó có một số địa chỉ: Số nhà 29-31 Trần Thủ Độ, phố Kim Đồng (quận Hoàng Mai); phố Trần Vĩ (quận Cầu Giấy); Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm); 71 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân); Khu vực phía trước bến xe Yên Nghĩa, phố Quang Trung, phố Trần Phú (quận Hà Đông). Đến thời điểm hiện nay, lực lượng Thanh tra đã cơ bản xóa bỏ được 4 vị trí; hiện còn khoảng 10 vị trí, thanh tra giao thông đang tiếp tục kiên quyết, kiên trì xóa bỏ trong thời gian tới.

Từ nay đến cuối năm, khi nhu cầu của người dân tiếp tục tăng cao, Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ triển khai các kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phân luồng hạn chế ùn tắc giao thông… Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, tập trung phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông và các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải… Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm tại các khu vực như: Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Bến xe Nước Ngầm và các tuyến đường, phố tiếp nối khu vực bến xe, các khu vực trước cổng bệnh viện, trung tâm thương mại.

Mạng lưới luồng tuyến vận tải tại các bến xe được quy hoạch phù hợp sẽ góp phần giảm tình trạng "xe dù, bến cóc".

Theo các chuyên gia giao thông, việc xóa “xe dù, bến cóc” dù khó khăn nhưng không phải không có cách giải quyết. Với vấn đề này, các ngành chức năng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Quan trọng nhất là phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng, địa phương liên quan, trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Thực tế việc quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm hay việc xóa bỏ các bến, bãi trái phép; kiểm soát hoạt động của các văn phòng xe núp bóng hợp đồng, du lịch… chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất khi chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao, đốc thúc lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt.

Ngoài ra, về lâu dài, Hà Nội cần đầu tư và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các bến xe khách liên tỉnh cũng như mạng lưới luồng tuyến vận tải, đảm bảo thuận tiện cho người dân tiếp cận. Bổ sung nhiều tuyến buýt kết nối từ bến xe tới các khu dân cư, trường học, bệnh viện... Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, Thành phố khác phát triển hệ thống xe buýt kế cận; phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối thẳng từ trung tâm đô thị và hay các khu du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô…

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyet-liet-dep-nan-xe-du-ben-coc-162193.html