Quyết định tất yếu!

Tại Phiên họp thứ 28 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định xem xét, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương do đã quá thời hạn điều chỉnh theo Luật Ngân sách Nhà nước. Đây là quyết định tất yếu để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật về tài chính ngân sách.

Cụ thể, ngày 1.11.2023, Chính phủ có Tờ trình số 614/TTr-CP, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 4.754 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2023 của 17 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương để bổ sung tương ứng cho 21 dự án của 3 cơ quan trung ương và 6 địa phương. Cùng với đó, điều chỉnh giảm 446,5 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 của 2 địa phương, để bổ sung tương ứng cho 12 dự án của 7 địa phương.

Trong Tờ trình số 614/TTr-CP bao gồm nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Sáu; vì vậy không thể bổ sung, trình Quốc hội xem xét đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội ngay tại Kỳ họp thứ Sáu.

Thẩm tra Tờ trình số 614/TTr-CP, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2023 không bảo đảm thời gian để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 15.11 theo quy định tại Khoản 3, Điều 53 của Luật Ngân sách Nhà nước. Vì vậy, đề nghị không xem xét, điều chỉnh các khoản chi của ngân sách nhà nước đã phân bổ cho các đơn vị dự toán như đề xuất của Chính phủ. Đây cũng là kiến nghị chính thức của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong báo cáo thẩm tra gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định không xem xét, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 do đã quá thời hạn điều chỉnh theo Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ rút kinh nghiệm, bám sát lịch trình họp Quốc hội, họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đôn đốc, tổng hợp kịp thời báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khắc phục việc chậm trễ trong việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công như hiện nay.

Có thể, những cơ quan Trung ương, những địa phương đang đợi chờ đợi quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn sẽ hẫng hụt khi không được bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các dự án. Vậy nhưng, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tất yếu để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật về tài chính, ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, lĩnh vực ngân sách - tài chính phải rất nghiêm túc, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội. Bởi lẽ, chỉ khi kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách được bảo đảm, nguồn lực và tài sản quốc gia mới được sử dụng hiệu quả, giúp đạt mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Và trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội là bảo đảm kỷ luật ngân sách được thực thi nghiêm túc và thực chất, để từng đồng thuế người dân đóng góp được sử dụng hiệu quả nhất.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/quyet-dinh-tat-yeu-i354805/